Khơi thông điểm nghẽn cho doanh nghiệp công nghiệp
Là ngành chủ lực của nền kinh tế nhưng tăng trưởng của ngành công nghiệp chủ yếu phụ thuộc doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp công nghiệp trong nước còn hạn chế.
Tính đến hết quý 3 năm nay, hoạt động sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp tăng trưởng tích cực hơn. Giá trị tăng thêm của toàn ngành tăng 9,59% so với quý 3 của năm trước, đóng góp 3,15 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Trong đó, điểm sáng là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tốc độ tăng 11,41%. Đây là mức tăng cao nhất của cùng kỳ các năm trong 6 năm gần đây, đóng góp 2,93 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Là ngành chủ lực của nền kinh tế song dấu ấn tăng trưởng mạnh mẽ trên chủ yếu được tạo ra từ khối doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp công nghiệp trong nước, theo đánh giá của các chuyên gia, bước đầu đã có một số tập đoàn mạnh trong các lĩnh vực như cơ khí chế tạo ô tô, xe máy, thủy điện… nhưng ở những lĩnh vực khác còn chưa được như mong muốn, chưa có doanh nghiệp trong nước đủ lớn dẫn dắt ngành chế tạo.
Ông Vũ Văn Khoa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí đánh giá, các doanh nghiệp trong nước hiện đang xử lý công nghệ nền, chưa có khả năng tự chủ công nghiệp. Do đó, trong các chương trình, dự án về năng lượng, phát triển hạ tầng giao thông… đang phụ thuộc lớn vào doanh nghiệp FDI.
Những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của doanh nghiệp công nghiệp, theo các chuyên gia, điểm nghẽn lớn nhất nằm ở việc đánh giá năng lực nhà thầu, thiếu cơ chế chính sách định hướng để các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng điều phối sản xuất kinh doanh trên cơ sở thế mạnh, lợi thế của mình, vừa đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của đối tác vừa phù hợp với thực tế quy mô, điều kiện sản xuất khắc phục tình trạng đầu tư trùng lặp, theo phong trào, không “ra tấm ra món”.
Có như vậy doanh nghiệp công nghiệp mới nâng cao năng lực sản xuất, “vượt vũ môn” và cạnh tranh bình đẳng khi tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, từ đó gia tăng giá trị sản xuất, lợi nhuận…
Đối với các doanh nghiệp, ông Vũ Văn Khoa cho rằng, phải xây dựng được mục tiêu, kế hoạch thực thi dài hơi; từng bước tiếp thu công nghệ và đầu tư R&D riêng phục vụ cho đổi mới sáng tạo. Trong sự chuyển động và thay đổi không ngừng của thị trường, nhiều hàng hoá từ ô tô đến sản phẩm may mặc, đồ dùng thiết yếu đều thay đổi mẫu mã rất nhanh theo thị hiếu khách hàng. Do đó, cần tổ chức sản xuất linh hoạt để cùng tổ hợp máy móc đó có thể sản xuất được các mặt hàng khác nhau.
Bên cạnh đó, phải xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp bằng cam kết chất lượng ở cả thị trường trong nước và nước ngoài, mở rộng thị trường để gia tăng sức cạnh tranh bởi nguyên tắc hàng hoá sản phẩm được bán với số lượng lớn, sản xuất càng nhiều thì chi phí sản xuất càng thấp xuống.
Quan trọng nhất, từ cơ chế chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp công nghiệp phát triển đến nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, các chuyên gia nhấn mạnh đến niềm tin để tạo động lực bứt phá cho doanh nghiệp. Theo đó, tại các dự án, công trình lớn, các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước tham gia đảm nhiệm thực hiện những phần việc cụ thể, việc lớn và phức tạp. Muốn vậy, cần có sự tin tưởng vào các doanh nghiệp trong nước, có cơ chế phù hợp để doanh nghiệp thực hiện.
Đây cũng là một trong những một trong những kiến nghị chính sách được ông Hoàng Mạnh Tân - Phó Tổng giám đốc công ty CP quốc tế Sơn Hà đề xuất bởi giải pháp tăng cường niềm tin để giao doanh nghiệp Việt Nam thực hiện những phần việc, dự án đủ năng lực thực thi sẽ tránh việc phụ thuộc quá nhiều vào doanh nghiệp nước ngoài.
Ngoài ra, cần các chính sách hạ tầng về công nghiệp được thực hiện nhất quán, dài hơi bởi để vươn mình phát triển thành “sếu đầu đàn” là cả quá trình kéo dài nhiều năm với nhiều nỗ lực của doanh nghiệp chứ không thể tính theo tháng, theo quý.