Kinh tế thế giới

Bùng nổ xe điện hạng sang tại Đông Nam Á

Cẩm Anh 13/10/2024 11:05

Gã khổng lồ xe điện Trung Quốc BYD tăng cường giành thị phần trong phân khúc ô tô hạng sang ở Đông Nam Á, khi các đối thủ khác bắt đầu đối mặt với nhiều thách thức.

img_1097-6a6ef991a792ae07463bd9efd3bc2144.jpeg
Mẫu SUV điện Zeekr X

BYD đã ra mắt thương hiệu Denza tại Singapore vào thứ Năm tuần này sau khi ra mắt tại Campuchia vài tháng trước đó. Hiên BYD nhắm đến các thị trường khác trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để tăng cường xuất khẩu các dòng xe ô tô của mình.

ASEAN là khu vực đầu tiên bên ngoài Trung Quốc đại lục và Hồng Kông được BYD giới thiệu dòng xe hạng sang của mình dưới nhãn hiệu Denza, khi nhắm đến nhóm người mua có khả năng chi thêm tiền để có thêm sự thoải mái.

D9, mẫu xe đầu tiên được bán tại ASEAN, được giới thiệu là một loại xe đa dụng hạng sang (MPV) đủ rộng rãi cho các gia đình có trẻ em và cũng được quảng cáo là có các tính năng như tủ lạnh nhỏ, ghế mát-xa và hệ thống âm thanh cao cấp.

Mẫu xe D9 có giá khoảng 300.000 đô la Singapore (230.000 đô la Mỹ)/chiếc, bao gồm cả khoản thuế để cấp quyền sở hữu và vận hành xe hơi bắt buộc tại Singapore. Trong khi đó, Alphard, một chiếc MPV hybrid do Toyota sản xuất, có giá khoảng 400.000 đô la Singapore/chiếc, bao gồm cả khoản thuế này.

"Đối với mọi quốc gia hoặc khu vực, luôn có nhu cầu về các thương hiệu xe sang cao cấp", Liu Xueliang, Tổng giám đốc BYD phụ trách bán ô tô Châu Á - Thái Bình Dương cho biết và nhận định Denza sẽ trở thành một thương hiệu rất phổ biến, giống như ở bất kỳ quốc gia nào tại Đông Nam Á.

img_1098.jpeg
Mẫu xe điện hạng sang U8 của BYD

Trong tuần ra mắt tại Singapore, BYD đã ký một thỏa thuận phân phối để đưa Denza đến Malaysia, nơi sẽ bắt đầu bán dòng xe này muộn nhất là vào năm sau. Công ty cũng đang nhắm đến mục tiêu ra mắt xe điện hạng sang tại Indonesia vào năm 2025.

BYD đã nhanh chóng giới thiệu dòng xe trong phân khúc xe hạng sang trong bối cảnh các đối thủ khác từ Trung Quốc đang phải đối mặt với thách thức. Tại một triển lãm ô tô thường niên ở Singapore vào cuối tuần qua, lần đầu tiên các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc, như Xpeng và Dongfeng trưng bày sản phẩm của mình.

Một nhà sản xuất xe điện khác đến từ Trung Quốc, Neta, sẽ ra mắt dòng xe của mình tại Singapore vào cuối năm nay. Đơn vị nghiên cứu và phân tích Economist Intelligence Unit đã lưu ý rằng nhà sản xuất ô tô này đã bắt đầu sản xuất tại nhà máy xe điện đầu tiên ở nước ngoài tại Thái Lan.

Hiện ASEAN đang chứng kiến ​​sự gia tăng đột biến về doanh số bán xe điện nói chung, được thúc đẩy bởi các yếu tố như quy định thuận lợi và đầu tư lớn của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.

Báo cáo của Ngân hàng Malayan của Malaysia nhấn mạnh rằng giá trị doanh số bán xe điện tại các nước ASEAN như Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam dự kiến ​​sẽ đạt mức cao từ 80 tỷ đô la Mỹ đến 100 tỷ đô la Mỹ vào năm 2035, tăng ít nhất 40 lần so với mức 2 tỷ đô la Mỹ vào năm 2021.

"BYD đã có những bước tiến đáng kể vào Đông Nam Á, khi chứng kiến ​​doanh số bán hàng tăng vọt 83% tại Singapore trong nửa đầu năm 2024 so với tổng doanh số bán hàng năm 2023", Maybank cho biết trong báo cáo.

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Giao thông Đường bộ Singapore, cho đến tháng 8, BYD có số lượng xe điện mới được đăng ký sử dụng nhiều nhất tại thành phố này với hơn 3.000 xe. Đối thủ Tesla của Mỹ đã chứng kiến ​​khoảng 1.500 lượt đăng ký.

Dự kiến, nhiều mẫu xe hạng sang sẽ bùng nổ tại thị trường ASEAN trong thời gian tới. Mars Chen, Phó Chủ tịch của Zeekr tuyên bố: "Khi các nước ASEAN tiếp tục quá trình chuyển đổi sang xe điện, chúng tôi tin rằng xe điện không chỉ đơn thuần được sử dụng để di chuyển, mà còn mang đến trải nghiệm lái xe cao cấp với những tiện ích chất lượng".

Cẩm Anh