Du lịch

Tuân thủ tốt Nghị quyết số 24-NQ/TW để phát triển du lịch bền vững

Bài và Ảnh: Hương Giang 13/10/2024 02:00

Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch hệ thống du lịch đến 2030 tầm nhìn năm 2045 là nhiệm vụ tiên quyết, quyết định cho sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam.

Đó là chia sẻ của ông Phạm Ngọc Hải - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với PV Diễn đàn Doanh nghiệp xoay quanh Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch và phát triển hệ thống du lịch đến 2030 tầm nhìn năm 2045.

du lịch 2
Tuân thủ Nghị quyết 24-NQ/TW và Đề án “Mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm” theo Quyết định số 1894/QĐ-BVHTTDL ngày 14/7/2023 của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch để đầu tư hạ tầng kết nối, tăng nguồn nhân lực cũng như các sản phảm mới lạ sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc góp phần phát triển bền vững ngành du lịch của Việt Nam.

- Hiện nay các sản phẩm du lịch của các địa phương nói chung, Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng vẫn còn hạn chế. Theo ông, đâu là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trong phát triển du lịch?

Có thể nói, tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch hệ thống du lịch đến 2030 tầm nhìn năm 2045, là hướng đi cần thiết hiện nay và đem lại lợi ích phát triển cho hoạt động du lịch địa phương nói chung. Mặt khác, điều này còn tạo thêm khả năng cạnh tranh, tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp hình thành nên du lịch chất lượng cao và đảm bảo sự phát triển bền vững của hoạt động du lịchcủa Việt Nam hướng đến trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế.

Tuy nhiên, trên thực tế, sản phẩm du lịch của Việt Nam nói chung, Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) nói riêng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách vì lâu nay chủ yếu dựa vào các yếu tố tự nhiên sẵn có, mà chưa được đầu tư đúng mức dẫn đến chưa khai thác được tiềm năng; nhiều loại hình du lịch với những sản phẩm còn đơn điệu, không hấp dẫn du khách.

Khách đến BR-VT lần thứ nhất, lần thứ hai không biết đi đâu ngoài tắm biển và ăn hải sản bởi không có sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu riêng để du khách có thể mua về làm quà cho bạn bè, người thân. Làm du lịch nhưng chúng ta chỉ mới biết “bán” những gì đang có mà chưa biết “bán” những gì du khách cần. Đây là một vấn đề thực trạng tồn tại rất lâu nay của ngành du lịch Việt Nam nói chung.

- Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương giáp ranh với các tỉnh Nam bộ và được đánh giá là có nhiều tiềm năng về phát triển di lịch. Vậy, đâu là giải pháp căn cơ nhằm giải quyết bài toán này, thưa ông?

Nhu cầu của du khách hiện nay rất đa dạng, phân khúc, đối tượng khác nhau… Vì vậy, du lịch Đông Nam bộ cũng như cả nước nói chung và BR-VT nói riêng cần mở rộng thị trường, đa dạng nguồn khách, nhất là thu hút phân khúc khách MICE (Meeting Incentive Conference Event), tức là hoạt động du lịch kết hợp với hội thảo, hội nghị, khen thưởng, sự kiện, thương mại, khách quốc tế để tăng thời gian lưu trú.

Song, muốn thu hút được phân khúc khách trên phải đồng bộ nhiều yếu tố, gồm: xây dựng điểm đến độc đáo riêng biệt khác với các địa phương khác, nhất quán trong chính sách quảng bá tiếp thị, tuyên truyền những giá trị cốt lõi về vùng đất bằng đa dạng kênh thông tin từ báo đài chính thống đến mạng xã hội, kết nối trách nhiệm các bên cùng tham gia vào hoạt động du lịch… Đồng thời, nêu cao vai trò của các doanh nghiệp du lịch trong việc đa dạng hóa sản phẩm, thúc đẩy, thu hút khách du lịch đến với địa phương. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải có các dịch vụ hấp dẫn, bền vững, cung cấp các dịch vụ chất lượng và cuối cùng là mang lại lợi nhuận.

Trên thực tế, không chỉ cá nhân một doanh nghiệp phải đa dạng sản phẩm du lịch (chẳng hạn như các khu nghỉ dưỡng về cơ bản cùng cung cấp các dịch vụ trải nghiệm ở những hình thức khác nhau), mà cần có nhiều doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ trải nghiệm ở các cấp độ khác nhau. Đây là những yếu tố hỗ trợ thúc đẩy du lịch phát triển, cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho các tầng lớp trung lưu, thượng lưu... Mỗi phân khúc khách hàng sẽ có những yêu cầu khác nhau. Vì vậy, việc tuân thủ Nghị quyết 24-NQ/TW và Đề án “Mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm” theo Quyết định số 1894/QĐ-BVHTTDL ngày 14/7/2023 của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch để đầu tư hạ tầng kết nối, tăng nguồn nhân lực cũng như các sản phảm mới lạ sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc góp phần phát triển bền vững ngành du lịch của Việt Nam.

du lịch 3
Du lịch Đông Nam bộ cũng như cả nước nói chung và BR-VT nói riêng cần mở rộng thị trường, đa dạng nguồn khách, nhất là thu hút phân khúc khách MICE (Meeting Incentive Conference Event).

- Nói như ông tức là các địa phương cần phải tuân thủ Nghị quyết 24-NQ/TW, trong đó cần tập trung vào đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nâng cấp cơ sở vật chất và phát triển các sản phẩm mới lạ, thưa ông?

Đúng vậy, theo Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch hệ thống du lịch từ năm 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045, thì BR-VT nằm trên hành lang kinh tế Mộc Bài - thành phố Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Vũng Tàu, trong đó, xác định phát triển thành phố Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tiếp tục khẳng định du lịch là một trong 4 trụ cột tăng trưởng được xác định tập trung phát triển đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Do đó, việc tăng cường các hoạt động liên kết trong quá trình phát triển du lịch tại địa phương cũng như liên kết giữa BR-VT với các địa phương khác theo tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW tầm nhìn đến năm 2045 là hướng đi cần thiết góp phần đem lại lợi ích phát triển cho hoạt động du lịch địa phương nói chung, tạo thêm khả năng cạnh tranh cũng như tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, sẽ là yếu tố hình thành nên du lịch chất lượng cao và đảm bảo sự phát triển bền vững của hoạt động du lịch Việt Nam trong tương lai.

Hiện nay, với dự án sân bay Long Thành đang được triển khai, khi đi vào hoạt động với công suất trên 25 triệu khách quốc tế mỗi năm thì vùng Đông Nam bộ chắc chắn sẽ hút trọn lượng du khách cao cấp cực lớn từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Đây là những điều kiện tự nhiên khá thuận lợi để các địa phương trong vùng phát triển du lịch chất lượng cao, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái cao cấp...

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch, như: tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới lạ của các địa phương trên các kênh truyền thông quốc tế, các website, các nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook…) và các hình thức tuyên truyền quảng bá phù hợp để tạo sức lan tỏa lớn và thu hút khách đến với du lịch trong vùng. Phối hợp với các tổ chức, cơ quan thực hiện các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm tại các thị trường trọng điểm; thực hiện tích cực các chương trình quảng bá du lịch mang tính chiến lược lâu dài. Trong đó, tập trung cho hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối liên tỉnh, liên vùng, nội tỉnh; có chiến lược thu hút khách từ thị trường rất tiềm năng miền Tây Nam Bộ; tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp đầu tư, phát triển, quy hoạch, thu hút đầu tư hình thành sản phẩm kinh tế đêm.

Đặc biệt, nghiên cứu quảng bá trực tiếp tại các hội chợ du lịch uy tín quốc tế để đưa ngành du lịch Việt Nam đến với bạn bè thế giới, góp phần phát triển ngành du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và theo hướng bền vững.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bài và Ảnh: Hương Giang