Doanh nghiệp

Nền kinh tế tuyến tính đang dần chuyển sang tuần hoàn

L.Mỹ 15/10/2024 02:50

Đây là nhận định của ông Phạm Phú Ngọc Trai, khi nhìn lại và đánh giá về hành trình xây dựng và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn của ngành tiêu dùng, F&B tại Việt Nam.

Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), trong những năm qua, với dân số đông và định hướng phát triển bền vững, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất khu vực.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai
Ông Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam)

“Chúng ta đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong nước, cùng sự hiện diện của các công ty đa quốc gia hàng đầu, tạo ra hàng tỷ đô la doanh thu và hàng triệu việc làm. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp to lớn đó, chúng ta cũng phải đối mặt với các thách thức môi trường mà sự phát triển này mang lại. Vì vậy, sự ra đời PRO Việt Nam, với sự tham gia của 9 thành viên sáng lập, bao gồm các công ty hàng đầu trong và ngoài nước trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, phân phối và bán lẻ. PRO Việt Nam được thành lập với sứ mệnh rõ ràng: “Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam và làm cho việc tái chế bao bì trở nên dễ tiếp cận và bền vững hơn.”

Ông Phạm Phú Ngọc Trai cho biết để thực hiện sứ mệnh này, PRO Việt Nam đã theo đuổi ba chiến lược chính kể từ khi thành lập: Thứ nhất, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và thay đổi hành vi sử dụng sản phẩm có bao bì cần phân loại, thu gom và tái chế. Thứ hai, chúng tôi nỗ lực củng cố hệ sinh thái thu gom bao bì hiện có. Thứ ba, đẩy mạnh năng lực và hiệu quả của ngành công nghiệp tái chế, cả về số lượng lẫn chất lượng. Đến nay, liên minh đã có 30 thành viên, mỗi công ty đều là những đơn vị dẫn đầu trong các lĩnh vực như sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất bao bì, bán lẻ, nhập khẩu, thu gom và tái chế.

“Một cột mốc đáng chú ý trong năm 2023 là sự công nhận chính thức của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với Công ty Cổ phần Tái chế Bao bì Việt Nam (công ty xã hội hoạt động không vì lợi nhuận PRO Việt Nam) với vai trò là tổ chức được ủy quyền đầu tiên thực hiện tái chế bao bì tại Việt Nam. Năm 2024, khi quy định EPRcó hiệu lực, PRO Việt Nam cam kết thu gom và tái chế khoảng 64.000 tấn bao bì do các doanh nghiệp thành viên ủy quyền”, ông Phạm Phú Ngọc Trai cho biết.

Phát biểu tại sự kiện kỷ niệm 5 năm thành lập PRO Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa khẳng định: Đảng và Nhà nước với tầm nhìn chiến lược, nhãn quan nhạy bén đã xác định tài nguyên và môi trường là một trong 06 nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ đã đưa ra những cam kết hành động mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính, giảm phát thải khí mê-tan, tham gia nhiều sáng kiến rất quan trọng về môi trường và khí hậu tại COP26 và COP28.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá cao sáng kiến thành lập Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam để cùng hành động nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn vì một Việt Nam xanh sạch đẹp của các doanh nghiệp và các đóng góp thực tiễn trong 5 năm hoạt động vừa qua.

Trong thời gian tới, để hoàn thiện quy định phù hợp với tình hình thực tế cũng như triển khai hiệu quả hơn các quy định về Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), Chính phủ và Bộ TNMT cần có sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức như Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam.

ong.jpg
Trải nghiệm máy tái chế chai nhựa tại chỗ

“Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, cộng đồng các doanh nghiệp như Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam để triển khai các chính sách và chương trình nhằm hỗ trợ hoạt động phân loại rác tại nguồn theo quy định, hướng tới thu gom, tái chế hiệu quả. Chúng ta sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của việc tái chế, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động sản xuất, sử dụng bao bì thân thiện với môi trường. Điều này rất quan trọng để góp phần đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, trong xu hướng toàn cầu và nền kinh tế hiện nay, có 2 cụm “từ khóa” quan trọng là chuyển đổi xanh và kinh tế số. Đối với doanh nghiệp muốn thực thi chuyển đổi xanh, chuyển đổi mô hình kinh doanh tuyến tính sang tuần hoàn. không thể không đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Do đó, ông kỳ vọng Liên minh PRO Việt Nam với các doanh nghiệp lớn không chỉ thực thi cam kết vì mục tiêu “vì một Việt Nam xanh” ở trong nội bộ của liên minh, mà còn dẫn dắt, thúc đẩy cho nhiểu doanh nghiệp đặc biệt là hơn 96% SMEs trong cộng đồng chung cũng thực hiện chuyển đổi xanh. “Chỉ có như vậy mới tạo ra động lực thúc đẩy xanh, tuần hoàn cho toàn bộ hệ sinh thái trong nền kinh tế”, ông khẳng định.

Ngoài ra Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng chia sẻ “nguyện vọng cá nhân” với kỳ vọng các doanh nghiệp của Liên minh sẽ nghiên cứu để có các giải pháp cụ thể hơn nữa nhằm thúc đẩy hoạt động thu gom rác thải, tái chế xử lý, tuần hoàn… sao cho phù hợp với đặc thù và ý thức cộng đồng người dân địa phương, qua đó tăng cường hiệu quả xử lí tối ưu và lan tỏa ý thức trong cả cộng đồng.

L.Mỹ