Xã hội

Ô nhiễm không khí làm giảm sức hấp dẫn của Hà Nội

Trà My 15/10/2024 03:30

Hà Nội lại đứng đầu danh sách các thành phố có chất lượng không khí tồi tệ nhất thế giới.

Trong những ngày đầu tháng 10, người dân có thể dễ dàng quan sát mức độ ô nhiễm không khí ở mức báo động tại Hà Nội.

Cảnh báo của hệ thống quan trắc không khí cho thấy, chất lượng không khí rất kém và gây nguy hại cho sức khỏe nhóm người nhạy cảm là người già và trẻ nhỏ, người mắc bệnh hô hấp.

onhiem.jpg
Chất lượng không khí tại Hà Nội sáng 14/10 theo trang web IQair

Cụ thể, sáng 13/10, Hà Nội trong tình trạng ô nhiễm không khí, đứng thứ ba thế giới theo bảng xếp hạng của ứng dụng kiểm soát ô nhiễm không khí AirVisual với AQI ở mức 184. Nhiều điểm ở Hà Nội ô nhiễm không khí đạt đến mức màu tím - cảnh báo nguy hại cho sức khoẻ.

Tại điểm đo đường Quảng Khánh (quận Tây Hồ) số AQI lên đến 281. Một số điểm đo không khí nghiêm trọng khác như Quảng Bá có AQI 255, khu vực bể bơi Sao Mai - Tây Hồ có AQI là 262; điểm đo trường Quốc tế Liên Hợp Quốc Hà Nội có AQI là 222; đường Ngọc Thụy (quận Long Biên) có AQI là 203; đường Hoàng Quốc Việt AQI là 192. Tại Minh Khai - Bắc Từ Liêm AQI 121; Vân Hà AQI 157; Kim Bài AQI là 118…

sáng 14/10, không khí tại Hà Nội ở mức không an toàn với chỉ số AQI lên tới 160. Một số điểm có chỉ số AQI cao tại Hà Nội như: Cửa Nam (160), Thành Công (151), Ngọc Lâm (160), ngoài ra một số khu vực ngoại ô cũng ghi nhận chỉ số AQI trên 160 đến 180. Thậm chí khu vực bán đảo Quảng An (Tây Hồ) còn có chỉ số AQI lên tới 203 vào lúc 9h sáng. Chiều ngày 14/10 chỉ số AQI tại khu vực quận Ba Đình, Hoàn Kiếm là 142 lúc 15h00 chiều 14/10.

Dự báo từ ngày 15 - 20/10, chất lượng không khí tại Hà Nội dần cải thiện, với chỉ số dao động trong khoảng 72 - 76.

Với số người chết lên tới hơn 7 triệu mỗi năm, WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) khẳng định, ô nhiễm không khí gây tử vong nhiều hơn cả AIDS và sốt rét cộng lại. Không chỉ các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc hay Pakistan - nơi sương mù dày đặc thường xuyên bao phủ các thành phố lớn nhất - đang phải vật lộn với tình trạng này.

Trên khắp các châu lục, bao gồm cả Nam Cực, ô nhiễm không khí đã trở thành một phần không thể tránh khỏi của cuộc sống hiện đại. Khí thải từ công nghiệp, xe cộ, nấu ăn, sưởi ấm và các chất ô nhiễm tự nhiên như bụi và cát đều đóng một vai trò quan trọng.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ô nhiễm không khí được đo bằng bụi mịn hay PM2.5 - các hạt nhỏ trong không khí được tạo thành từ nhiều chất độc hại như sunfat, nitrat, amoniac, natri clorua và carbon đen. Những chất độc này có chiều rộng khoảng 1/30 chiều rộng của một sợi tóc - nhỏ đến mức khi hít vào, chúng có thể bám vào các cơ quan nội tạng và xâm nhập sâu vào máu.

Đặc biệt, khi tiếp xúc ngắn hạn với bụi mịn có thể dẫn đến giảm chức năng phổi, nhiễm trùng đường hô hấp và hen suyễn. Và việc tiếp xúc lâu dài có thể gây ra bệnh tim, ung thư, đột quỵ và bệnh hô hấp dưới, dẫn đến tử vong sớm.

Ngành du lịch của Hà Nội vốn phụ thuộc nhiều vào vẻ đẹp tự nhiên và di sản văn hóa, cũng đang chịu tác động tiêu cực. Mùa thu Hà Nội vốn được xem là mùa đẹp nhất trong năm, khi những con đường Hà Nội vốn ngập tràn nắng vàng như rót mật cùng với tiết trời dịu mát thu hút du khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm như hiện tại, Hà Nội có thể sẽ bị giảm sức hấp dẫn trong mắt du khách. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu phát triển ngành du lịch bền vững của thành phố.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT) đề nghị các Sở TN&MT khẩn trương chỉ đạo, tăng cường tần suất quan trắc, công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí trên cổng thông tin điện tử và phương tiện truyền thông của tỉnh, thành phố, khuyến cáo người dân áp dụng ngay các giải pháp bảo vệ sức khỏe, đặc biệt với nhóm đối tượng có hoạt động ngoài trời vào 5h-7h sáng và 14h-19h tối.

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cũng yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát các nguồn thải khí thải (đặc biệt là các điểm đốt mở, đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp, công trình xây dựng, cơ sở sản xuất công nghiệp). Trong đó, yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn. Đôn đốc, giám sát các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở TN&MT theo quy định.

Để khắc phục tồn tại, hạn chế trong kiểm soát ô nhiễm không khí, UBND Thành phố Hà Nội đã yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục nhiều giải pháp. Trong đó, Thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường “Xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh” theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiến hành kiểm kê, lượng hóa các nguồn gây ô nhiễm để triển khai giải pháp cụ thể, phù hợp về chính sách và công nghệ.

Thành phố cũng giao Sở Giao thông - Vận tải triển khai Đề án “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”; nghiên cứu xây dựng, triển khai đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông để hạn chế số lượng xe cơ giới.

Có thể khẳng định, Hà Nội đã nhận diện rõ thực trạng, nguyên nhân gây ô nhiễm và đã có nhiều giải pháp xử lý. Tuy nhiên, đến nay, khi các ứng dụng theo dõi chất lượng không khí tại Hà Nội đều ghi nhận mức độ ô nhiễm ở ngưỡng đỏ và ngưỡng tím, cá biệt một vài nơi lên ngưỡng nguy hại thì có thể nói rõ ràng, những giải pháp đã có chưa thực sự hiệu quả.

Trà My