Cần chính sách thu hút doanh nghiệp đủ tâm – trí – lực vào kinh tế rừng
Kiến nghị cần có chính sách để lôi kéo tầng lớp doanh nhân và những doanh nghiệp đủ tâm – trí – lực vào lĩnh vực kinh tế rừng.
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2024), 79 năm Bác Hồ gửi thư cho giới Công Thương, theo đề nghị của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp gỡ đại diện giới doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp.
Sự kiện có sự tham dự của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đặc biệt là 160 đại biểu là các doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu, là sự kiện quan trọng và đặc biệt ý nghĩa thể hiện sự coi trọng, quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đối với sự nghiệp chăm lo, xây dựng và phát huy vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân nước nhà.
Phát biểu tại sự kiện, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH, Chủ tịch Hiệp Hội Nữ Doanh nhân Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã dành thời gian quý báu để gặp gỡ và chia sẻ với cộng đồng doanh nhân Việt Nam nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. Đây là nguồn động viên và khích lệ vô cùng to lớn đối với những người làm kinh tế như chúng tôi, trong công cuộc xây dựng đất nước và đưa Việt Nam bước vào "Kỷ nguyên vươn mình" mà Tổng Bí thư đã đề ra.
Theo bà Thái Hương, tầm nhìn chiến lược cũng như khát vọng như lời hiệu triệu của Người đứng đầu trên cương vị mới đã hòa chung với khát vọng của dân tộc nói chung và doanh nhân nói riêng. Thông điệp này chúng ta phải truyền tải bằng mọi hình thức truyền thông, để mọi tầng lớp đều thấm nhuần.
Nhân dân nói chung và tầng lớp doanh nhân nói riêng của đất nước ta có nội lực rất lớn, có tâm, có tầm, đủ bản lĩnh, đủ tâm, đủ tài để lãnh hội, để gánh vác trọng trách cùng đất nước.
Chủ tịch Hiệp Hội Nữ Doanh nhân Việt Nam cho rằng, mỗi chúng ta ai cũng có ước mơ và hoài bão nhưng chúng ta phải hun đúc, phải nuôi dưỡng để ước mơ, hoài bão đó thành khát vọng.
“Thế giới hiện đại có những thành tựu vô cùng to lớn về khoa học công nghệ, khoa học quản trị, trí tuệ nhân tạo… Để tận dụng những thành tựu này, chúng ta cần có một số quyết sách, những cơ chế chính sách phù hợp cho từng thời kỳ, cho từng ngành nghề, để dẫn dắt, để khích lệ, để tạo ra những “cánh chim đầu đàn” trong từng lĩnh vực, để biến khát vọng thành hiện thực, để tạo ra sức mạnh to lớn cho dân tộc, để dân tộc ta sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ từng mong muốn”, bà Thái Hương đề xuất.
Theo đó, Chủ tịch Hiệp Hội Nữ Doanh nhân Việt Nam đề xuất, trước tiên phải xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với lợi thế của Việt Nam, đó là nông nghiệp, trong đó có kinh tế rừng, kinh tế biển, kinh tế đồng bằng…
“Tôi muốn nhấn mạnh kinh tế rừng - là ngành tập trung nguồn lực lao động lớn và sự nghèo đói cũng nhiều, trải dài ở các vùng biên của đất nước.
Thứ hai, cần có chính sách để lôi kéo tầng lớp doanh nhân và những doanh nghiệp đủ tâm – trí – lực vào lĩnh vực này”, bà Thái Hương nhấn mạnh.
Bởi theo bà Thái Hương, khi lôi kéo được các doanh nghiệp đủ tâm – trí – lực vào lĩnh vực này để xây dựng chuỗi giá trị khép kín, đưa người nông dân vào 1 mắt xích trong chuỗi giá trị, dẫn dắt người nông dân xóa đói giảm nghèo bền vững, tiến tới làm giàu, thay đổi ngay trên mảnh đất của chính mình. Đồng thời, xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia, đạt chuẩn quốc tế cho từng sản phẩm.
Chủ tịch Hiệp Hội Nữ Doanh nhân Việt Nam lưu ý những nguyên tắc chung là ở khi phát triển kinh tế ở lĩnh vực nào cũng cần tuân thủ mô hình kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn trên nền tảng phát triển bền vững.
Cần đưa khoa học công nghệ, khoa học quản trị đan xen vào nhau để tạo ra năng suất lao động cao, chi phí giá thành hợp lý, chất lượng chuẩn quốc tế, thay đổi phương thức sản xuất từ manh mún, lạc hậu, nhỏ lẻ thành phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại.
Thừa hưởng những thành tựu khoa học kỹ thuật, khoa học quản trị trên thế giới, như Tổng bí thư – Chủ tịch nước đã nói chúng ta có nhiều khó khăn khôn lường nhưng cũng có nhiều cơ hội, và một trong những cơ hội đó chính là những thành tựu khoa học công nghệ, khoa học quản trị, trí tuệ nhân tạo này. Bên cạnh đó, các chính sách ngoài khích lệ, dẫn dắt còn phải tạo công bằng cho các thành phần kinh tế: trong nước và ngoài nước, quốc doanh và tư nhân,…
Đặc biệt, bà Thái Hương nhấn mạnh, quan trọng nhất, ta cần tạo ra một môi trường đủ an toàn – an toàn ở đây bao gồm cả việc tạo hành lang pháp lý và các luật định phù hợp, thống nhất, không bị chồng chéo, tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển; để mọi tầng lớp trong xã hội nói chung và doanh nghiệp nói riêng lãnh hội lời hiệu triệu của người đứng đầu, xem đó như là một sứ mệnh, cùng gánh vác trên vai cùng đất nước, để đất nước ta giàu có và văn minh.
Để dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, bà Thái Hương cho rằng, ngoài kinh tế ta cần chú ý tới sự “vươn mình” về chiều cao nói cách khác là tầm vóc của người Việt.