Hợp tác doanh nghiệp với nhà trường phát triển nhân lực logistics
Để doanh nghiệp phát triển, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước, cần nhanh chóng bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao tại các vị trí trọng yếu.
Đó là chia sẻ của ông Vũ Văn Duẩn – Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn và Giải pháp Tiếp vận ANSLOG. Theo ông, để đáp ứng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao cho ngành logistics vẫn còn là bài toán khó đối với các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ.
- Ông cho biết, về phía doanh nghiệp, quá trình tuyển dụng nguồn nhân lực logistics có gặp phải những khó khăn gì?
Doanh nghiệp logistics chúng tôi nói riêng và nhiều doanh nghiệp logsitics Việt Nam nói chung vẫn đang là doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ, uy tín thương hiệu và độ phủ thương hiệu còn rất thấp so với phạm vi khu vực và quốc tế. Chính vì độ phủ chưa cao, dẫn đến việc lan tỏa các thông điệp, thông tin tuyển dụng và sự tin tưởng cũng chưa cao tại trên thị trường.
Bên cạnh đó, vì là doanh nghiệp nhỏ nên chúng tôi cũng chưa có những phòng ban tuyển dụng nhân sự chuyên nghiệp, bài bản. Do vậy, doanh nghiệp chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển dụng, tiếp cận các nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp đang đề ra.
- Ông đánh giá như thế nào về nguồn nhân lực ngành logistics hiện nay?
Hiện nay, các bạn trẻ sau khi tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học thì ngoài kiến thức chuyên môn, các bạn cũng đã được đào tạo rất nhiều về ngoại ngữ, tin học. Đó là một lợi thế rất lớn. Tuy nhiên, những kiến thức về kỹ năng mềm, kiến thức nền tảng với chuyên môn sâu, việc thực hành liên tục, thường xuyên cũng là rào cản đổi với các bạn sinh viên. Đây là những hạn chế của các sinh viên khi mới ra trường và ứng tuyển tại các doanh nghiệp logistics nói riêng và các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hải Phòng nói chung.
Tuy nhiên, với doanh nghiệp chúng tôi luôn luôn sẵn sàng chào đón các sinh viên đến để học hỏi và thực tập. Quan điểm của chúng tôi, khi các bạn sinh viên đến, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn rất chi tiết và giao cho các bạn làm những công việc cụ thể theo từng giai đoạn thực tập để các bạn sinh viên có cơ hội được trải nghiệm các công việc một cách cụ thể nhất, bài bản nhất. Đây sẽ là một "sân chơi" để các bạn có thể thử sức.
- Trong “chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã nhấn mạnh tới vai trò của đơn vị hợp tác cùng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp - đó là các doanh nghiệp. Vậy, với ANSLOG đã chuẩn bị kế hoạch như thế nào để hỗ trợ tốt nhất cho công tác đào tạo nghề và tiếp nhận nhân lực phù hợp với yêu cầu đề ra?
Về phía doanh nghiệp, chúng tôi cũng phối hợp với trường Đại học Hàng Hải Việt Nam, đặc biệt là khoa Logistics để giới thiệu về doanh nghiệp. Qua đó, chúng tôi cũng có thể “mời gọi” sinh viên về doanh nghiệp học việc, thực tập, thậm chí là cơ hội làm việc tại doanh nghiệp.
Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam cũng rất tạo điều kiện và giới thiệu cho ANSLOG những sinh viên có chất lượng đến để học việc, thực tập tại công ty. Qua đó, cũng là một kênh để chúng tôi tuyển dụng nhân sự, nhất là nhân sự chất lượng cao.
- Ông có đề xuất nào để các doanh nghiệp có thể kết nối với các cơ sở đào tạo được tốt hơn, qua đó giải quyết được bài toán nguồn nhân lực logistics còn “thiếu và yếu” như hiện nay?
Theo quan điểm cá nhân, tôi nghĩ giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo cần thiết phải có sự trao đổi với nhau nhiều hơn nữa thông qua các cuộc hội thảo, tư vấn giới thiệu việc làm, tuyển dụng trực tiếp để các cơ sở đào tạo hiểu được phía doanh nghiệp cần nhân sự như thế nào sau khi ra trường. Từ đó, các cơ sở đào tạo thiết kế, sản xuất ra các chương trình đào tạo sao cho phù hợp với nhu cầu cần thiết nhất của doanh nghiệp, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu hiện nay.
- Trân trọng cảm ơn ông!