Chính trị - Xã hội

Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc sẵn sàng làm dự án kết nối với Việt Nam

Lam Song 15/10/2024 00:26

CREC sẵn sàng hợp tác với các đối tác Việt Nam trong nghiên cứu, chuyển giao, phát triển công nghệ, cũng như đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp đường sắt cao tốc.

Ông Trần Vân (Chen Yun), Chủ tịch Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CREC) cho biết tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ngày 14/10.

duongsat4.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp ông Chen Yun, Chủ tịch Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, ngành công nghiệp đường sắt Trung Quốc đã vươn lên hàng đầu thế giới, với sự chuẩn bị kỹ về mặt quy hoạch, thiết kế, tiêu chuẩn, quy chuẩn, trong đó có sự tham gia đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp hàng đầu như CREC.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng trong thời gian tới, CREC cần tích cực tham gia vào các dự án, công trình hạ tầng đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối giữa Việt Nam và Trung Quốc, góp phần thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo hai nước trong việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược, toàn diện giữa Việt Nam, Trung Quốc.

“Các công trình, dự án của CREC tại Việt Nam phải đạt được những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hàng đầu của Trung Quốc, là biểu tượng của tình hữu nghị, sự khẳng định chất lượng, thương hiệu của CERC”, Phó Thủ tướng nói.

Tại buổi làm việc, ông Trần Vân (Chen Yun), Chủ tịch Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CREC) bày tỏ mong muốn tập đoàn CREC được tham gia vào các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đường sắt quan trọng của Việt Nam, bao gồm cả việc cung cấp các dịch vụ, tư vấn, cũng như triển khai thi công với cam kết về chất lượng, tiến độ hàng đầu.

Lãnh đạo CREC cho biết, doanh nghiệp này đang quản lý hoạt động của Trung tâm nghiên cứu về đường sắt cao tốc Trung Quốc và bày tỏ sẵn sàng hợp tác với các đối tác Việt Nam trong nghiên cứu, chuyển giao, phát triển công nghệ, cũng như đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp đường sắt cao tốc.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tin tưởng CREC sẽ khẳng định được chất lượng, trình độ công nghệ của Trung Quốc khi tham gia vào các dự án xây dựng hạ tầng đường sắt tại Việt Nam, bảo đảm thân thiện môi trường, tối ưu khoảng cách vận tải, bảo đảm an toàn tối đa cho hành khách, hàng hóa, áp dụng công nghệ thông minh trong vận hành, khai thác.

Trước đó, tại buổi tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc chiều 13/10, các doanh nghiệp Trung Quốc bày tỏ mong muốn tham gia các dự án phát triển hạ tầng của Việt Nam như các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam của Việt Nam; hợp tác trong xây dựng thành phố thông minh, sản xuất thông minh, xây dựng các trung tâm dữ liệu, phát triển thương mại điện tử… cùng Việt Nam phát triển xanh, bền vững.

Các doanh nghiệp Việt Nam đề nghị Chính phủ hai nước tiếp tục tạo điều kiện thúc đẩy kết nối doanh nghiệp hai nước, nhất là trong các lĩnh vực Trung Quốc có kinh nghiệm, tiềm lực và Việt Nam có nhu cầu. Hợp tác, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam về tài chính, khoa học công nghệ, khoa học quản lý trong phát triển hạ tầng, trong đó có các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc.

Tại buổi tọa đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị hai bên phối hợp triển khai hiệu quả các văn kiện về hợp tác đường sắt đã ký kết, hợp tác phát triển ngành công nghiệp đường sắt hiện đại, cung cấp vốn vay ưu đãi, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực để triển khai 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối các địa phương phía Bắc Việt Nam với Trung Quốc, gồm: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.

Thủ tướng cũng đề nghị hai bên hợp tác triển khai các dự án mang tính biểu tượng cho quan hệ song phương, quy mô lớn, công nghệ cao trong những lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu như năng lượng tái tạo, công nghiệp phụ trợ, ôtô điện, trung tâm tài chính quốc tế, khu thương mại tự do, đô thị thông minh, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Lam Song