Chính trị - Xã hội

Việt Nam hoan nghênh các tập đoàn quốc tế chung tay chuyển đổi số

Quân Bảo 11/10/2024 21:56

Ông Phạm Hồng Quất, Bộ Khoa học và Công nghệ, đánh giá các tập đoàn công nghệ quốc tế là nguồn lực quý cho chuyển đổi số ở Việt Nam.

Thảo luận tại Hội nghị Quốc tế Techsauce Thành phố Hồ Chí Minh 2024 với chủ đề “Giải phóng tiềm năng công nghệ ở Đông Nam Á”, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trong 4 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã mạnh mẽ thúc đẩy chuyển đổi số và cũng đã ban hành Chiến lược quốc gia về chuyển đổi số bao gồm ba trụ cột.

img_1720.jpg
Ông Phạm Hồng Quất: "Việt Nam đặt mục tiêu chuyển đổi kép, số và xanh"

Ba trụ cột này là chuyển đổi số trong chính phủ, chuyển đổi số trong nền kinh tế và chuyển đổi số trong xã hội. Mục tiêu đến năm 2025 là 80% các dịch vụ công phải thực hiện được trực tuyến. Và đến năm 2030, 100% tất cả các dịch vụ công và thủ tục hành chính phải được thực hiện trên nền tảng số. Ông Quất đánh giá đó là một mục tiêu rất cao và đầy tham vọng.

Theo ông Quất, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những thành phố tiên phong trong hành động chuyển đổi số. Mục tiêu là vào cuối năm nay, năm 2024, không chỉ chính quyền, kinh tế và xã hội, mà thành phố có thể có những công dân số.

Vì vậy, tất cả dữ liệu, tất cả các dịch vụ xung quanh công dân trong thành phố phải có thể được thực hiện trong môi trường số, như là giáo dục, chăm sóc sức khỏe hay thành phố thông minh. Thành thử, việc phát triển cơ sở hạ tầng số đang rất được ưu tiên.

Ông Quất cho rằng đó là một thị trường rất tốt cho khởi nghiệp sáng tạo và mở rộng quy mô cho các doanh nghiệp. Các công ty khởi nghiệp sáng tạo về công nghệ trong mọi lĩnh vực từ các nước, từ Việt Nam, Thái Lan và các quốc gia khác đều có thể tham gia thị trường này để tạo ra một nền tảng không chỉ cho Thành phố Hồ Chí Minh, mà còn cho các thành phố khác. Việt Nam cũng có những cơ chế thử nghiệm (sandbox) để tạo điều kiện cho các công ty khởi nghiệp sáng tạo hoạt động được dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, hành lang pháp lý và những sáng tạo đi trước thời đại thường có những điểm va chạm. Nếu khung pháp lý chặt quá thì sẽ hạn chế nhiều sáng tạo mang tính “phá cách”, mà chính những sáng tạo “phá cách” này lại có thể đem đến tiến bộ cho xã hội.

Về “mâu thuẫn” này, ông Quất cũng đồng tình việc cân bằng giữa phát triển công nghệ và lợi ích của công dân, lợi ích của cộng đồng là rất quan trọng. Vì vậy, hiện nay Chính phủ thường nói rằng phải chuyển đổi kép, có nghĩa là chuyển đổi số phải đi kèm với chuyển đổi xanh. Tất cả mục đích của chuyển đổi số đối với công dân là vì cuộc sống tốt đẹp hơn của người dân ở thành thị và nông thôn. Chẳng hạn như mục tiêu phát thải ròng bằng 0 là rất quan trọng.

Tất cả công nghệ xanh, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, finTech, thương mại điện tử, tiếp vận, v.v. đều rất quan trọng. Nhưng Việt Nam cũng đầu tư vào các lĩnh vực khác để tạo sự cân bằng giữa mô hình kinh doanh có lợi nhuận và các mục tiêu phát triển bền vững.

Thành thử, vai trò của cơ quan công quyền, các chương trình quốc gia là thúc đẩy đổi mới toàn diện bên cạnh việc áp dụng công nghệ cao. Mục tiêu của Việt Nam trong thời gian tới là chuyển đổi xanh và kép.

Ông Quất cũng cho rằng đây là một mục tiêu lớn và khó. Lúc đó việc hòa nhập và chuẩn hóa với các tiêu chuẩn quốc tế là một việc rất quan trọng. Trong đó, các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới có một vai trò rất đáng chú ý.

Các tập đoàn lớn này có mạng lưới, thị trường rộng lớn và nhiều bên liên quan đầu tư đằng sau. Họ có nhiều kinh nghiệm ở các thị trường khác nhau, các quốc gia khác nhau. Thành thử, đề xuất từ các tập đoàn lớn này đối với nền kinh tế số mới là rất quan trọng để tham khảo và điều chỉnh, xây dựng chính sách quốc gia.

Không chỉ có các tập đoàn mà tiếng nói từ cộng đồng cũng rất quan trọng. Vì vậy, các nước có thể hài hòa hóa các quy định quốc gia để phù hợp với nhu cầu của khu vực.

Ông Quất cho biết, trong quá trình chuẩn bị luật pháp tại khu vực ở Việt Nam, Việt Nam thường có một số hội nghị và mời một số chuyên gia quốc tế và các bên liên quan khác nhau tham dự để có thể nêu lên các khuyến nghị của họ. Điều đó có thể giúp Việt Nam làm cho các quy định quốc gia tương thích với hoạt động trong khu vực, không chỉ cho một quốc gia.

Theo ông Quất, mặc dù Chính phủ Việt Nam có những chương trình hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nhưng từng đó vẫn chưa đủ. Vì vậy, Việt Nam rất hoan nghênh các tập đoàn lớn, với nhiều nguồn lực, vốn lớn tham gia tài trợ, cố vấn, hỗ trợ các công ty khởi nghiệp Việt Nam.

Ông Quất nói Việt Nam đang cố gắng tuân theo học thuyết “mở”, để kêu gọi các tập đoàn lớn từ Việt Nam, từ các quốc gia khác, đầu tư vào thị trường Việt Nam, để bồi dưỡng, giúp đỡ, thúc đẩy tài năng công nghệ trong các trường đại học, trong các vườn ươm và tạo ra một thế hệ doanh nhân công nghệ mới trong nhiều lĩnh vực tiên tiến như AI hay blockchain.

Vì vậy, thách thức hiện nay đối với Việt Nam là làm thế nào để thu hút các tập đoàn lớn vào hệ sinh thái này. “Đó cũng là ưu tiên hiện nay của Việt Nam”, ông Quất nói.



Quân Bảo