Đánh thuế bất động sản thứ 2: Cẩn trọng “vết xe đổ”
“Trung Quốc là bài học nhãn tiền về việc dùng cứng nhắc công cụ thuế dành cho người sở hữu từ căn nhà thứ hai để kiềm chế giá nhà nhưng lại tác dụng ngược…”.
Đây là chia sẻ của chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng xung quanh câu chuyện đánh thuế người sở hữu bất động sản thứ 2 trở lên nhằm kiềm chế giá nhà tăng và hạn chế đầu cơ.
Vị chuyên gia cho rằng, nếu áp dụng ở thời điểm hiện tại sẽ không chỉ khiến thị trường mất niềm tin mà còn có thể làm giá nhà tăng cao, người dân mất cơ hội tiếp cận nhà ở. Nguy hiểm hơn là khả năng phản ứng ngược khi người dân rơi vào vòng xoáy thắt chặt chi tiêu, gây suy thoái kinh tế như bài học đang diễn ra ở Trung Quốc.
Cụ thể, cuối năm 2017, Trung Quốc đưa ra chủ trương nhà là để ở, chứ không phải để đầu cơ. Tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Thành Đô… chính quyền quy định rất chặt chẽ việc sở hữu căn nhà thứ 2 trở lên. Chẳng hạn, người mua căn thứ 2 phải đặt cọc từ 60-85% trị giá căn hộ, căn thứ 3 đến 100%, thuế cũng đánh mạnh vào căn hộ thứ 2 trở đi…
Ngoài ra, 2 thành phố Bắc Kinh và Thượng Hải còn nghiêm ngặt hơn trong việc quy định hộ khẩu khi xét duyệt mua nhà.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại khi cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài nhiều năm đã làm bốc hơi khoảng 18.000 tỷ USD khỏi tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc, lấy đi 18 triệu việc làm, kéo niềm tin của người tiêu dùng cũng như nhu cầu của nhiều sản phẩm như thép đi xuống thì Trung Quốc phải tung gói giải cứu thị trường bất động sản lớn chưa từng thấy, chính thức nới lỏng hạn chế mua căn nhà thứ hai. Sự đánh đổi là quá lớn và khó vực dậy kể cả với quốc gia có nguồn lực mạnh như Trung Quốc bởi bất động sản là lĩnh vực đầu tàu, đóng góp vào nền kinh tế. Chỉ khi bất động sản đồng nhịp với nền kinh tế thì đất nước mới có thể phát triển mạnh mẽ.
“Trung Quốc chính là bài học nhãn tiền với Việt Nam. Qua đó, ta thấy rằng, những chính sách cực đoan đã khiến thị trường bất động sản suy thoái và người dân mất niềm tin vào thị trường bất động sản ra sao. Sự đánh đổi là quá lớn và khó vực dậy kể cả với quốc gia có nguồn lực mạnh như Trung Quốc bởi bất động sản là lĩnh vực đầu tàu, đóng góp vào nền kinh tế. Chỉ khi bất động sản đồng nhịp với nền kinh tế thì đất nước mới có thể phát triển mạnh mẽ”, vị chuyên gia nói.
Cũng chia sẻ thêm về điều này, GS TS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT cho biết, không riêng Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng thuế làm công cụ ngăn chặn đầu cơ.
Ông Võ cho biết, Chính phủ Singapore đã áp dụng các biện pháp mạnh tay để kiềm chế đà tăng giá bất động sản. Theo đó, bất cứ người Singapore nào mua nhà đều phải trả phí 20% giá trị bất động sản cho căn nhà thứ 2, 30% cho căn nhà thứ 3. Đối với người nước ngoài mua tài sản cá nhân, dù là bất cứ ngôi nhà nào, thuế suất phải nộp sẽ tăng gấp đôi lên 60% từ mức 30% trước đó.
Trường hợp người mua bất động sản rồi bán ngay trong năm đầu sẽ phải đóng thuế 6% giá trị bất động sản, bán vào năm thứ 2 đóng thuế 8%, năm thứ 3 là 4%. Phải đến năm 4, người bán mới không phải đóng thuế.
Hay nếu chủ sở hữu bất động sản không đưa bất động sản tham gia hoạt động kinh doanh, không triển khai xây dựng sau khi nhận đất như ở Hàn Quốc, đất bỏ hoang hoặc đang trong quá trình cải tạo đất quá 2 năm thì bị đánh thuế 5%, 5 năm thì đánh thuế 8%, bỏ hoang 7 năm thì đánh thuế 9%, bỏ hoang hơn 10 năm thì đánh thuế 10%. Tại Mỹ, đất bỏ hoang thì bị đánh thuế 3%.
Theo ông Võ, lâu nay nhiều người muốn học cách đánh thuế của Singapore là người mua nhà ở thứ 2 thì bị đánh thuế cao hơn. Nhưng đặc thù của Việt Nam khác với Singapore, trong trường hợp ngôi nhà thứ nhất giá trị rất lớn, nhưng nhà thứ 2 giá trị rất bé. Vậy thì có thể sẽ chỉ đánh thuế căn nhà thứ 2 nhưng lại bỏ qua căn nhà thứ nhất.
“Một số nước thu thuế từ 1 - 1,5% giá trị với tất cả trường hợp sở hữu nhà, đất. Nhưng với Việt Nam, thu nhập người dân đang còn thấp, nếu thu mức này thì người dân không chịu nổi. Phải nghiên cứu sắc thuế phù hợp với Việt Nam có thể thu thuế dựa trên giá trị nhà, đất hoặc diện tích sở hữu, đảm bảo mục tiêu vừa chống đầu cơ bất động sản vừa đảm bảo an sinh xã hội”, GS TS Đặng Hùng Võ chia sẻ.