Quản trị

Giá trị thương hiệu Apple giảm do đâu?

Quân Bảo 14/10/2024 10:00

Nguyên nhân được cho là do sự tiếp cận quá chậm và thận trọng của “Táo” với AI.

Sau 25 năm liên tục tăng trưởng, đây là lần đầu tiên giá trị thương hiệu Apple sụt giảm. Tuy nhiên theo báo cáo Best Global Brands 2024, mặc dù giảm 3% và rơi xuống mốc dưới 500 tỷ đô, gã khổng lồ công nghệ vẫn hiên ngang xếp vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng. Tuy nhiên xu hướng sụt giảm này báo hiệu ngôi vương của Apple có thể bị lung lay một thời điểm nào đó trong tương lai.

3(1).jpg
Lần đầu tiên sau 25 năm, giá trị thương hiệu Apple giảm

Theo sau Apple là Microsoft và Amazon với giá trị thương hiệu tăng lần lượt 11% và 8%. Ngoài ra, những cái tên khác có mặt trong top 10 theo thứ tự là Google, Samsung, Toyota, Coca-Cola, Mercedes-Benz, McDonald’s và BMW. Thương hiệu thời trang xa xỉ xếp cao nhất là Louis Vuitton với vị trí thứ 11. Trong khi đó thương hiệu thời trang thể thao Nike xếp thứ 14.

Kể từ năm 2000, Interbrand đã theo dõi giá trị của các thương hiệu lớn nhất thế giới và cho ra báo cáo cùng bảng xếp hạng theo từng năm. Những thống kê trong 25 năm qua nêu bật một xu hướng đáng lo ngại. Đó là mặc dù đẩy mạnh các chiến lược tiếp thị quảng cáo sẽ giúp doanh nghiệp nhận về lợi ích tài chính ngắn hạn, nhưng nếu bỏ bê các chiến lược phát triển thương hiệu trong dài hạn thì doanh nghiệp sẽ nhận trái đắng. Chỉ trong năm nay, xu hướng này khiến các thương hiệu trong top 100 thất thoát 200 tỷ đô. Nếu tính gộp từ năm 2000, con số lên đến 3,5 nghìn tỷ đô.

Interbrand nhận định giá trị Apple sụt giảm do họ có chiến lược tiếp cận thận trọng đối với thị trường AI trong khi các đối thủ khác đang gần như dốc toàn lực vào cuộc đua AI. Greg Silverman, giám đốc kinh tế thương hiệu toàn cầu Interbrand, giải thích rằng trong trường hợp này, Apple thể hiện tầm nhìn ưu tiên niềm tin dài hạn, thay vì chạy theo lợi nhuận ngắn hạn. Vậy nên ông dự đoán giá trị thương hiệu Apple sẽ phục hồi trong năm 2025. Trên thực tế, kể từ đầu năm đến nay, giá trị thương hiệu Apple đã tăng 20% nhờ vào dự án kết hợp với OpenAI và phát triển Apple Intelligence.

Trong bảng xếp hạng chung, ngoài các ông lớn ngành công nghệ nằm top trên, ngành công nghiệp xe hơi cũng chiếm ưu thế lớn với 14 thương hiệu xuất hiện trong Top 100. Kia, Hyundai và Toyota đều ghi nhận mức tăng hai chữ số. Ferrari (vị trí 62) là thương hiệu ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất (21%) cùng với YouTube (vị trí 24). Trong khi đó Tesla dù đứng vị trí 12 nhưng giá trị lại sụt giảm đến 9%.

Các thương hiệu thời trang xa xỉ cũng chứng kiến mức tăng 7% nhờ vào những trải nghiệm không dừng lại ở việc mua sắm. Đứng đầu là Louis Vuitton (vị trí 11), sau đó là Hermes, Chanel, Gucci xếp lần lượt vị trí 22, 23 và 41.

Những cái tên mới nổi bật góp mặt trong danh sách là Nvidia (vị trí 36), Pandora (vị trí 91), Range Rover (vị trí 96) và Jordan (thương hiệu con của Nike - vị trí 99). Thành công của Nvidia gắn liền với sự phát triển của AI và nhu cầu về chip. Trong khi đó, Jordan là thương hiệu gắn với cá nhân lần đầu tiên góp mặt trong top 100. Silverman cho biết thành công của Jordan là nhờ vào “quá trình toàn cầu hóa các giá trị thể thao cổ điển”, tạo nên sự gắn kết cảm xúc sâu sắc với người tiêu dùng.

Chưa có thương hiệu nào của Việt Nam hay thậm chí Đông Nam Á được lọt vào danh sách Top 100 này.

Báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các Giám đốc Marketing trong việc định hình chiến lược tăng trưởng. Điều này đôi khi đi ngược lại với Giám đốc Điều hành và Giám đốc Tài chính, những bên thường ưu tiên lợi nhuận ngắn hạn.

Gonzalo Brujó, tổng giám đốc toàn cầu của Interbrand, cảnh báo doanh nghiệp về xu hướng này. Ông khẳng định nhiều thương hiệu có giá trị đang bỏ lỡ tiềm năng phát triển khi đầu tư quá nhiều vào các chiến thuật ngắn hạn. Bởi những chiến thuật này có thể làm suy yếu tiềm năng đem đến doanh thu trung hạn và dài hạn của doanh nghiệp.

Quân Bảo