Doanh nghiệp

Doanh nghiệp mong muốn được thử nghiệm mô hình kinh doanh mới

Bài: Thy Hằng - Ảnh: Thanh Tuấn 11/10/2024 16:21

Tại cuộc gặp gỡ với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, doanh nghiệp kiến nghị được thử nghiệm có giới hạn những mô hình kinh doanh mới kèm những ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2024), 79 năm Bác Hồ gửi thư cho giới Công Thương, theo đề nghị của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp gỡ đại diện giới doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Đảng, Nhà nước quan tâm xem xét có các giải pháp đồng bộ để khơi dậy mạnh mẽ khí thế, tinh thần kinh doanh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp gỡ đại diện giới doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp.

Sự kiện có sự tham dự của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đặc biệt là 160 đại biểu là các doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu, là sự kiện quan trọng và đặc biệt ý nghĩa thể hiện sự coi trọng, quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đối với sự nghiệp chăm lo, xây dựng và phát huy vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân nước nhà.

Phát biểu tại sự kiện, PGS TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam khẳng định, giới doanh nhân, doanh nghiệp vui mừng, vinh dự được Người đứng đầu Đảng, Nhà nước ân cần dành tình cảm trân trọng, tin cậy và những chỉ đạo quan trọng định hướng cho đội ngũ doanh nhân vững vàng bước vào kỷ nguyên phát triển mới của đất nước và giành nhiều thắng lợi to lớn trong giai đoạn mới.

Đồng thời khẳng định, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, kinh tế tư nhân đã từng bước phát triển qua các giai đoạn, đặc biệt khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng khởi sướng và lãnh đạo.

Nguyễn Trọng Điều
PGS. TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam khẳng định, giới doanh nhân, doanh nghiệp vui mừng, vinh dự được Người đứng đầu Đảng, Nhà nước ân cần dành tình cảm trân trọng, tin cậy và những chỉ đạo quan trọng.

Đặc biệt, Nghị quyết 10 Trung ương V Khoá XII, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và gần đây là Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới đã tạo ra những tiền đề hết sức quan trọng, thúc đẩy và kiến tạo môi trường thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, trở thành động lực quan trọng phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cùng với đó, đội ngũ doanh nhân ngày càng trưởng thành, lớn mạnh. Sau 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân đóg góp 60% GDP, tạo 30% nguồn thu ngân sách Nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động.

Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp tích cực trong việc thực hiện hiệu quả đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần đảm bảo an sinh, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, củng cố an ninh quốc phòng và giữ vững độc lập tự chủ nền kinh tế.

z5919398936305_e906fce620e9fc20a29e94ac3e4bd68c.jpg
Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp tích cực trong việc thực hiện hiệu quả đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khu vực kinh tế tư nhân đã xuất hiện một số tập đoàn lớn có tiềm lực mạnh, trình độ công nghệ và năng lực quản trị tiên tiến, có thương hiệu quốc gia và uy tín quốc tế, dũng cảm vươn ra cùng thế giới.

Cũng theo ông Điều, bên cạnh những thành tựu, khu vực kinh tế tư nhân cũng còn hạn chế so với yêu cầu phát triển. Cùng với đó là những khó khăn thách thức do áp lực tiêu cực của tình hình quốc tế, những vấn đề thiên tai và yếu kém tồn tại chưa thể khắc phục ngay trong một sớm một chiều.

Những thách thức chủ yếu của khối doanh nghiệp tư nhân và hoạt động của doanh nhân hiện nay. Cụ thể, một là, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có lượng vốn yếu và mỏng so với quy mô các dự án và tham vọng đầu tư phát triển kinh doanh, các giải pháp tiếp cận vốn chủ yếu phụ thuộc chính vào ngân hàng.

“Điều này khiến nhiều doanh nghiệp “chững lại” trong nỗ lực vươn lên trở thành doanh nghiệp lớn, nhiều kế hoạch đầu tư kinh doanh bị chậm trễ, có những doanh nghiệp đối diện nguy cơ phá sản, bị mất cân đối dòng tiền. Doanh nghiệp không thể gia tăng sự phụ thuộc vào ngân hàng, cũng không thể đòi hỏi ngân hàng hạ tiêu chuẩn tín dụng và tài trợ vốn rẻ cho doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp phải nỗ lực đa dạng hoá nguồn vốn thông qua các kênh huy động vốn từ thị trường cổ phiếu, trái phiếu, vốn vay nước ngoài”, ông Điều cho biết.

z5919398931160_1a56935ec151cd4e4a665c363939d7cc.jpg
Doanh nhân mong Đảng, Nhà nước, Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ thị trường chứng khoán.

Đồng thời ông Điều cho rằng, một là, doanh nghiệp phải minh bạch hoá, nâng cao năng lực quản lý vốn, tránh đầu tư dàn trải thiếu kiểm soát… tránh tư tưởng đầu tư siêu lợi nhuận, không được lợi dụng kẽ hở chính sách.

Doanh nhân mong Đảng, Nhà nước, Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ thị trường chứng khoán, để nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi. Tiếp tục hoàn thiện các quy định về phát hành trái phiếu về cân bằng sự bền vững của thị trường và nhu cầu vốn thiết thực của doanh nghiệp.

Hai là, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam hạn chế về năng lực nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, công nghệ mới, công nghệ lõi.

“Giải pháp doanh nghiệp phải phân bổ tỉ trọng đầu tư tương xứng trong nghiên cứu phát triển. Đầu tư cho nhân lực chất lượng cao để nắm bắt và làm chủ công nghệ”, ông Điều nhấn mạnh.

Doanh nhân cũng kỳ vọng Nhà nước cho phép thử nghiệm có giới hạn những mô hình kinh doanh mới, xem xét ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp thử nghiệm mô hình sáng tạo này.

Ngoài ra, đàm phán với các doanh nghiệp FDI trọng yếu nên xem xét bổ sung tỷ trọng người Việt Nam nắm bắt các vị trí chủ chốt, hoặc yêu cầu để doanh nghiệp trong nước góp vốn vào liên doanh.

Ba là, các doanh nghiệp hiện còn hạn chế trong năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị tài chính và tầm nhìn phát triển bền vững. Doanh nhân phải vươn tầm học hỏi các tiêu chuẩn tiên tiến. Doanh nhân đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, tiên phong.

6b9f0c69145ead00f44f.jpg
Các chiến sĩ kiên cường trên mặt trận kinh tế cam kết thực hiện thành công sứ mệnh vai trò động lực quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Bốn là, thời gian qua Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã không ngừng đổi mới hoàn thiện cơ chế chính sách nhưng vẫn còn một số lĩnh vực rườm rà, chồng chéo, giải quyết thủ tục hành chính ở một số địa phương, bộ ngành còn phát sinh thủ tục, kéo dài thời gian thực hiện.

“Do đó, đề xuất tiếp tục hoàn thiện chính sách, đảm bảo tính đồng bộ trong thực tiễn, tiếp tục nỗ lực cải cách về thể chế kinh tế cần được đẩy nhanh và khoa học”, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam khẳng định.

Đồng thời cho rằng, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, doanh nhân là người đồng hành với hành trang và dũng khí khát vọng cống hiến của mình doanh nhân cũng là người góp phần quan trọng đổi mới căn bản lực lượng sản xuất và phương thức sản xuất, làm lên thế và lực Việt Nam, các chiến sĩ kiên cường trên mặt trận kinh tế cam kết thực hiện thành công sứ mệnh vai trò động lực quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Bài: Thy Hằng - Ảnh: Thanh Tuấn