Gỡ điểm “nghẽn” trong thực thi Luật Đất đai
Mặc dù các Nghị định, Thông tư, Văn bản hướng dẫn Luật Đất đai năm 2024 đã có hiệu lực, song, trên thực tế khi áp dụng vẫn còn nhiều vướng mắc, điểm nghẽn không thể xử lý.
Đó là những nội dung được các đại biểu thuộc các sở ngành, UBND các quận huyện trên địa bàn TPHCM nêu ra tại Hội nghị phổ biến, triển khai các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024, ngày 12/10 tại TPHCM.
Cần tháo gỡ điểm “nghẽn” tiền sử dụng đất
Cụ thể, theo ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TPHCM, Luật Đất đai năm 2024 là cơ sở pháp lý quan trọng trong triển khai thực hiện công tác quản lý đất đai trên cả nước, trong đó có TPHCM.
Cũng theo ông Thắng, hiện nay có 16/16 văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024 đã được ban hành theo Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, trong dó có 09 Nghị định. Tại TPHCM, Sở TN&MT đang chủ trì, tham mưu UBND Thành phố 10 văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, 4 sở (gồm Kế hoạch Đầu tư, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động Thương binh và Xã hội) tham mưu 05 văn bản quy phạm pháp luật. Song, mặc dù các Nghị định, Thông tư, Văn bản hướng dẫn Luật Đất đai năm 2024 đã có, nhưng trên thực tế việc áp dụng vẫn còn nhiều vướng mắc.
Vì vậy, việc phổ biến, triển khai, tập huấn Luật Đất đai 2024 và các Nghị định hướng dẫn thi hành cho lãnh đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc khối đất đai là nhiệm vụ quan trọng.
“Hiện nay, các vướng mắc về tính tiền sử dụng đất đối với đất ở do chủ đầu tư dự án nhận chuyển nhượng; xử lý đối với đất do doanh nghiệp nhà nước sử dụng sau quá trình cổ phần hóa; tính tiền sử dụng đất đối với doanh nghiệp đã thay đổi tên; vướng mắc thẩm quyền cấp giấy chứng nhận trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất...”, ông Thắng nêu.
Do đó, ông Thắng đề nghị lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ TN&MT trực tiếp phổ biến, hướng dẫn những điểm mới, quy định quan trọng của các Nghị định. Với cơ hội này, rất mong các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung nghiên cứu, tiếp thu, chủ động có trao đổi các nội dung, vấn đề mà trong thực tế đang gặp phải để từ đó triển khai thực hiện thông suốt.
Nêu những vấn đề liên quan tới điểm mới trong thực hiện Luật Đất đai, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ - Vụ trưởng Vụ Đất đai, cho rằng những nội dung trọng tâm, những điểm mới của Nghị định số 102/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2024. Trong đó, Nghị định 71/2024 quy định về giá đất; Nghiệp vụ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu gắn liền với đất, lập hồ sơ địa chính.
Miễn, giảm tiền chuyển mục đích sử dụng đất
Liên quan bảng giá đất và thu tiền sử dụng đất, ông Đào Trung Chính - Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất, cho rằng theo quy định bảng giá sẽ ngày càng tiệm cận thị trường.
“TPHCM đang thực hiện lộ trình điều chỉnh bảng giá đất đi lên. Việc này đặt ra yêu cầu giải quyết đối với tiền thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất ngoài hạn mức”, ông Đào Trung Chính nêu.
Theo ông Chính, đơn giá thuê đất có cách tính bằng tỉ lệ phần trăm (từ 0,25% đến 3%) nhân với bảng giá đất. Và hiện nay luật cho phép UBND tỉnh (TPHCM) căn cứ vào thực tế địa phương để quy định tỉ lệ phần trăm (%) tính đơn giá thuê đất tương ứng trong khoảng 0,25%- 3%.
"Trong một dự án thuê đất thì có thể có nhiều mục đích sử dụng đất. Chúng ta xác định từng hệ số cho từng mục đích cụ thể. Vì vậy, một dự án có thể có nhiều hệ số, có nhiều tỉ lệ % để xác định tiền thuê đất...", ông Chính lưu ý.
Bên cạnh đó, ông Chính cũng nhắc đến một khó khăn nữa cho người dân khi giá đất điều chỉnh tăng, đó là giải quyết tiền chuyển mục đích sử dụng đất ngoài hạn mức.
"Luật có quy định tiền chuyển mục đích sử dụng đất tính bằng chênh lệch giá trị đất sau khi chuyển mục đích với đất trước khi chuyển mục đích. Bộ đã đề xuất phương án miễn, giảm tiền chuyển mục đích. Thủ tướng sẽ quyết định việc này sau khi xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, ông Chính nói.
Cũng theo ông Chính, hiện nay Bộ Tài chính tiếp tục xây dựng, sửa đổi về nội dung này tại nghị định. Đề nghị TPHCM tiếp tục nghiên cứu và có góp ý đối với nghị định này của Bộ Tài chính. Và chỉ có như vậy mới giải quyết được về tổng thể sau khi đưa bảng giá lên, và làm sao giữa tiền sử dụng đất và tiền thuê đất mà người dân và doanh nghiệp phải nộp không bị tăng lên quá khiến họ phản ứng.