Chứng khoán

Vì sao MSN trở thành tâm điểm của thị trường chứng khoán tuần qua?

L.Mỹ 13/10/2024 11:03

Tuần 7-11/10 ghi nhận đà phục hồi chậm của TTCK và sự thận trọng của nhà đầu tư. Trong khi thanh khoản chung suy giảm, MSN lại gây "sốc" với khối lượng giao dịch "khủng".

Trong tuần, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan ghi nhận 4 phiên xanh rực và chỉ đỏ ở phiên đầu tuần. Đặc biệt, tại phiên 10/10, cổ phiếu này có cột mốc mới trong lịch sử với mức tăng mạnh 3,90%, tiến lên mốc 80.000 đồng/cp. Đây cũng là vùng giá cao nhất trong vòng 7 tháng qua. Vốn hóa thị trường của MSN theo đó tăng lên gần 115.100 tỷ đồng (~4,6 tỷ USD).

trading.jpg
Cổ phiếu Masan có tuần giao dịch đột biến. Nguồn: Tradingview

Cổ phiếu này cũng ghi nhận khối lượng đơn vị được “sang tay” đột biến, cao gấp 5 lần so với khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên gần nhất, đạt giá trị giao dịch xấp xỉ 1.580 tỷ đồng. Đây cũng là giá trị giao dịch/phiên cao nhất trong lịch sử niêm yết của MSN.

Tính riêng trong tuần sau 5 phiên giao dịch, cổ phiếu này đã đi từ mức giá 74.800đ/cp lên 81.100đ/cp, tăng thêm hơn 8,42% thị giá. Trong rổ top 10 cổ phiếu biến động tăng/ giảm nhiều nhất trên HoSE của tuần, MSN không lọt rổ song lại là cổ phiếu gây chú ý nhiều nhất với diễn biến giao dịch ngoạn mục. Sức hút của cổ phiếu này dự kiến vẫn còn tiếp tục khi đi cùng là các thông tin về kỳ vọng kết quả kinh doanh và kỳ vọng giá cổ phiếu từ định giá của các định chế trong và ngoài nước.

Về kết quả kinh doanh, MSN chưa công bố báo cáo tài chính quý III/2023. Theo ước tính của Chứng khoán SSI, Masan sẽ là một trong cái tên ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ấn tượng nhất với +1.250%. Cụ thể, SSI dự phóng MSN có thể lãi 650 tỷ trong quý III năm nay, với động lực tăng trưởng lãi ròng đến từ Công ty TNHH Masan Consumer Holdings (MCH) và Techcombank (TCB).

Bên cạnh đó, cũng theo SSI, quý III/2024, nhiều khả năng WinCommerce có thể có quý đầu tiên báo lãi, MHT giảm lỗ cũng đóng góp tích cực vào lợi nhuận của Masan Group.

Tại báo cáo của BSC về Masan Group, nhóm nghiên cứu đánh giá triển vọng 2H/2024 của Tập đoàn trên cơ sở MSN sẽ tiếp tục: (1) Đẩy mạnh mảng tiêu dùng (MCH tiếp tục theo hướng cao cấp hóa và tinh gọn lại các nhãn hàng kém hiệu quả để tối ưu hóa chi phí, (2) WCM kì vọng có lãi nhờ kết hợp tăng trưởng doanh thu / cửa hàng life for life (DT/CH LFL) trong tháng 7 và 8/2024 lần lượt +7%YoY, 10,6% YoY và tăng số lượng cửa hàng phù hợp với bối cảnh thị trường; (3) giảm đòn bẩy nợ nhờ hoàn tất thương vụ HCS ghi nhận thu nhận 1 lần và tối ưu hóa hoạt động và kỳ vọng dòng cổ tức đợt 2 của MCH với tỷ lệ 168%.

Tuy nhiên, BSC cho rằng tình trạng ngập lụt, sạt lở sau bão tại khu vực Bắc đã gây ra gián đoạn hoạt động kinh doanh của MSN: theo doanh nghiệp chia sẻ hệ thống siêu thị WinMart/WinMart+/WiN (WCM) tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi bão lũ chịu thiệt hại cơ sở vật chất và hàng hóa tại các cửa hàng (700 CH/ 3673 CH) và cản trở chuỗi cung ứng và hoạt động mua sắm khách hàng; MML – cụm nhà máy của Masan MEATLife tại Hà Nam và trại gà Bắc Giang bị cô lập và MSR – có 300/2,314 nhân viên bị ảnh hưởng và tiềm ẩn rủi ro về hoạt động nổ mìn,… MSN đang từng bước khắc phục những khó khăn trên. Do đó, nhóm BSC Research nhận định, sự kiện này sẽ tác động ngắn hạn làm giảm doanh thu của các mảng này và tăng chi phí khắc phục hậu quả sau bão trong cuối quý III/2024- đầu quý IV/2024.

Khách mời trải nghiệm sản phẩm Masan Consumer tại sự kiện đại hội cổ đông
Masan (MSN) được dự báo sẽ lợi nhuận sau thuế +1.250% trong quý III/2024, theo SSI Research.

BSC Research dự phóng năm 2024 doanh thu thuần (DTT) và lợi nhuận sau thuế (LNST) cty mẹ MSN là 82.233 tỷ VND (+5,1%yoy) và 1.762 tỷ VND (+321%yoy), EPS FW =1,197 VND, PE FW = 62 lần. Với ước tính thêm lợi nhuận thoái vốn HCS, EPS tăng lên 1.667 VND, PE FW =45 lần. Năm 2025: DTT và LNST cty mẹ là 85.776 tỷ VND (+4.3%yoy) và 3.401 tỷ VND (+93%you), EPS FW =2,311 VND, PE FW = 32 lần.

Liên quan đến giá cổ phiếu, trên cơ sở dự phóng KQKD, BSC khuyến nghị MUA MẠNH đối với cổ phiếu MSN với giá trị hợp lý năm 2025 là 100.700 VNĐ/cp (Upside +35% so với giá đóng cửa ngày 23/9/2024 và gần sát với giá mở cửa phiên đầu tiên của tuần vừa qua 74.800đ/cp), đã điều chỉnh pha loãng so với giá mục tiêu trước đó (79.900đ/cp theo định giá vào 26/2), dựa trên (1) hoạt động kinh doanh cốt lõi ghi nhận xu hướng cải thiện như kỳ vọng và (2) nỗ lực giảm giảm tỷ lệ đòn bẩy từ 2,95 xuống còn 2,5 lần (3) điều chỉnh định giá của các doanh nghiệp chưa hiệu quả như MML, MSR, PHL.

Từ phía Masan, liên quan tới thị giá cổ phiếu MSN, ông Michael Hung Nguyen – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan đã có chia sẻ tại Talk show "The Investors". Theo đó, Phó TGĐ Tập đoàn Masan cho biết “ Mức vốn hóa trên thị trường của các công ty con của Masan, chẳng hạn như Masan Consumer cũng gần 6 tỷ USD. Masan cũng là cổ đông chiến lược của ngân hàng Techcombank với vốn hoá gần 7 tỷ USD.

Cộng 2 con số này lại và nhân với tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn, trừ đi khoản vay của Tập đoàn thì mỗi cổ phiếu Masan Group sẽ rơi vào khoảng hơn 80.000 đồng. Giả sử nhà đầu tư mua cổ phiếu Masan ở giá 80.000 đồng thì sẽ có thêm WinCommerce, Masan MEATLife, Phúc Long… miễn phí ”.

Chia sẻ của ông Michael Hung Nguyen ngay sau đó đã được các nhà đầu tư lan truyền trên các nhóm/ group đầu tư chứng khoán. Cộng các thông tin đặc biệt trước đó khi trong số các tổ chức đầu tư lớn rót tiền vào Masan, xuất hiện một cái tên gây ấn tượng - Quỹ tỷ đô Bill & Melinda Gates Foundation Trust, đã tạo hiệu ứng thu hút sự chú ý và kỳ vọng.

Cụ thể, trong văn bản lấy ý kiến cổ đông về việc chia thêm cổ tức bổ sung năm 2023, Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer - MCH), công ty thành viên thuộc Tập đoàn Masan, tiết lộ danh sách cổ đông có quyền biểu quyết. Theo đó, quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates Foundation Trust của tỷ phú Mỹ này đang giữ hơn 1,04 triệu cổ phiếu MCH, tương đương hơn 0,14%. Đây là cổ đông lớn thứ 11 của Masan Consumer.

Với khoản đầu tư Masan Consumer, đây cũng là lần đầu tiên quỹ từ thiện của tỷ phú BillGate và vợ cũ, chính thức nắm giữ cổ phần trực tiếp tại một doanh nghiệp Việt Nam, đánh dấu bước tiến đặc biệt của quỹ đối với đầu tư tư nhân tại đây. Trước đó, quỹ này đã tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng hoàn toàn gián tiếp, thông qua Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) - quỹ đầu tư lớn nhất trên thị trường do Dragon Capital quản lý. Đến cuối tháng 6, quỹ này là cổ đông lớn thứ hai của VEIL khi nắm gần 24,7 triệu chứng chỉ quỹ.

Bên cạnh đó, thị trường còn ghi nhớ "khoản để dành" giá trị khủng của Masan. Đó là thương vụ vào tháng 5/2024, khi Masan đã công bố thông tin về việc ký kết Hợp đồng mua bán giữa Mitsubishi Materials Corporation Group và Masan High - Tech Materials. Masan dự kiến sẽ ghi nhận khoản lợi nhuận một lần khoảng 40 triệu USD từ giao dịch bán H.C. Starck Tungsten Powders (công ty con của Masan High - Tech Materials) và hưởng lợi từ việc tăng lợi nhuận thuần sau thuế thêm 20-30 triệu USD trong dài hạn. Đã nhận phần đặt cọc từ Mitsubishi Materials Corporation Group là 54 triệu USD, Masan kỳ vọng sẽ hoàn tất thương vụ và nhận về 70-80 triệu USD tiền mặt trong quý IV/2024 (như đã được BSC nêu trong báo cáo).

Cũng ở góc độ cổ phiếu, từ quan sát của một định chế quốc tế, J.P Morgan trong báo cáo mới nhất về TTCK Việt Nam, nhận định động lực tích cực của TTCK Việt Nam gồm nâng hạng thị trường; chu kỳ kinh tế tăng tốc vào giai đoạn cuối và đầu năm (từ quý IV đến quý I năm sau).

Với những triển vọng tích cực của TTCK và nền kinh tế Việt Nam, J.P Morgan cũng đưa ra những chiến lược đầu tư trong báo cáo lần này. Trong đó, tập đoàn tài chính này đánh giá cao ngành tiêu dùng thiết yếu.

“Chúng tôi tin rằng động lực thuận lợi trong ngắn hạn đang ủng hộ cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng thiết yếu với: Dòng tiền tiềm năng từ nâng cấp thị trường chứng khoán, Đồng USD thấp hơn giúp giảm chi phí đầu vào và Tăng trưởng doanh thu ổn định”, báo cáo nêu.

Trong ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, J.P Morgan lựa chọn cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan là mục tiêu ưu tiên hàng đầu, định giá MSN 98.000 đồng/cổ phiếu.

L.Mỹ