Khách sạn đua nhau "làm mới mình"
Bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam ghi nhận sự cải thiện rõ rệt khi nhiều khách sạn có xu hướng lựa chọn các thương hiệu quốc tế để nâng cấp.
Động thái này nhằm đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của khách hàng cũng như nhằm đạt tỷ suất lợi nhuận tốt hơn.
Quốc tế hóa thương hiệu
Kể từ sau đại dịch tới nay, thị trường khách sạn tại Việt Nam ghi nhận nhiều dự án chuyển đổi thương hiệu. Đặc biệt, trong giai đoạn 2022 - 2023, tỷ lệ dự án chuyển đổi thương hiệu cao kỷ lục, chiếm đến 52% tổng số dự án mang thương hiệu khách sạn quốc tế được mở mới trong giai đoạn này.
“Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục, với ước tính khoảng 30% tổng số dự án mang thương hiệu khách sạn quốc tế mở mới trong năm 2024 tiếp tục là dự án chuyển đổi thương hiệu,” ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels, cho biết.
Như mới đây, Marriott International đã đạt thoả thuận vận hành tổ hợp khách sạn và căn hộ dịch vụ của Mapletree Investments tại TP HCM, đặt tên là JW Marriott Hotel & Suites Sài Gòn. Đây là dự án thứ 5 ở TP HCM và thứ 24 của nhà quản lý vận hành khách sạn này tại Việt Nam, với tham vọng tăng số khách sạn và khu nghỉ dưỡng lên gấp đôi, dự kiến hơn 50 dự án ngay cuối năm 2024.
Bên cạnh việc thu hút các nhà quản lý lớn, thị trường khách sạn Việt Nam cũng đang tiếp tục mở rộng quy mô. Báo cáo quý 2/2024 của Savills cho thấy, nguồn cung khách sạn 3 đến 5 sao tại TP HCM tăng 6% so với cùng kỳ 2023 với 116 dự án; còn ở Hà Nội cũng tăng 3% đối với khách sạn 5 sao. Trong 3 năm tới, một số dự án 5 sao khác cũng chuẩn bị được ra mắt thị trường, với các đơn vị vận hành quốc tế lớn như Hilton, Fusion, Accor, Four Seasons…
Có thể thấy, làn sóng phát triển khách sạn mang thương hiệu quốc tế nở rộ tại Việt Nam khoảng 15 năm về trước. Cho tới nay, một số hợp đồng quản lý đang gần hết hạn, khiến nhiều chủ đầu tư đứng trước “ngã rẽ” tiếp tục hay lựa chọn thương hiệu khác.
Thị trường còn nhiều tiềm năng
Theo các chuyên gia, có một xu hướng gần đây là các nhà điều hành khách sạn đang muốn nâng cấp thương hiệu cao cấp hơn để đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, các thương hiệu khách sạn quốc tế cũng đang mở rộng sang lĩnh vực bất động sản nhà ở, để phát triển dòng sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng mang thương hiệu theo tiêu chuẩn cao cấp hơn.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, hơn 8,8 triệu lượt khách ngoại đến Việt Nam, tăng 58,4% so với cùng kỳ 2023 và vượt qua 4,1% so với thời kỳ trước dịch (nửa đầu năm 2019). Tại TP HCM, nhu cầu trong nửa đầu năm nay tăng do lượng khách quốc tế tăng 38% và khách nội địa tăng 4%, giúp số phòng được thuê tăng 4%.
Ông Mauro Gasparotti cho rằng, số lượng khách sạn ở các địa phương vẫn đang thiếu so với nhu cầu. Dẫu vậy, khả năng nắm bắt nguồn cầu sẽ phụ thuộc nhiều vào năng lực của mỗi khách sạn.
Cùng với đó, tầng lớp trung lưu phát triển trong nước cũng đang dần đóng góp lớn hơn vào kết quả kinh doanh của các thương hiệu khách sạn. "Với tốc độ tăng trưởng kinh tế và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, chúng tôi đánh giá cao tiềm năng của thị trường nghỉ dưỡng Việt Nam" - bà Maria Ariizumi - Phó Chủ tịch Phát triển kinh doanh khu vực Đông Nam Á của Hilton nói.
Theo bà Maria Ariizumi, tầng lớp trung lưu dự kiến gia tăng từ 13% lên 26% tổng dân số trong khoảng 2 năm tới, giúp nhu cầu du lịch được dự báo còn tăng cao hơn nữa. Trong hơn thập kỷ qua, các dự án nâng cấp, cải thiện hạ tầng giao thông tại Việt Nam từ hàng không đến hệ thống đường cao tốc giúp gia tăng kết nối, hỗ trợ khách quốc tế và khách nội địa có thể di chuyển thuận tiện hơn.
Để gia tăng lợi thế cạnh tranh, nhiều chủ sở hữu khách sạn trong nước cũng gia tăng hợp tác với các nhà điều hành khách sạn quốc tế để chuyển đổi hoặc nâng cấp lên thương hiệu cao cấp hơn, đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của khách hàng cũng như nhằm đạt tỷ suất lợi nhuận tốt hơn.
Từ góc độ của các nhà điều hành khách sạn, việc hợp tác phát triển các dự án cải tạo, tái định vị thương hiệu giúp các chuỗi khách sạn gia tăng danh mục dự án đang hoạt động tại Việt Nam một cách nhanh chóng hơn.