Kinh tế thế giới

Hé lộ phản ứng của Trung Quốc sau khi FED giảm lãi suất

Cẩm Anh 15/10/2024 11:04

Việc FED cắt giảm lãi suất có thể giúp tạo thêm niềm tin khi Trung Quốc thúc đẩy các chính sách và biện pháp mới.

a.jpg
Nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất. Ảnh: CNA

Trung Quốc đã cố gắng thúc đẩy nền kinh tế trong những tuần gần đây và giữ vững cam kết đạt mức tăng trưởng GDP 5% trong năm nay. Nhưng đối với một số doanh nhân trẻ, họ không cảm thấy được khích lệ.

Theo các chuyên gia nhận định, về mặt dài hạn, nền kinh tế Trung Quốc vẫn không có vẻ tích cực vì những vấn đề cơ bản như tỷ lệ sinh giảm và dân số già hóa.

Quyết định cắt giảm lãi suất của FED vào ngày 18/9 đã khiến thị trường toàn cầu phục hồi và có những tác động sâu rộng vượt ra ngoài nước Mỹ như ảnh hưởng đến thế chấp, chính sách tiền tệ và thị trường tài chính trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc FED nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ không đủ để giải quyết tất cả vấn đề cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn đang chững lại do khủng hoảng bất động sản, chi tiêu tiêu dùng yếu kém và tỷ lệ thất nghiệp cao trong thanh niên, cùng nhiều khó khăn khác.

Theo ông Lynn Song, nhà kinh tế trưởng của Greater China tại ING, trên thực tế, các động thái này đã giúp tạo ra một môi trường thuận lợi hơn để Trung Quốc nới lỏng các chính sách của mình mà không ảnh hưởng tiêu cực đến các ưu tiên khác.

"Tác động chính sẽ đến từ việc các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cuối cùng cũng tung ra thêm các biện pháp hỗ trợ chính sách sau khi FED cắt giảm lãi suất", ông Song cho biết; đồng thời nói thêm rằng: "Lãi suất thấp thường mang lại lợi ích trực tiếp nhất cho lĩnh vực bất động sản do tính chất sử dụng đòn bẩy của ngành, trong khi tác động đến bán lẻ và sản xuất có thể ít trực tiếp hơn."

Vào ngày 29/9, Ngân hàng trung ương Trung Quốc yêu cầu các ngân hàng thương mại tiến hành hạ lãi suất đối với các khoản vay thế chấp nhà hiện có trước khi kết thúc tháng, một biện pháp được các chuyên gia hoan nghênh vì cho rằng điều này thể hiện quyết tâm của các nhà hoạch định chính sách nhằm xoay chuyển tình thế.

Trong nỗ lực ngăn chặn đà suy giảm đã khiến giá nhà ở tháng 8 giảm với tốc độ nhanh nhất trong gần một thập kỷ, PBoC hạ mức yêu cầu đặt cọc đối với công dân Trung Quốc muốn mua ngôi nhà thứ hai.

“Trung Quốc nhanh chóng hành động theo FED và đã tận dụng cơ hội để cắt giảm lãi suất ngắn hạn cũng như cho phép tái cấp vốn các khoản vay thế chấp hiện tại với lãi suất thấp hơn”, ông Gerwin Bell, chuyên gia kinh tế trưởng tại Prudential Financial cho biết.

"Các đợt cắt giảm lãi suất của FED có thể đã tạo ra áp lực tăng giá đối với đồng nhân dân tệ, điều này sẽ khiến tình trạng giảm phát trở nên tồi tệ hơn. Nhưng bằng cách cắt giảm lãi suất trong nước, các nhà chức trách Trung Quốc đã giảm thiểu rủi ro giảm phát bổ sung đó", chuyên gia này phân tích thêm.

Mặc dù PBoC chưa phản ánh lập trường quyết liệt của FED trong việc cắt giảm lãi suất, nhưng họ đã thực hiện một loạt các đợt cắt giảm lãi suất quy mô nhỏ hơn bao gồm giảm lãi suất chính sách 0,2% và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng 0,5 %.

b.jpg
Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản rộng lớn của Trung Quốc đã gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước này. Ảnh: AFP/STR

Nhưng các động thái của PBoC không phải là phản ứng trực tiếp đối với các hành động gần đây của FED. "Các quyết định chính sách của PBoC không được đưa ra như một phản ứng vội vàng đối với chính sách của Mỹ. Tác động của lãi suất thấp luôn làm tăng niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp vì nó làm giảm chi phí vay và thanh toán nợ."

Phản ứng của Bắc Kinh đối với việc cắt giảm lãi suất của FED cũng có thể cung cấp một số hiểu biết rất cần thiết về các động thái có thể xảy ra trong tương lai của nước này.

Trung Quốc có khuôn khổ chính sách tiền tệ rất khác so với cách tiếp cận tập trung vào lãi suất của FED. Trung Quốc đã theo đuổi một chính sách tỷ giá hối đoái cố định, và sau đó là một khuôn khổ tập trung nhiều hơn vào số lượng, chú trọng đến khối lượng tín dụng thay vì chi phí của chúng.

Khi xảy ra các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đe dọa lan tỏa qua kênh thương mại, Trung Quốc đã dựa vào các biện pháp kích thích tài chính và tín dụng rất lớn. Những người khác tin rằng trọng tâm của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nên là giải quyết các vấn đề nội bộ như phục hồi nền kinh tế đang suy yếu, điều này có thể đòi hỏi một cách tiếp cận tinh tế hơn vào thời điểm này.

“Phản ứng của Trung Quốc được điều chỉnh theo nhu cầu của nền kinh tế trong nước và các định hướng chính sách. Biến động lãi suất của FED là một yếu tố có thể khiến Trung Quốc dễ dàng hơn hoặc khó khăn hơn trong việc tiếp tục chính sách trong nước phù hợp”, ông Daryl Guppy, CEO Guppytraders.com nhận định.

Hiện nay, những thách thức về nhà ở không chỉ giới hạn ở những người mua cá nhân mà còn đè nặng lên những chủ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ Trung Quốc khi phải quản lý nguồn thu nhập không ổn định, cũng như vật lộn với chi phí sinh hoạt cao tại các thành phố lớn và chi phí lao động tăng cao.

Chuyên gia Gerwin Bell nhận định, tác động đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ có thể sẽ phần lớn là gián tiếp và tối thiểu. "Tôi không nghĩ rằng việc Fed cắt giảm lãi suất sẽ có nhiều tác động đến người tiêu dùng Trung Quốc. Các công ty nhỏ tập trung vào thị trường trong nước ít bị ảnh hưởng hơn", ông nói.

CEO Guppytraders.com cho biết: "Nhìn chung, các doanh nghiệp nhỏ và cá nhân thường được bảo vệ khỏi tác động trực tiếp của các điều chỉnh chính sách rộng hơn."

Chuyên gia này lưu ý rằng thuế quan và lệnh trừng phạt toàn cầu sẽ đóng vai trò quan trọng hơn nhiều trong việc ảnh hưởng đến thói quen tiêu dùng của người Trung Quốc so với chính sách tiền tệ của Mỹ. "Tác động chính sẽ là thay đổi giá cả đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ", ông Guppy cảnh báo.

Cẩm Anh