Kinh tế thế giới

Thượng đỉnh ASEAN 2024: Những tín hiệu tích cực trong thương mại

Cẩm Anh 14/10/2024 11:05

Mặc dù chưa đạt được nhiều tiến triển trong giải quyết những khó khăn, nhưng các nước ASEAN đã cho thấy tín hiệu tích cực trong thương mại.

Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Viêng Chăn, Lào vào ngày 9 tháng 10 năm 2024. Ảnh: CNA
Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Viêng Chăn, Lào vào ngày 9 tháng 10 năm 2024. Ảnh: CNA

Mặc dù các cuộc xung đột khu vực đã trở thành tâm điểm chú ý, nhưng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không thể tìm thấy tiến triển trong các vấn đề khó khăn, bao gồm căng thẳng ở Biển Đông và các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar.

Tuy nhiên, hợp tác kinh tế vẫn là một điểm sáng khi các cuộc đàm phán nhằm nâng cấp hiệp định thương mại tự do của khối với đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc đã đạt được tiến triển.

Ngoài các vấn đề an ninh khu vực, ASEAN và Trung Quốc đã tăng cường quan hệ kinh tế bằng cách cam kết nâng cấp Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) và kỳ vọng sẽ kết thúc các cuộc đàm phán vào năm tới.

Kể từ khi hai bên ký hiệp định vào năm 2010, thương mại của khối với Trung Quốc đã tăng gấp ba lần từ 235,5 tỷ đô la Mỹ lên 696,7 tỷ đô la Mỹ vào năm ngoái.

Bên cạnh đó, ASEAN và Mỹ cũng đã đạt được sự nhất trí trong việc ưu tiên đẩy mạnh trao đổi thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, quản trị trí tuệ nhân tạo (AI), y tế, năng lượng, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu,… đóng góp vào phát triển nhanh, bền vững của khu vực.

Theo nhà phân tích chính trị độc lập Adib Zalkapli, Đông Nam Á đang ở vị thế thuận lợi để hưởng lợi về mặt kinh tế từ sự cạnh tranh địa chính trị, trong bối cảnh các cường quốc lớn hơn đang nỗ lực gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.

"Trung Quốc cung cấp một lượng lớn tài chính cho sự phát triển, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng tại Đông Nam Á. Nhưng ngày càng nhiều cường quốc khác như Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU... cũng đang tăng mức đầu tư của họ cho các thành viên của khối", ông Adib Zalkapli nói. Tuy nhiên, ông Adib Zalkapli cảnh báo rằng điều này cũng đặt các quốc gia Đông Nam Á vào tâm điểm của một "điểm nóng" tiềm tàng.

“Đông Nam Á đang rất cẩn trọng trong việc cân nhắc chiến lược giữa các phe đối đầu. Khu vực này phải hành động rất thận trọng, đặc biệt là ở Biển Đông vì một bước đi sai lầm có thể dẫn đến xung đột," ông Adib Zalkapli nói với CNA.

Hơn nữa, trong bối cảnh nhiều quốc gia thực hiện các chiến dịch "giảm rủi ro" chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, Đông Nam Á đã nổi lên như một nguồn xuất khẩu thay thế.

“Việc tăng cường quan hệ thương mại với Trung Quốc có nghĩa là Đông Nam Á hiện đang ở vị thế tốt hơn và các khoản đầu tư của Trung Quốc đang chuyển đến khu vực này, dẫn đến sự gia tăng đáng kể trong xuất khẩu từ Đông Nam Á sang các nền kinh tế tiên tiến”, ông Zalkapli nói thêm.

untitled.jpg
Cờ các nước ASEAN cùng các đối tác tại thủ đô Vientiane, Lào. Nguồn: Laotian Times

Chuyên gia này nhận định, sự hội nhập thương mại này có lợi cho Đông Nam Á, có lợi cho Trung Quốc và có lợi cho các nền kinh tế tiên tiến. Theo một nghĩa nào đó, đây là chiến thắng cho cả ba bên.

Về vấn đề Myanmar, các nhà lãnh đạo ASEAN đã kêu gọi tất cả các bên ngừng bạo lực và tấn công dân thường. Họ cũng yêu cầu chính quyền thực hiện các bước để tìm kiếm giải pháp trên cơ sở đồng thuận năm điểm.

Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á từ lâu đã thúc đẩy các nỗ lực mạnh mẽ hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng, nhưng các chuyên gia cảnh báo, một giải pháp hòa bình vẫn còn xa vời, đe dọa uy tín của khối cũng như khả năng phản ứng quyết đoán đối với các vấn đề nội bộ.

Khi hội nghị thượng đỉnh kết thúc, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đã trao chiếc búa Chủ tịch ASEAN cho người đồng cấp Malaysia Anwar Ibrahim. Giới quan sát cho biết Malaysia được kỳ vọng rất nhiều với tư cách là thành viên sáng lập của khối và kinh nghiệm của ông Anwar trong các vấn đề quốc tế.

Ông Zalkapli nhận định, Malaysia được kỳ vọng sẽ có nhiều hành động quyết đoán hơn so với Lào. " Ông Anwar là một nhà lãnh đạo rất mạnh mẽ. Ông ấy đã nêu rất rõ các ưu tiên về chính sách đối ngoại của mình. Tôi mong đợi một vai trò tích cực hơn về các vấn đề chính sách đối ngoại", ông nói.

Tương tự, bà Sharon Seah, thành viên cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu ASEAN của Viện ISEAS-Yusof Ishak cho biết, ông Anwar sẽ có một năm bận rộn với các ưu tiên hàng đầu là tăng cường sự thống nhất trong khối và cân bằng khéo léo mối quan hệ kinh tế của ASEAN với Trung Quốc, cũng như các mối quan tâm về an ninh ở Biển Đông.

Bà lưu ý: "Malaysia cũng cần đẩy nhanh tốc độ hội nhập kinh tế bằng cách hoàn tất thỏa thuận khung kinh tế số, nâng cấp nhiều hiệp định thương mại tự do và xây dựng tầm nhìn ASEAN sau năm 2025".

Cẩm Anh