Dấu ấn lấn biển và kỳ tích kinh tế của “nước siêu giàu Trung Đông”
Palm Jumeirah hay tòa tháp khách sạn 7 sao chọc trời Burj Al Arab đã trở thành hình ảnh đại diện cho sự phát triển thần kỳ và rực rỡ tại UAE.
Lấn biển và kế hoạch đa dạng hóa kinh tế
Sau hơn 50 năm kể từ khi lập nước, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã trở thành hiện tượng toàn cầu về phát triển kinh tế, lột xác ngoạn mục từ một vùng sa mạc cằn cỗi thànhthiên đường của giới siêu giàu, điểm đến du lịch đẳng cấp thế giới, trung tâm tài chính sôi động bậc nhất hành tinh.
Sự phát triển vượt bậc của UAE không chỉ nhờ trữ lượng dầu mỏ và khí đốt dồi dào. Trong hơn 2 thập kỷ gần đây, kế hoạch đa dạng hóa kinh tế của UAE đã giúp một số lĩnh vực phi dầu mỏ phát triển mạnh mẽ, từ dịch vụ tài chính, BĐS tới hàng không, nhà hàng - khách sạn, du lịch, cảng biển và logistics. Trong đó, chiến lược lấn biển, xây dựng những kỳ quan giữa lòng đại dương đã ghi dấu ấn rõ nét tại Dubai (tiểu vương quốc lớn thứ hai UAE).
Từ một làng chài nhỏ bé ven biển, Dubai được đầu tư trở thành trung tâm tài chính, thương mại, du lịch và giao thông hiện đại bậc nhất khu vực, với những tòa cao ốc chọc trời. Trong đó, "ngọn tháp của Ả Rập" Burj Al Arab cao 321m, được xem là “khách sạn 7 sao đầu tiên” trên thế giới, nằm trên đảo nhân tạo đầu tiên ở Dubai, cách bãi biển Jumeriah 280m. Ngày nay, Burj Al Arab có bãi biển riêng cho khách, sân đỗ trực thăng có thể chuyển đổi thành sân tennis hoặc sân tập golf cho các sự kiện đặc biệt và sân hiên ngoài trời nhô ra biển.
UAE nhận thức rõ sự không bền vững khi phát triển dựa hoàn toàn vào dầu mỏ nên đã dành hơn hai thập kỷ qua để biến Dubai thành điểm đến đẳng cấp thế giới, nơi có thể tồn tại mà không cần đến “vàng đen”. Tuy nhiên, điều kiện tự nhiên của Dubai gây cản trở không ít cho tham vọng của UAE: Toàn bộ tiểu vương quốc này chỉ có 60km đường bờ biển. Bài toán đặt ra là làm cách nào để có thêm hàng trăm cây số bờ biển. Và rồi “quần đảo biểu tượng” Palm Jumeirah đã ra đời từ đó.
Được xây dựng trên vùng biển ngoài khơi của vịnh Ba Tư, Palm Jumeirah là một kỳ quan kiến trúc hiện đại, có hình dáng giống cây cọ với thân cây dài, 16 nhánh lá và một vòng cung lớn bao quanh. Một điểm đặc biệt là Palm Jumeirah được xây dựng hoàn toàn từ cát và đá (không sử dụng bê tông hay thép) và là hòn đảo nhân tạo lớn đến mức có thể quan sát được từ không gian vũ trụ, một trong những ý tưởng kiến trúc đáng kinh ngạc nhất của loài người.
Palm Jumeirah nối với đất liền bằng đường hầm dưới biển 6 làn, tăng thêm 78km bờ biển cho Dubai. Trên hòn đảo nhân tạo này còn có hơn 100 khách sạn hạng sang, cùng các biệt thự và hơn 5.000 căn hộ sang trọng dọc bờ biển, bến du thuyền, các công viên nước, nhà hàng, trung tâm mua sắm, khu thể thao và các dịch vụ spa, chăm sóc sức khỏe…, đóng góp tích cực cho ngành du lịch tại Dubai.
Tính đến năm 2023, các lĩnh vực phi dầu mỏ đóng góp hơn 70% GDP của UAE, cho thấy sự thay đổi mang tính bền vững của nền kinh tế nước này. Riêng tại Dubai, dầu mỏ chỉ chiếm chưa đến 1% GDP, trong khi du lịch chiếm tới 20% GDP.
Tham vọng lớn bên bờ Vịnh Ba Tư
Không giống như Singapore lấn biển để tạo thêm đất đai, nơi sống cho người dân, Dubai không chịu sức ép “đất chật người đông”. Nhưng xây dựng đảo nhân tạo nằm trong chiến lược phát triển kinh tế biển của thành phố vùng Vịnh này.
BĐS du lịch là lĩnh vực rất được quan tâm. Theo Công ty tư vấn BĐS Knight Frank, thị trường nhà sang trọng của Dubai đã đạt mức kỷ lục vào năm 2023, với doanh số bán những ngôi nhà trị giá hơn 10 triệu USD tăng gần gấp đôi lên 7,6 tỷ USD và vượt xa các đối thủ là London và New York. Trong đó, Palm Jumeirah chiếm 38,5% tổng số ngôi nhà với giá trên 10 triệu USD được bán và chiếm 39,2% những BĐS có giá trị trên 25 triệu USD. Quy mô thị trường BĐS nhà ở tăng vọt lên 110 tỷ USD trong quý I/2024.
Sau Palm Jumeirah, ý tưởng về các quần đảo nhân tạo tiếp tục được thúc đẩy. Những dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu mua sắm độc lập… đầy tham vọng đang tiếp tục được triển khai tại UAE.
Nổi bật phải kể đến Quần đảo Thế giới – The World Islands, được khởi công vào năm 2003 bao gồm 260 hòn đảo nhỏ được sắp xếp như một bản đồ thế giới. Sau thời gian đình trệ, Quần đảo Thế giới đang dần hồi sinh bằng việc triển khai dự án The Heart of Europe dự kiến hoàn thành vào năm 2026, bao gồm 6 hòn đảo (Đức, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Main Europe…), mỗi hòn đảo mang đến một sắc màu của cuộc sống châu Âu xa xỉ. Khách sạn đầu tiên trên đảo Main Europe đã khai trương từ năm 2022 thu hút khách bởi vị trí thuận lợi cùng nhiều trải nghiệm độc đáo như có hệ thống phun mưa và tuyết nhân tạo.
Còn dự án Palm Jebel Ali, từng bị trì hoãn vì cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đang có cơ hội hồi sinh, nếu thành công thì quy mô thậm chí lớn hơn Palm Jumeirah với các biệt thự ven sông, bến du thuyền và những bãi biển, góp phần hiện thực hóa mục tiêu có 65 dặm bờ biển đầy cát vào năm 2040 của Dubai.
Với mục tiêu rõ ràng là trở thành thành phố tốt nhất thế giới vào năm 2040, Dubai và UAE đang tập trung vào chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng. Ở đó lấn biển luôn đóng vai trò quan trọng. Dubai còn tự hào có các sân bay đẳng cấp thế giới, mạng lưới hậu cần tinh vi, cơ sở hạ tầng viễn thông tiên tiến. Đây là điều kiện thuận lợi để Dubai nói riêng, UAE nói chung phát triển ngành công nghiệp không khói.
Theo giới phân tích, trong nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế hướng tới các lĩnh vực tri thức phi dầu mỏ, dự án lấn biển của UAE không đơn giản thúc đẩy kinh tế mà còn hiện thực hóa khát vọng chinh phục thiên nhiên, biến những điều không thể thành có thể và trở thành hình mẫu đáng học hỏi trên thế giới.