Thông tin doanh nghiệp

Ngành bao bì hướng tới phát triển bền vững với môi trường

Diễm Hương 12/10/2024 12:43

Hiện nay, ngành bao bì Việt Nam đang đang hướng tới sản xuất bền vững giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trên hành trình xanh hóa.

11-10.png
Đầu tư vào công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng ít năng lượng và giảm lượng khí thải

Mặc dù không bắt buộc theo pháp luật hiện hành, nhưng việc đảm bảo đạt chứng nhận FSC trên các sản phẩm bao bì có thể giúp doanh nghiệp giúp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng hình ảnh thương hiệu đối với người tiêu dùng.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Theo Hiệp hội Bao bì Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 14.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực này, trong đó 65% tập trung vào sản xuất bao bì nhựa. Sự tăng trưởng của ngành bao bì được thúc đẩy bởi nền kinh tế trong nước phát triển ổn định, khi GDP 9 tháng đầu năm 2024 tăng 6,82%, mở ra triển vọng hoàn thành mục tiêu cả năm với mức tăng trưởng từ 6,5% đến 7%. Không chỉ dừng lại ở đó, chỉ số sản xuất công nghiệp cũng tăng trưởng ấn tượng với mức tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận sự phục hồi và mở rộng của các ngành sản xuất chủ chốt.

Trong sản xuất hiện nay, việc tận dụng được lợi thế công nghệ không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, mà còn mở rộng khả năng thâm nhập vào các thị trường quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Ngoài ra, công nghệ số cũng giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu lãng phí, và tăng cường tính bền vững của bao bì. Việc sử dụng các loại vật liệu tái chế và các quy trình sản xuất tiết kiệm năng lượng không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất, mà còn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh ngày càng tăng. Các hệ thống tự động hóa trong dây chuyền sản xuất bao bì cũng giúp tăng cường độ chính xác, đồng thời giảm thiểu sai sót và chi phí lao động, từ đó cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Hành trình xanh hóa.

Theo nghiên cứu mà Vietnam Report đã khảo sát trong năm 2023, tỷ lệ doanh nghiệp Đã lập kế hoạch và triển khai một phần cam kết ESG đã tăng nhẹ lên 37,5%, tỷ lệ doanh nghiệp Đang ở giai đoạn lập kế hoạch giảm còn 40,1%. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp Không đặt ra cam kết ESG/chưa có kế hoạch cụ thể giữ nguyên mức 22,4% so với năm trước. Các doanh nghiệp chưa đặt ra cam kết ESG hầu hết phải đối mặt với vấn đề tài chính trong giai đoạn khó khăn trước đó, việc phân bổ nguồn tài chính cho kế hoạch ESG chưa thể triển khai. Mặt khác, tỷ lệ 3,7% doanh nghiệp đã chuyển từ lập kế hoạch sang triển khai thực hiện cam kết ESG cũng là một điểm sáng trên thị trường bao bì.

Hiện nay, xanh hóa ngành bao bì đang trở thành xu hướng tất yếu khi các áp lực từ việc bảo vệ môi trường ngày càng tăng cao trên toàn cầu. Tại Việt Nam, việc xanh hóa ngành bao bì không chỉ là yêu cầu từ phía pháp luật, người tiêu dùng mà còn xuất phát từ ý thức từ cộng đồng doanh nghiệp trong việc hướng tới sự phát triển bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, giảm thiểu phát sinh chất thải và lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất và phân phối.

Bên cạnh đó, việc tìm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, đặc biệt là các nguồn nguyên liệu tái chế, cũng là một ưu tiên quan trọng. Ngoài cải tiến thiết kế bao bì để có thể tái sử dụng hoặc đa chức năng giúp kéo dài vòng đời của sản phẩm, giảm nhu cầu sản xuất mới và tiết kiệm tài nguyên. Đây là những bước đi cụ thể mà ngành bao bì Việt Nam đang thực hiện để hướng tới một tương lai bền vững và thân thiện với môi trường.

10.11.2.png
Ngày 09/10/2024, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Bao bì uy tín năm 2024.

Đảm bảo tuân thủ quy định, nâng cao chất lượng sản phẩm

Ngành bao bì tại Việt Nam đang được thúc đẩy mạnh mẽ hơn thông qua các chính sách cụ thể về trách nhiệm tái chế. Theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP về quản lý chất thải và bảo vệ môi trường, Việt Nam đã đưa ra các quy định quan trọng về việc tái chế bao bì nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và được áp dụng theo lộ trình bắt buộc từ ngày 01/01/2024, đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính (sản xuất, sử dụng, vứt bỏ) sang mô hình kinh tế tuần hoàn, nơi bao bì được thu gom và tái sử dụng.

So với một số quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang từng bước học hỏi và áp dụng những kinh nghiệm tiên tiến về tái chế bao bì. Một trong những mô hình nổi bật là Chỉ thị về Bao bì và Chất thải Bao bì của Liên minh châu Âu (EU). Chỉ thị này yêu cầu các quốc gia thành viên đảm bảo rằng ít nhất 65% trọng lượng của tất cả bao bì được thu gom để tái chế. EU còn khuyến khích sử dụng bao bì thân thiện với môi trường và các doanh nghiệp phải trả phí dựa trên mức độ tác động môi trường của bao bì họ sử dụng, một hệ thống được gọi là "Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất" (EPR).

Cụ thể, các doanh nghiệp bao bì hướng tới trở thành một phần của chuỗi giá trị xanh, và sẽ luôn là chiến lược trong dài hạn đảm bảo tuân thủ quy định, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hình ảnh, và tận dụng hơn nữa những cơ hội từ nền kinh tế đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, hướng tới sự thịnh vượng trong tương lai.

Diễm Hương