Kinh tế địa phương

Kiên Giang: Khơi thông “điểm nghẽn” trong tuyển sinh, đào tạo nghề

Nguyễn Minh thực hiện 17/10/2024 19:00

Kiên Giang phấn đấu đưa số học sinh học nghề từ 50% sau tốt nghiệp THPT; tiếp tục đào tạo nghề cho 22.000 lao động/năm...

Son TBXH

Trao đổi với DĐDN, ông Đặng Hồng Sơn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang cho rằng, cần khơi thông “điểm nghẽn” trong tuyển sinh, đào tạo nghề để đạt mục tiêu thu hút 40 - 45% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025 theo Quyết định 2239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Sơn cho biết, năm học 2023-2024, toàn tỉnh tuyển sinh, đào tạo nghề cho 24.792 người, đạt 103,3% kế hoạch. Trong đó, cao đẳng là 1.664 sinh viên, trung cấp 3.459 học sinh, sơ cấp 7.680 học viên và thường xuyên 11.989 học viên (tăng 0,42% với cùng kỳ); giải quyết việc làm cho 36.850 lượt lao động, đạt 105,3% kế hoạch; phối hợp với các doanh nghiệp đào tạo 2.024 lao động, với kinh phí hơn 3 tỷ đồng, từ ngân sách của tỉnh...

- Qua kết quả trên, ông nhìn nhận như thế nào về việc tuyến sinh đào tạo nghề tại các trường Cao Đẳng, Trung cấp, dạy nghề trên địa bàn tỉnh?

Thực tế, các trường cao đẳng, trung cấp gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, trong đó, có xu hướng của phụ huynh, học sinh bằng mọi giá phải vào học Đại học. Xu hướng này bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như: tinh thần hiếu học của người Việt Nam từ xưa đến nay, luôn luôn muốn học tập nâng cao trình độ cao nhất để mang lại vẻ vang cho bản thân, cho xóm làng, cho gia tộc.

Một yếu tố nữa là, đa số người dân mong muốn con mình học ra sẽ được vào làm tại những cơ quan Nhà nước để đảm bảo tính ổn định, bền vững lâu dài. Ngoài ra, hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của cả nước nói chung, Kiên Giang nói riêng tuy được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nhưng chưa đồng bộ, chưa theo kịp sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là khi cuộc cách mạng KHCN 4.0 đang diễn ra nhanh, mạnh.

- Để khắc phục tình trạng này, theo ông, cần có những giải pháp nào nhằm mang lại hiệu quả trong việc đào tạo nghề tại Kiên Giang?

Sở phổ biến và triển khai kịp thời các văn bản hướng dẫn thi hành Luật GDNN; đẩy mạnh công tác truyền thông GDNN với nội dung và phương thức đa dạng tạo sức lan tỏa trong xã hội, nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác GDNN.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các Kế hoạch của UBND tỉnh về chiến lược phát triển GDNN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án “Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp tiếp nhận lao động vào đào tạo nghề và giải quyết việc làm; kết nối giữa các trường và các doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào việc đào tạo nhân lực theo nhu cầu.

Ngoài ra, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động giáo dục nghề nghiệp...

- Chỉ số Đào tạo lao động của Kiên Giang năm 2023 tăng 1,14 điềm so với năm 2022 (5.00 - 3.86), tuy nhiên chỉ số này còn thấp so với một số tỉnh, thành cả nước. Năm 2024, Sở đã có kế hoạch cải thiện hơn nữa chỉ số này?

Sở đẩy mạnh công tác giáo dục nghề nghiệp ở các cấp trình độ (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng) bằng nhiều biện pháp đào tạo; tổ chức tuyển sinh đào tạo các ngành nghề thuộc lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh như: nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ; chế biến thủy sản; du lịch nhà hàng khách sạn…

Bên cạnh đó, tập trung đầu tư các trường được lựa chọn nghề trọng điểm, trong đó đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội; phấn đấu đưa số học sinh tham gia học nghề từ 50% sau tốt nghiệp THPT; tiếp tục đào tạo nghề cho 22.000 lao động/năm; tổ chức các buổi tọa đàm về định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên khi ra trường.

Ngoài ra, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Việc làm tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm % chi phí trong tuyển dụng lao động bằng các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động...; tổ chức, giới thiệu cho doanh nghiệp về người lao động có nhu cầu tìm việc trên trang website của Trung tâm Dịch vụ Việc làm; tăng cường nhu cầu kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động...

- Để công tác tuyển sinh đào tạo nghề ngày càng hiệu quả, điều gì khiến ông còn trăn trở?

Hiện nay, việc đầu tư mua sắm thiết bị giảng dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từ nguồn vốn sự nghiệp, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhưng theo quy định, các cơ sở GDNN phải nằm trên địa bàn được công nhận là vùng dân tộc thiểu số thì mới được thụ hưởng.

Trước thực trạng trên, Sở kiến nghị Ủy Ban dân tộc tham mưu Chính phủ sửa đổi nội dung, hoạt động “Tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy và học cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...” thành “Tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy và học cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên công lập cấp huyện trên địa bàn tỉnh có xã khu vực III, khu vực Il, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025”.

Mặt khác, công tác tuyển sinh học nghề sau phân luồng hiện nay trên địa bàn tỉnh còn khó khăn do lực lượng giáo viên các cơ sở GDNN còn thiếu, chỉ đáp ứng tuyển sinh đào tạo khoảng khoảng 58% đến 66% tổng số học sinh THCS được phân luồng vào học trung cấp nghề (hoặc cao đẳng 9+). Để giải quyết khó khăn này, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tăng cường biên chế giáo viên các cơ sở GDNN nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề sau phân luồng.

Do địa bàn tỉnh Kiên Giang có nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo nên việc sáp nhập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng tập trung còn 01 đầu mối thì các em học sinh ở các vùng trên khó có điều kiện theo học nghề do phát sinh chi phí học tập, tăng gánh nặng tài chính cho gia đình. Bởi, khi sáp nhập thì các trường nghề chỉ đóng trên Trung tâm hành chính của tỉnh.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Minh thực hiện