Du lịch

Du lịch Việt - Trung ngày càng phát triển

Minh Châu 15/10/2024 09:48

Năm 2024 ghi nhận nhiều dấu ấn khởi sắc trong hợp tác du lịch Việt Nam – Trung Quốc. Nhiều hãng hàng không mở đường bay, nâng tần suất chuyến bay giữa các điểm đến của 2 nước.

Mới đây, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường cùng Đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc thăm chính thức Việt Nam từ ngày 12 đến 14/10, theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Tại hội đàm, hai Thủ tướng chính thức tuyên bố vận hành chính thức Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) từ ngày 15/10/2024. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên đẩy nhanh hoàn tất thủ tục để sớm mở Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Trùng Khánh. Về kết nối giao thông, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên phối hợp triển khai hiệu quả các văn kiện về hợp tác đường sắt đã ký kết, hợp tác phát triển ngành công nghiệp đường sắt hiện đại, cung cấp vốn vay ưu đãi, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực để triển khai 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối các địa phương phía Bắc Việt Nam với Trung Quốc, gồm: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.

tuyenbochung(1).jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường.

Điều này cho thấy mối quan hệ hợp tác hữu nghị đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa - du lịch giữa hai nước chắc chắn sẽ có những chuyển biến về chất trong thời gian tới.

Mặt khác, kết nối hàng không giữa Việt Nam và Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh mẽ, khi các hãng hàng không tiếp tục tăng tần suất bay, mở mới hoặc tái khởi động đường bay đã tạm ngưng trước đây, nhằm khai thác nhu cầu giao thương, du lịch của người dân hai nước. Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện trung bình có khoảng 330 chuyến bay qua lại mỗi tuần giữa Việt Nam và Trung Quốc. Lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam đang tăng nhanh, sau 9 tháng đầu năm 2024 đã đạt trên 2,7 triệu lượt.

Đến quý 3/2024, hàng loạt chuyến bay thường lệ và thuê chuyến được khai thác giữa Việt Nam và Trung Quốc, kéo theo đó là hàng loạt tour du lịch mới, như đường bay charter từ Hải Phòng (Việt Nam) đến Lệ Giang (Trung Quốc), đường bay Hà Nội - Hải Khẩu (Hải Nam, Trung Quốc), đường bay Quý Dương - Hà Nội, hay hãng West Air (PN) khai thác đường bay mới Hà Nội - Trùng Khánh (Trung Quốc)... Đến tháng 8/2024, riêng hãng China Southern Airlines (CZ) đã khôi phục 7 đường bay từ Việt Nam đến Trung Quốc với khoảng 190 chuyến/tuần, sau khi tăng tần suất trên chặng Hà Nội - Quảng Châu và chặng TP.HCM - Thâm Quyến.

Trong quý 4/2024, dự kiến tiếp tục có những đường bay được bổ sung hoặc tăng chuyến giữa Việt Nam và Trung Quốc như Air China (CA) mở chặng bay Hà Nội - Thượng Hải và nâng tần suất chuyến bay Hà Nội - Bắc Kinh từ cuối tháng 10. Hãng Juneyao Airlines (HO) dự kiến khai thác đường bay Hà Nội - Thượng Hải, còn China Eastern Airlines (MU) cũng kế hoạch mở rộng mạng bay tới Hà Nội, từ nhiều thành phố của Trung Quốc như Thượng Hải, Bắc Kinh, Tây An, Vũ Hán, Côn Minh...

base64-1678934142723664814931.png
Mối quan hệ hợp tác hữu nghị đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa - du lịch giữa hai nước chắc chắn sẽ có những chuyển biến về chất trong thời gian tới.

Ngoài Hà Nội, thời gian tới một số chuyến bay thường lệ và thuê chuyến (charter) sẽ tăng thêm kết nối giữa các điểm đến Việt Nam và Trung Quốc, như chặng bay Quảng Châu - Phú Quốc, Hàng Châu - Đà Nẵng, Vũ Hán - TP.HCM... Nhờ đó, các tuyến du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng sôi động, sản phẩm liên tục được bổ sung với đa dạng điểm đến và mức giá phải chăng, đáp ứng nhiều phân khúc thị trường.

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội dự báo: “Sự phục hồi nguồn khách từ thị trường Trung Quốc sẽ là cơ hội để du lịch Việt Nam cất cánh trong thời gian tới. Tuy nhiên, các điểm đến tại Việt Nam khi thu hút khách Trung Quốc cần hướng tới thị trường tốt hơn, bền vững hơn và có mức chi trả cao hơn”.

Đồng tình, CEO AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, các tour du lịch biển đảo của Việt Nam luôn hấp dẫn khách Trung Quốc. Mặt khác, sau dịch, khách Trung Quốc thường ưu tiên chọn các điểm đến quốc tế an toàn cao và gần để tiết kiệm chi phí. “Việt Nam hội đủ những yếu tố này. Vì thế, thời gian tới, ngành du lịch Việt Nam nên tập trung khai thác thị trường khách Trung Quốc nhà giàu, đến từ các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và đến bằng đường hàng không để hướng tới tệp khách chi tiêu vài ngàn tệ trở lên cho một chuyến đi”, ông Đạt nhấn mạnh.

Để mời gọi nhómkhách nhà giàu Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng, ngành kinh tế xanh Việt Nam cần định vị lại thương hiệu là điểm đến sang trọng, thay vì giá rẻ. Ngoài việc tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng, các sản phẩm giải trí giúp khách ở lâu - chi nhiều, Việt Nam cần chú trọng cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu cao của nhóm khách tinh hoa.

Minh Châu