Thạc sĩ Lê An Na: Phát huy bản sắc văn hóa trong giáo dục khởi nghiệp tại Việt Nam
Theo Thạc sĩ Lê An Na, việc thiếu sự kết hợp giữa văn hóa và khởi nghiệp là một trong những lý do khiến Việt Nam chưa thực sự phát huy hết tiềm năng của mình trong lĩnh vực này.
Thạc sĩ Lê An Na, Phó Giám đốc Tổ chức Kết nối và Phát triển Nguồn nhân lực Văn hóa và Giáo dục Việt Nam (ORCCED) trò chuyện.
- Cảm ơn chị đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn ngay khi trở về Việt Nam. Trước tiên, được biết, chị vừa tham dự và phát biểu tại Hội nghị thường niên về Đối mới sáng tạo và Khởi nghiệp do UNESCO tổ chức mới đây. Chị có thể chia sẻ đôi nét về nội dung bài phát biểu của chị tại Hội nghị UNESCO lần này và những điểm nhấn quan trọng mà chị đã đề cập?
Tại Hội nghị UNESCO lần này, tôi đã có cơ hội chia sẻ về chủ đề "Chính sách và hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp cho thanh niên tại Việt Nam". Trong bài phát biểu, tôi nhấn mạnh vai trò của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là đối với thanh niên và sinh viên. Từ năm 2016, Việt Nam đã thực hiện những bước tiến lớn với Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025". Điều này đã mở ra cơ hội lớn để các tài năng trẻ phát huy sáng tạo và hiện thực hóa ý tưởng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tôi cũng nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phát triển bền vững, sự hỗ trợ từ chính phủ không chỉ giúp định hình các chính sách về khởi nghiệp mà còn góp phần thúc đẩy nền văn hóa khởi nghiệp của Việt Nam, nơi sự sáng tạo và đổi mới được tôn trọng và phát huy. Đây là nền tảng quan trọng không chỉ cho hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước mà còn giúp Việt Nam vươn ra trường quốc tế.
- Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực khởi nghiệp, tuy nhiên chị đã đề cập đến một số thách thức mà chúng ta phải đối mặt. Vậy theo chị, những thách thức lớn nhất hiện nay là gì?
Một trong những thách thức lớn nhất là thiếu kinh nghiệm thực tiễn trong đào tạo khởi nghiệp. Các trường đại học và viện nghiên cứu vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của mình trong việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Thêm vào đó, cơ sở vật chất và hệ thống phòng thí nghiệm chưa đầy đủ và đang dần hoàn thiện cũng ảnh hưởng khả năng phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đồng thời, tôi cho rằng, cũng rất cần nhấn mạnh yếu tố văn hóa trong giáo dục khởi nghiệp. Việt Nam có một nền văn hóa đa dạng và giàu truyền thống, và điều này cần được tận dụng để xây dựng nền tảng giáo dục khởi nghiệp. Các thế hệ trẻ cần học cách hiểu biết sâu sắc về văn hóa dân tộc, các giá trị và niềm tự hào dân tộc để từ đó phát triển tư duy sáng tạo dựa trên sự tôn trọng và gìn giữ bản sắc văn hóa, nhưng cũng phải biết hòa nhập và đổi mới để phù hợp với môi trường kinh doanh toàn cầu.
Tôi cho rằng, đây cũng là lý do quan trọng mà chúng ta cần đánh giá đúng tiềm năng và nghiên cứu một cách nghiêm túc việc yếu tố văn hóa vào trong mọi khía cạnh của hệ sinh thái khởi nghiệp. Việc thiếu sự kết hợp giữa văn hóa và khởi nghiệp là một trong những lý do khiến Việt Nam chưa thực sự phát huy hết tiềm năng của mình trong lĩnh vực này.
- Được biết, chị hiện đang là Phó Giám đốc của Tổ chức Kết nối và Phát triển Nguồn nhân lực Văn hóa và Giáo dục Việt Nam (ORCCED), và chị đang chuẩn bị bảo vệ luận án Tiến sĩ về Văn hóa. Chị có thể chia sẻ thêm về cách chị kết hợp yếu tố văn hóa vào lĩnh vực khởi nghiệp?
Đúng vậy, với vai trò là Phó Giám đốc của ORCCED, một trong những yếu tố mà tôi luôn nhấn mạnh, đó là văn hóa không chỉ là yếu tố nền tảng của bất kỳ xã hội nào mà còn là chất xúc tác quan trọng cho sự sáng tạo và đổi mới. Ở một chừng mực nào đó, có thể coi văn hóa nền tảng sức mạnh, năng lượng và là nguồn tài nguyên ý tưởng vô tận cho khởi nghiệp. Đặc biệt trong giáo dục khởi nghiệp, văn hóa đóng vai trò quyết định trong việc hình thành tư duy một cách toàn diện và từ đó phát triển mạnh năng lực của thanh niên.
Hiện tại, tôi cũng đang chuẩn bị bảo vệ luận án Tiến sĩ về Văn hóa, và trong nghiên cứu của mình, tôi luôn tìm cách kết hợp yếu tố văn hóa vào giáo dục, đặc biệt là trong việc đào tạo khởi nghiệp. Các chương trình giảng dạy không chỉ nên tập trung vào các kỹ năng kinh doanh mà còn phải truyền tải giá trị văn hóa, giúp sinh viên hiểu rằng để thành công trên trường quốc tế, họ không chỉ cần kỹ năng mà còn cần có sự hiểu biết sâu sắc về nền tảng văn hóa của mình, đó là một lợi thế cạnh tranh riêng có của mỗi quốc gia nói chung, và Việt Nam nói riêng.
Cái chúng ta có thể dễ dàng nhận diện nhất về yếu tố văn hóa trong cuộc sống, cũng như công việc, đó là những nghi thức xã giao, là cách chúng ta ứng xử, giao tiếp và đối thoại với nhau. Chúng ta nhìn thấy những cái rất chung, nhưng bên cạnh đó cũng nhiều cái rất riêng và nó phản chiếu một cách chân thực nhất về con người, sản phẩm, cũng như là chính doanh nghiệp.
- Vậy theo chị, hiện có những chính sách cụ thể nào để giải quyết những thách thức mà chị vừa đề cập, và đặc biệt là trong việc kết hợp yếu tố văn hóa vào khởi nghiệp?
Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách rất cụ thể và toàn diện để hỗ trợ phong trào khởi nghiệp. Điều quan trọng là những chính sách này không chỉ tập trung vào khía cạnh kinh tế mà còn đề cao yếu tố văn hóa. Chính phủ đã tích hợp giáo dục khởi nghiệp vào chương trình giảng dạy tại các trường đại học, cung cấp các khoản tài trợ và trợ cấp cho các công ty khởi nghiệp, đồng thời khuyến khích các dự án khởi nghiệp có tính sáng tạo và gìn giữ văn hóa dân tộc.
Bên cạnh đó, các chương trình cố vấn, các trung tâm ươm tạo và cơ hội kết nối thông qua các hội thảo và hội nghị đã được xây dựng để hỗ trợ các doanh nghiệp trẻ. Chính phủ cũng rất quan tâm đến việc phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm và hệ sinh thái khởi nghiệp toàn diện, nơi các startup có thể tiếp cận công nghệ, tài chính và cả những lời khuyên từ các chuyên gia trong và ngoài nước.
- Chị có thể chia sẻ thêm về những giải pháp cụ thể mà chị đề xuất để phát triển giáo dục khởi nghiệp, và đặc biệt là làm sao để chúng ta có thể ứng dụng những giải pháp này trong thực tiễn tại Việt Nam?
Tôi cho rằng một trong những giải pháp quan trọng nhất là cần đánh giá toàn diện và đúng mức, để dựa trên đó có những cải cách chương trình đào tạo một cách hợp lý, cân bằng tại các trường đại học. Chương trình giảng dạy không chỉ nên giới hạn trong lý thuyết mà cần kết hợp các hoạt động thực tiễn, ví dụ như các dự án khởi nghiệp và chương trình thực tập với sự tham gia của sinh viên, giáo viên ngay trong trường học, với sự cộng tác và cố vấn bởi các thầy cô, chuyên gia đầu ngành, giàu kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều này sẽ giúp sinh viên không chỉ nắm bắt kiến thức mà còn hiểu cách ứng dụng nó vào thực tiễn một cách nhanh chóng, bài bản và rất thực tế.
Mặt khác, trên hành trình này, như tôi có chia sẻ bên trên, chúng ta cần tạo ra một môi trường, một nền tảng chắc chắn cho các chương trình này. Nó như một mảnh đất màu mỡ và mỗi start up như một hạt giống tốt sẽ nảy nở và phát triển trên đó. Với tôi, đó chính là nền tảng văn hóa. Yếu tố văn hóa cần được đưa vào trong quá trình đào tạo, bởi sự hiểu biết về văn hóa không chỉ giúp sinh viên phát triển tư duy, gợi mở và nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo mà còn giúp họ xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các đối tác trong và ngoài nước. Việc kết hợp văn hóa vào giáo dục khởi nghiệp sẽ giúp thanh niên Việt Nam tự tin hơn, vững chắc hơn khi bước vào môi trường kinh doanh quốc tế.
Một giải pháp khác là xây dựng các trung tâm ươm tạo và vườn ươm khởi nghiệp ngay tại các trường đại học. Các trung tâm này không chỉ cung cấp cơ sở vật chất mà còn đóng vai trò là cầu nối giữa sinh viên, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Điều này giúp sinh viên có cơ hội trải nghiệm thực tế và mở rộng mạng lưới quan hệ trong ngành.
- Chị có kỳ vọng gì về tương lai của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khi yếu tố văn hóa ngày càng được chú trọng?
Tôi có một niềm tin rất lớn rằng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam sẽ ngày càng phát triển, đặc biệt khi chúng ta đã và đang tích hợp văn hóa vào quá trình giáo dục và phát triển ở tất cả các cấp học. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc hiểu rõ và tôn trọng văn hóa sẽ giúp thanh niên Việt Nam vững vàng hơn khi đối mặt với những thách thức trên trường quốc tế.
Tôi cũng kỳ vọng rằng những giá trị văn hóa độc đáo của Việt Nam sẽ không chỉ là yếu tố giữ gìn bản sắc dân tộc mà còn là một nguồn năng lượng và ý tưởng khởi nghiệp vô tận, là công cụ mạnh mẽ để chúng ta tạo dấu ấn trong cộng đồng khởi nghiệp toàn cầu. Với sự đồng lòng của Chính phủ, các trường đại học và cộng đồng doanh nghiệp, tôi tin rằng giáo dục khởi nghiệp tại Việt Nam sẽ ngày càng phát huy hiệu quả và giúp thế hệ trẻ khẳng định vị thế của mình.
- Trân trọng cảm ơn Chị! Chúc Thạc sĩ thành công trong những dự án sắp tới!