Bỏ “room” tín dụng: Cần được đánh giá thận trọng
Bỏ room tín dụng được cho sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn, tuy nhiên, theo chuyên gia, việc này cần được đánh giá thận trọng...
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Phạm Quang Dũng cho biết, hiện Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Đồng thời, tiếp tục giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm cho tổ chức tín dụng đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô và tình hình hoạt động của tổ chức tín dụng.
Theo ông Dũng, hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng là một trong những công cụ điều hành tiền tệ đã tồn tại trong nhiều năm với mục tiêu kiểm soát dòng chảy vốn và giữ ổn định nền kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam cần tăng trưởng và cạnh tranh quốc tế ngày càng mạnh mẽ, việc xem xét dỡ bỏ room tín dụng tiếp tục được đặt ra.
Trước vấn đề đã nêu, theo các chuyên gia, khi room tín dụng được dỡ bỏ, các ngân hàng sẽ có thể linh hoạt hơn trong việc phát triển các sản phẩm tín dụng và tiếp cận nhanh chóng hơn với các cơ hội kinh doanh… không chỉ có vậy, việc này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc dỡ bỏ room tín dụng cũng được cho sẽ tiềm ẩn những rủi ro đối với hệ thống tài chính và nền kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, một trong những lo ngại lớn nhất là việc tín dụng có thể tăng trưởng “nóng” nếu không được kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến nguy cơ lạm phát và bong bóng tài sản, từ đó có thể gây ra áp lực lên lạm phát, nhất là khi lạm phát toàn cầu và giá cả nguyên liệu biến động khó lường.
Bày tỏ quan ngại về rủi ro tín dụng nếu bỏ room, chuyên gia kinh tế - TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, cần có các biện pháp thay thế để quản lý tín dụng hiệu quả.
Theo vị chuyên gia này, các nước hiện nay thường sử dụng các chỉ tiêu an toàn hệ thống như tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu (CAR), ROA, ROE để đảm bảo sự an toàn của hệ thống ngân hàng. Việc kiểm soát bằng các chỉ số này giúp các ngân hàng duy trì cân đối giữa tăng trưởng tín dụng và kiểm soát rủi ro, tránh việc tăng trưởng quá nóng gây ra bất ổn cho nền kinh tế.
“Việc dỡ bỏ room tín dụng không phải là một bước đi dễ dàng và cần được thực hiện một cách thận trọng. Ngân hàng Nhà nước, với vai trò là cơ quan quản lý chính sách tiền tệ, cần có một lộ trình rõ ràng và các biện pháp đi kèm để đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính”, TS Lê Xuân Nghĩa bày tỏ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quang Huy - chuyên gia tài chính Trường Đại học Nguyễn Trãi cũng cho hay, room tín dụng đã được sử dụng như một công cụ quản lý quan trọng của Ngân hàng Nhà nước để kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, góp phần ổn định hệ thống ngân hàng và kiểm soát lạm phát.
Mỗi năm, Ngân hàng Nhà nước phân bổ mức tăng trưởng tín dụng tối đa cho từng ngân hàng dựa trên năng lực tài chính, khả năng quản trị rủi ro và điều kiện kinh tế vĩ mô. Điều này giúp ngăn chặn tình trạng tín dụng tăng trưởng quá mức, đe dọa sự ổn định của nền kinh tế…
Theo ông Huy, việc bỏ room tín dụng cần được đánh giá thận trọng, với cái nhìn toàn diện về các tác động tích cực và rủi ro tiềm tàng. Bỏ room tín dụng có thể giúp các ngân hàng linh hoạt hơn trong hoạt động kinh doanh, hỗ trợ phát triển nền kinh tế, nhưng điều này cũng cần đi đôi với các biện pháp kiểm soát rủi ro hiệu quả để tránh những hệ lụy tiêu cực như trong quá khứ.
“Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa ra lộ trình hợp lý để không chỉ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng mà còn bảo vệ sự ổn định của hệ thống tài chính”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Đồng thời cho rằng, việc áp dụng linh hoạt các công cụ điều tiết khác như tỷ lệ dự trữ, tỷ lệ an toàn vốn, điều chỉnh lãi suất và giám sát tín dụng là những biện pháp cần thiết để đảm bảo tín dụng tăng trưởng một cách bền vững và hiệu quả. Quan trọng hơn cả, quá trình bỏ room tín dụng nên được thực hiện một cách có kiểm soát, từng bước và được điều chỉnh phù hợp với bối cảnh kinh tế, đảm bảo rằng các ngân hàng có thể chủ động nhưng không làm tăng rủi ro cho hệ thống tài chính.
Còn theo chuyên gia tài chính - Lê Hoài Ân, bỏ room tín dụng có thể dẫn đến những hệ lụy. Khi không còn room tín dụng, tình trạng cung tiền tăng không kiểm soát có thể đẩy nền kinh tế vào những chu kỳ lạm phát, như đã từng xảy ra trước năm 2010. Khi đó, các ngân hàng sẽ dễ rơi vào tình trạng cho vay không chọn lọc, tập trung vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản và dẫn đến nợ xấu gia tăng.
Thực tế trước đó, trong giai đoạn 2011-2013, các ngân hàng ồ ạt mở rộng tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro như bất động sản và chứng khoán, không chú trọng đến chất lượng tín dụng. Điều này cũng đã dẫn đến sự gia tăng đột ngột của nợ xấu, gây áp lực nặng nề lên hệ thống tài chính và buộc Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp mạnh mẽ bằng các chính sách thắt chặt tiền tệ và xử lý nợ xấu.