Kinh tế địa phương

Kiên Giang: Từ tư duy “cấp phép” sang tư duy “phục vụ”

Nguyễn Minh 17/10/2024 21:13

Tỉnh Kiên Giang đang tiếp tục góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Tnmt KG
Hội nghị chuyển đổi số trong thực hiện các biện pháp giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất do Sở TN&MT Kiên Giang tổ chức.

Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, thay đổi tư duy “cấp phép” sang tư duy “phục vụ”, đồng thời xác định “điểm nghẽn” của ngành tài nguyên và môi trường để khơi thông, Kiên Giang đang tiếp tục góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Ông Phùng Quốc Bình, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang khẳng định: “Năm 2024 Sở đặt trọng tâm và quyết tâm cao nhất trong lãnh đạo đối với cải cách hành chính, trong đó quan tâm đúng mức đến việc hoàn thiện và vận hành hiệu quả cơ sở dữ liệu gắn với việc thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin”.

Lấy người dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ

Một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu là Sở thay đổi tư duy cung cấp dịch vụ hành chính, từ “cấp phép” sang “phục vụ”; xem người dân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ; quan tâm bố trí công chức, viên chức có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả.

Cùng với đó, Sở rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết đối với 14 thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai, có trường hợp sau khi rà soát, giảm được 20 ngày làm việc, giảm 50% nhân lực giải quyết hồ sơ; đơn giản hóa, cắt giảm một số loại giấy tờ giấy tùy thân bằng cách tra cứu cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bên cạnh đó, miễn và giảm 25% phí và lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với 42 TTHC cấp tỉnh và 09 TTHC cấp huyện đến hết 2025 (trên 40% tổng số TTHC đã cung cấp).

Mặt khác, Sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức cho người dân và doanh nghiệp như: đăng tải tài liệu, video hướng dẫn quy trình nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trên website của Sở; tổ chức Hội nghị Chuyển đổi số trong thực hiện các biện pháp giao dịch bảo đảm với hơn 200 đại biểu đến từ ngân hàng, các tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế.

Đồng thời, ứng dụng hiệu quả Cổng thông tin giải quyết TTHC tỉnh để kiểm soát việc tiếp nhận và giải quyết các TTHC của ngành trên môi trường mạng. Trong 06 tháng đầu năm, đã tiếp nhận, giải quyết 71.628/76.398 hồ sơ. Trong đó, trả sớm và đúng hẹn 71.264/71.628 hồ sơ, đạt 99,5% .

Đặc biệt, để góp phần cải cách TTHC, Sở đã chủ động rà soát, đề xuất phương án tích hợp phần mềm chuyên ngành tài nguyên và môi trường với hệ thống thông tin giải quyết TTHC và liên thông với cơ quan thuế; tập trung triển khai xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai.

“Đã hoàn thành 08/15 huyện, thành phố và đang triển khai tại 07 huyện còn lại (dự kiến đến cuối năm 2026 toàn bộ hồ sơ đất đai được vận hành)”, ông Bình dẫn chứng.

Triệt tiêu “ách tắc” tạo bước tiến

Đánh giá kết quả PCI năm 2023 do VCCI công bố, ông Bình chia sẻ, mặc dù chỉ số tiếp cận đất đai và tính ổn định trong sử dụng đất của tỉnh đạt 6,96 điểm, hạng 22/63 trên cả nước, tăng 22 bậc so với năm 2022. Tuy nhiên, kết quả còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Qua phân tích, đánh giá các chỉ số con của chỉ số tiếp cận đất đai, Sở xác định 03 yếu tố mấu chốt dẫn đến “ách tắc” trong tiếp cận đất đai, triển khai dự án đầu tư. Cụ thể, doanh nghiệp còn khó khăn về tiếp cận đất đai, thiếu quỹ đất sạch để đầu tư; UBND cấp huyện thực hiện giải phóng mặt bằng còn chậm tiến độ; thời gian xác định giá trị quyền sử dụng đất còn kéo dài, chưa có sự chuyển biến.

Bên cạnh đó, Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023 được cải thiện so với năm 2022, trong đó nổi bật là chỉ số thành phần về chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường đạt 5,15 điểm, xếp hạng 25/63 tỉnh thành. Nhưng về kết quả chung của chỉ số vẫn còn khá thấp so với cả nước.

Để giải “bài toán” trên, ông Bình cho hay, trong thời gian tới Sở sẽ chủ động phối hợp với các sở, ngành và cấp huyện đổi mới trong quản lý, điều hành; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; xây dựng kế hoạch thực hiện gắn vai trò, trách nhiệm của tập thể, cá nhân người đứng đầu đến cụ thể từng cán bộ công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả phi đơn vị hành chính đối với công tác cấp đổi, chỉnh lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, triển khai thực hiện đối với 03 thành phố (Rạch Giá, Phú Quốc, Hà Tiên) theo quy chế đã được ban hành.

Ngoài ra, nhân rộng mô hình cung cấp thông tin về đất đai thông qua phương thức điện tử trên địa bàn tỉnh (đã được thí điểm trên địa bàn thành phố Phú Quốc và huyện Kiên Hải); tiếp tục triển khai ứng dụng cung cấp thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến từng thửa đất tại phường Vĩnh Thanh, thành phố Rạch Giá (gồm phiên bản trên máy tính và điện thoại thông minh).

Đặc biệt, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện khẩn trương chủ động rà soát quỹ đất Nhà nước quản lý và xây dựng kế hoạch thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Đồng thời, phối hợp với UBND cấp huyện đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất, tổ chức thực hiện kế hoạch tạo quỹ đất sạch.

Sở sẽ phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng, UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ định giá đất, trong đó có phân công cụ thể tiến độ, trách nhiệm của từng ngành, từng cấp, chi tiết đến từng đơn vị, tập thể, cá nhân.

Nguyễn Minh