Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường bắt đầu thăm chính thức Việt Nam
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường bắt đầu thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Chiều tối 12/10, Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường đã tới Hà Nội, bắt đầu thăm chính thức Việt Nam từ ngày 12 - 14/10 theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính.
Ra đón đoàn tại sân bay quốc tế Nội Bài có Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ.
Tháp tùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường thăm chính thức Việt Nam có: Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào; Thứ trưởng phụ trách Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông; Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hà Vĩ; Tổng cục trưởng Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế Trung Quốc La Chiếu Huy; Phó chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc Lưu Tô Xã; Chánh văn phòng Thủ tướng Khang Húc Bình.
Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường thăm Việt Nam.
Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa rất đặc biệt đối với quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, đúng vào dịp hai bên đang hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/1950 - 18/1/2025), cũng như ngay sau các chuyến thăm quan trọng của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước như chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (12/2023), chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (8/2024) và chuyến công tác dự WEF Đại Liên, làm việc tại Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính (6/2024).
Chuyến thăm là sự tiếp nối truyền thống giao lưu cấp cao giữa hai Đảng, hai nước, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược theo định hướng “6 hơn”.
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cho biết, dự kiến, trong chuyến thăm, Thủ tướng Lý Cường sẽ lần lượt có các cuộc hội đàm, hội kiến quan trọng với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Lãnh đạo cấp cao hai bên sẽ đi sâu thảo luận những biện pháp nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả nhận thức chung đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao nhất của hai Đảng, hai nước, củng cố hơn nữa tin cậy chính trị; trong đó, hai Thủ tướng sẽ tập trung thảo luận các biện pháp cụ thể, tích cực thúc đẩy mở rộng và nâng cao hiệu quả, chất lượng các lĩnh vực hợp tác, đưa hợp tác thực chất đi vào chiều sâu, đạt nhiều thành quả thiết thực, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước.
Năm 2025 là dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc (18/1/1950 - 18/1/2025). Trong 75 năm qua, tình hữu nghị do các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp đã trở thành tài sản chung quý báu của hai dân tộc, góp phần duy trì xu thế phát triển ổn định quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Trung, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai, trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa qua, ngoài thành quả quan trọng là việc hai bên ra Tuyên bố chung về việc tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc, lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước đã quyết định lấy năm 2025 là “Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc”.
Đây là dịp để hai bên tăng cường tuyên truyền, giáo dục về tình hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc. Các cơ quan liên quan của hai bên đang phối hợp chặt chẽ để tổ chức các hoạt động kỷ niệm, giao lưu nhân dân, văn hóa, nghệ thuật có ý nghĩa, để nhân dân Việt Nam và Trung Quốc, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về văn hóa, phong tục, con người của nhau và cùng nhau ôn lại truyền thống láng giềng hữu nghị lâu đời, từ đó góp phần củng cố nền tảng xã hội vững chắc hơn, không ngừng vun đắp cho quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện và Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2024, tổng thương mại của Việt Nam với thế giới đạt 578,4 tỷ USD, trong đó 6 thị trường lớn nhất (gồm Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, EU, Hàn Quốc và Nhật Bản) chiếm tới 78,6%, tương ứng đạt 455,1 tỷ USD.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam chi 219,5 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ 6 thị trường lớn nhất. Nhìn chung, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ các thị trường này đều ghi nhận mức tăng trưởng khá cao.
Trong đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước (YoY), lên mức 33,8 tỷ USD. Hàng hóa nhập khẩu từ EU cũng tăng 9,8% về giá trị, đạt 12,2 tỷ USD; Hàn Quốc tăng 8,2%, đạt 41,5 tỷ USD. Việt Nam chi 16,1 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ Nhật Bản, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ cũng lên mức +6,2% YoY, đạt 10,9 tỷ USD.
Đáng chú ý, Việt Nam chi tới 105 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc - thị trường nhập khẩu lớn nhất trong 9 tháng đầu năm 2024.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu từ quốc gia tỷ dân này tăng tới 32,5%, kéo tổng kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đầu năm từ Trung Quốc đạt mức cao nhất 10 năm và lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD. Cả năm 2023, Việt Nam chi 110,6 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc.