Quảng Trị có gì để phát triển kinh tế đêm?
Khi hạ tầng kinh tế công nghiệp, dịch vụ được đầu tư đồng bộ, Quảng Trị bắt đầu tính đến kinh tế đêm.
Cần nguồn vốn khổng lồ
Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị vừa công bố dự thảo đề án “Phát triển kinh tế đêm” đến năm 2025, giai đoạn 2026 - 2030. Theo đó Quảng Trị sẽ xây dựng duy trì và phát triển từ 2 - 3 mô hình tuyến phố đi bộ tại những đô thị tiềm năng như thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị, huyện Hướng Hóa.
Theo tính toán ban đầu Quảng Trị cần nguồn vốn hơn 14.000 tỷ đồng, trong đó phần xã hội hóa chủ yếu - kêu gọi doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư. Mục tiêu thu hút 4 triệu lượt khách du lịch, có khoảng 35% lượt khách du lịch tham gia vào kinh tế ban đêm.
Để giải quyết vấn đề “đầu tiên” là tiền đâu, tỉnh Quảng Trị đưa ra danh mục 11 dự án “trải thảm đỏ” mời gọi nhà đầu tư. Trước mắt trong vòng 5 năm tới địa phương sẽ đầu tư ban đầu khoảng 160 tỷ đồng để tạo đà.
Một trong những dự án trọng điểm là tuyến phố đi bộ Ngô Quyền và đầu tư hạ tầng khai thác Lễ hội hoa đăng bên bờ sông Thạch Hãn gắn liền với di tích quốc gia Thành cổ Quảng Trị; tuyến phố đêm tại khu vực quảng trường trung tâm văn hóa - điện ảnh tỉnh.
Dự án Trung tâm thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí tại công viên sinh thái Cọ Dầu (TP Đông Hà) 2.000 tỉ đồng; Trung tâm dịch vụ biên mậu cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (huyện Hướng Hóa) 1.000 tỉ đồng, tổ hợp khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị biển Gio Linh (huyện Gio Linh) 4.000 tỉ đồng.
Trước đó, Chủ tịch Newtechco Group - đại diện liên danh các nhà đầu tư, như: Quỹ Makara Capital Partners và Sakae Corporate Advisory đề xuất vài dự án tại Quảng Trị: Dự án khách sạn 5 sao và nhà ở công viên Cọ Dầu tại TP Đông Hà; Dự án Tổ hợp khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị biển Gio Linh,…hiện đang được xem xét nghiên cứu.
Hấp dẫn nhà đầu tư
Đề án của địa phương là một chuyện, để doanh nghiệp xuống tiền đầu tư là chuyện khác - đấy mới là mấu chốt của chiến lược phát triển kinh tế đêm. Nói cách khác, Quảng Trị phải giải được bài toán: cần làm gì để thu hút nhà đầu tư thực sự tâm huyết?
Kinh tế đêm có đặc thù riêng. Ngoài thỏa mãn nhu cầu nội tại, là khả năng kéo dài cảm hứng vui chơi giải trí của du khách, phục vụ phân khúc khách hàng đặc biệt là người lao động tầm trung trở lên, có nhu cầu tái tạo sức lao động sau một ngày làm việc căng thẳng.
Chính vì vậy, sản phẩm của kinh tế/du lịch ban đêm cũng được thiết kế khác lạ. Kinh nghiệm từ các địa phương khác cho thấy sự nở rộ rất đa dạng dịch vụ, có mối quan hệ “nguyên nhân - kết quả” với tiến trình phát triển công nghiệp.
Như vậy có nghĩa rằng, với tỉnh nhỏ, ngành du lịch mới sơ khai như Quảng Trị, nên tiếp cận kinh tế đêm trong một chiến lược chung; xem kinh tế đêm là điểm đến chứ không phải là nơi bắt đầu.
Điểm xuất phát phải là các trung tâm sản xuất như khu công nghiệp Quảng Trị, khu công nghiệp Quán Ngang, cảng hàng không, tổ hợp kinh tế biển, năng lượng Đông Nam, khu kinh tế biên mậu Lao Bảo, La Lay,… trong không gian hành lang kinh tế Đông - Tây kết nối địa phương với các nước ASEAN.
Chính lực lượng lao động, đội ngũ chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp từ bên ngoài tụ về Quảng Trị mới là nguồn khách tiềm năng để doanh nghiệp, nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội kinh doanh, từ đó dịch vụ kinh tế đêm tự nhiên hình thành và phát triển.
Đơn cử, Dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Kông mở rộng - giai đoạn 2 - Tiểu dự án tỉnh Quảng Trị tọa lạc dọc bờ biển Gio Linh là điển hình. Được đầu tư 258 tỷ đồng giúp chỉnh trang bãi tắm cộng đồng, đường đi bộ, khu ẩm thực có khả năng giữ chân du khách.
Mọi chiến lược lớn sẽ chẳng đến đâu nếu không bắt đầu từ những công việc cụ thể nhất. Doanh nghiệp sợ nhất là môi trường đầu tư kém an toàn, thiếu cam kết lâu dài. Còn rất nhiều “rào cản” tưởng chừng nhỏ nhặt, đòi hỏi lãnh đạo địa phương thực tâm thực lòng để gieo niềm tin - nhất là lĩnh vực cần rất nhiều điều kiện như kinh tế đêm.