Quy định về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng còn thiếu phù hợp
Góp ý Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ, VCCI cho rằng, quy định về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng đang thiết kế chưa phù hợp…
Theo đó, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 538/GM-BTP của Bộ Tư pháp về việc đề nghị tham gia cuộc họp thẩm định Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ (Dự thảo).
Cụ thể, tại văn bản đã nêu, góp ý quy định về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng (Điều 7), VCCI cho biết, khoản 10 Điều 56 Luật Đường bộ quy định: “Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô chở người để vận tải hành khách theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với người thuê vận tải, bao gồm cả thuê người lái xe. Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô chở người từ 08 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) phải có hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với người thuê vận tải thuê cả chuyến xe, bao gồm cả người lái xe”.
Theo VCCI, quy định này không giới hạn số lượng người thuê xe vận tải (nhiều người có thể thuê một chuyến xe), miễn là thuê cả chuyến xe.
Tuy nhiên, Dự thảo lại đang thiết kế đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe: Không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau (điểm a khoản 4 Điều 7);
Không được đón, trả khách tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh, trên các tuyến đường phố (điểm b khoản 4 Điều 7) là chưa phù hợp với quy định nêu trên.
“Với nhiều người thuê xe vận tải và cùng thuê cho cả chuyến xe thì việc xác nhận đặt chỗ, theo lịch trình, hành trình thỏa thuận cố định với đơn vị kinh doanh vận tải là phù hợp với quy định tại Luật Đường bộ.
Mặt khác, bản chất của hợp đồng là theo các thỏa thuận của các bên trong cung cấp dịch vụ. Việc đặt ra các hạn chế trên là chưa phù hợp với bản chất của kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi hoạt động. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ các quy định tại điểm a, b khoản 4 Điều 7 Dự thảo”, VCCI.
Bên cạnh đó, góp ý quy định về công tác bảo đảm an toàn trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ (Điều 11), VCCI cũng cho biết, theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Dự thảo, người trực tiếp điều hành phải đáp ứng điều kiện về chuyên môn (chứng chỉ sơ cấp chuyên ngành vận tải hoặc có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành vận tải hoặc đường bộ trở lên) đối với “hoạt động vận tải của các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, bằng xe taxi và các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa sử dụng xe ô tô kéo rơ moóc, xe ô tô đầu kéo kéo theo sơ mi rơ moóc”;
Đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa khác phải có kinh nghiệm làm việc tại đơn vị kinh doanh vận tải tối thiểu từ 03 năm trở lên hoặc là Chủ hộ kinh doanh vận tải của đơn vị kinh doanh vận tải.
Theo VCCI, so với quy định hiện hành, Dự thảo đã quy định thêm điều kiện của người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải. Đây được xem là rào cản kinh doanh và cần phải được giải trình rõ hơn về vấn đề này.
Cùng với các vấn đề đã nêu, tại văn bản góp ý, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc một số nội dung liên quan đến: Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô (Điều 13); Quy định chung về Hợp đồng vận tải (Điều 17); Quy trình đăng ký, ngừng khai thác tuyến vận tải hành khách cố định (Điều 22); Quy định về quản lý hoạt động vận tải nội bộ (Mục V Chương II); và Mẫu giấy đề nghị cấp (cấp lại) Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Phụ lục I).