Viettel đề xuất ban hành Nghị quyết thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài
Đại diện Viettel đề xuất Bộ Chính trị ban hành nghị quyết chuyên đề về thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp.
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2024), 79 năm Bác Hồ gửi thư cho giới Công Thương, theo đề nghị của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp gỡ đại diện giới doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp.
Sự kiện có sự tham dự của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đặc biệt là 160 đại biểu là các doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu, là sự kiện quan trọng và đặc biệt ý nghĩa thể hiện sự coi trọng, quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đối với sự nghiệp chăm lo, xây dựng và phát huy vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân nước nhà.
Phát biểu tại sự kiện, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, 9 tháng đầu năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
Theo đó, xung đột quân sự giữa các nước gây dứt gãy các chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến việc đảm bảo vật tư, linh kiện cho công tác nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn.
Bên cạnh đó, tại các thị trường Viettel đầu tư, kinh tế hồi phục chậm, tình trạng khan hiếm ngoại tệ, lạm phát tăng cao. Mặc dù vậy, trong nước, Chính phủ tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các Nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đối ngoại, hợp tác quốc phòng, an ninh được tăng cường, đẩy mạnh, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước được nâng cao, nền kinh tế tiếp tục khẳng định sự phục hồi rõ nét, đạt tốc độ tăng trưởng cao.
Trong bối cảnh đó, với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương; sự chỉ đạo sát sao của Bộ Quốc phòng, Viettel đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh được giao với doanh thu hợp nhất 9 tháng đầu năm đạt 137,5 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 107% kế hoạch, tăng trưởng 9,5%; lợi nhuận trước thuế đạt 42,3 nghìn tỷ, hoàn thành 118%, tăng trưởng 5,9%; nộp ngân sách Nhà nước 35,7 nghìn tỷ, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Với vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp quốc phòng an ninh, tập đoàn kinh tế chủ lực của quốc gia, của quân đội, trong 9 tháng đầu năm 2024, hoạt động trên các lĩnh vực của Viettel cũng có được nhiều kết quả nổi bật.
Với lĩnh vực chuyển đổi số, Chủ tịch Viettel cho biết doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển hạ tầng số và hệ sinh thái dịch vụ số để thúc đẩy các doanh nghiệp số cùng nhau phát triển, góp phần đạt mục tiêu chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Với lĩnh vực nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao, quán triệt sâu sắc mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là “Đến năm 2025 Việt Nam trở thành một nước có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, đến 2030 trở thành nước có nền công nghiệp hiện đại” và Nghị quyết Đại hội XI của quân đội “Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại”, trong 9 tháng đầu năm, với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Viettel bám sát tiến độ các nhiệm vụ được giao, nghiên cứu, thử nghiệm, nghiệm thu thành công nhiều vũ khí chiến lược, sẵn sàng sản xuất loạt và đưa vào trang bị diện rộng cho Bộ Quốc phòng.
Bên cạnh đó, Viettel đẩy mạnh kinh doanh các sản phẩm ra nước ngoài, nổi bật là hợp đồng cung cấp hệ thống mô phỏng huấn luyện bắn súng sang Philippines với giá trị ~2 triệu USD.
Với lĩnh vực thương mại và logistics, Viettel tích cực triển khai hạ tầng tham gia vào phát triển hạ tầng Logistics quốc gia như công viên logistics tại Lạng Sơn, cửa khẩu thông minh tại Lào Cai... góp phần giảm chi phí vận chuyển, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hóa thương mại và vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nhận định trong quý 4/2024 và năm 2025, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, nền kinh tế Việt Nam sẽ có thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, Lãnh đạo Viettel đề xuất:
Thứ nhất, tháng 9/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đã có bài viết về chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước với công cuộc chuyển đổi số của đất nước.
Thực hiện chủ trương này, đề xuất lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm, ủng hộ, sớm thông qua Nghị quyết chuyên đề về “Chuyển đổi số Quốc gia, phát triển kinh tế số - xã hội số” với các cơ chế chính sách, mãnh mẽ để thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội để Việt Nam kịp thời nắm bắt cơ hội tư cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Với thế mạnh về nguồn lực, công nghệ của mình, Viettel sẵn sàng nhận nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó.
Thứ hai, ông Tào Đức Thắng cho biết, phát biểu trong chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đề cập đến con đường hướng tới “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Một trong những chiến lược quan trọng để Việt Nam có thể vươn mình đó là chủ động, mở rộng đầu tư ra nước ngoài góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Để thực hiện được chiến lược này, Việt Nam không chỉ cần một vài doanh nghiệp mà phải có nhiều doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài, tạo thành sức mạnh dân tộc, hình thành hệ sinh thái dịch vụ và sức mạnh cộng hưởng như các doanh nghiệp của Hàn Quốc, Trung Quốc...
“Do đó, Viettel đề xuất Bộ Chính trị ban hành nghị quyết chuyên đề về thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp trong đó nêu rõ các cơ chế chính sách để tháo gỡ khó khăn vướng mắc đang gặp phải như cơ chế mua bán sáp nhập thoái vốn tại nước ngoài, cơ chế đánh giá tổng thể hiệu quả dự án đầu tư….”, Chủ tịch Tập đoàn Viettel kiến nghị.