Kinh tế địa phương

Kiên Giang: Hoá giải “rào cản” phát triển

Nguyên Vũ 17/10/2024 21:16

Ngành GTVT tỉnh Kiên Giang nỗ lực hoá giải “điểm “nghẽn” thu hút mọi nguồn lực đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối và phát triển.

gtvt KG
Lao lắp dầm cầu trên tuyến đường ven biển từ Hòn Đất đi Kiên Lương

Xác định giao thông là mạch máu của nền kinh tế, thời gian qua, ngành GTVT tỉnh Kiên Giang nỗ lực hoá giải “điểm “nghẽn” thu hút mọi nguồn lực đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối và phát triển.

Theo ông Lê Việt Bắc, Giám đốc Sở Giao thông – Vân tải (GT-VT) tỉnh Kiên Giang cho biết, đến nay, hệ thống giao thông liên vùng, tỉnh, huyện của tỉnh còn thiếu kết nối từ Rạch Giá đến Hà Tiên sang Campuchia; thiếu trục ven biển phục vụ phát triển kinh tế biển theo định hướng của tỉnh. Mặt khác, các cầu trên tuyến đường tỉnh, đường huyện chưa được đầu tư, nâng cấp đồng bộ; kinh phí duy tu bảo trì hàng năm chưa đủ so với nhu cầu, khiến cho tình trạng đường xuống cấp nhanh làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải; liên kết ngành trong việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế ảnh hưởng đến phát triển kinh tế biển, du lịch, cụm và KCN và hợp tác quốc tế…

Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và sự quyết tâm, cố gắng nổ lực của các ngành, các cấp chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội. Tỉnh đã tập trung thu hút nguồn lực, tranh thủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn TƯ; huy động vốn ngoài ngân sách để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, có tính cấp bách về giao thông.

Theo đó, từ năm 2021 đến nay tỉnh thu hút được khoảng 12.552 tỷ/26.840 tỷ đồng đạt 46,76% tổng vốn đầu tư, trong đó, nguồn vốn ngân sách TƯ 5.904 tỷ/11.446 tỷ đồng, đạt 51,58%; Ngân sách địa phương 5.345 tỷ/7.572 tỷ đồng, đạt 70,6%; Huy động nhà đầu tư 1.302 tỷ/7.822 tỷ đồng, đạt 16,65%.

Về đường bộ, ngoài các quốc lộ hiện có, TƯ đang triển khai một số tuyến trục dọc như cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu gian đoạn 2021-2030; tuyến đường HCM từ Rạch Sỏi – Bến Nhứt – Giồng Riềng – Gò Quao – Vĩnh Thuận và tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Bộ GTVT khởi công năm 2024. Ngoài ra, TƯ đang triển khai thi công cao tốc phía đông đoạn Cần Thơ – Cà Mau đi qua địa bàn tỉnh Kiên Giang dài 17 km, kết nối vào quốc lộ 63. Đặc biệt, hiện nay tỉnh đang đề xuất vay vốn ODA triển khai 02 dự án, gồm: Dự án đường ven biển kết nối Kiên Giang với Cà Mau và dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT.963 đoạn QL80 – Vị Thanh qua huyện Tân Hiệp - Giồng Riềng nối với huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ (đây là dự án liên kết vùng đi qua 03 tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ). Trên tuyến đường ven biển, tỉnh đã có chủ trương đầu tư 02 cầu lớn Cầu kết nối An Biên – Rạch Giá, với chiều dài khoảng 3,71km và cầu Ba Hòn 2, dài khoảng 3,63 km để tạo không gian phát triển cho khu vực đô thị Kiên Lương.

Đáng chú ý, theo quy hoạch, tỉnh cũng đầu tư mở rộng các tuyến đường tỉnh, các tuyến đường ngang kết nối từ đường ven biển đến quốc lộ 63, quốc lộ 80 và đường cao tốc. Riêng địa bàn Phú Quốc ngoài hệ thống giao thông hiện hữu, còn đầu tư các tuyến đường ven biển phía Tây, phía Đông, đường ven biển kết nối Cảng An Thới; địa bàn Hà Tiên đầu tư đường trục chính ven biển Hà Tiên, đường dẫn ra cảng tổng hợp TP. Hà Tiên, cầu Đông Hồ...

“Đồng thời, kiến nghị Bộ GTVT đầu tư nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, tiếp nhận 10 triệu lượt hành khách/năm; tỉnh cũng đang triển khai đầu tư nâng cấp cảng hàng không Rạch Giá có khả năng tiếp nhận tàu bay A320, A321, tiếp nhận 0,5 triệu hành khách/năm...” , ông Bắc mong muốn.

“Khơi thông” ách tắc

Tuy nhiên theo ông Bắc, trong quá trình triển khai dự án, công tác GPMB gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Việc nghiên cứu, chuyển đổi mô hình quản lý, chuyển nhượng quyền khai thác một số công trình hạ tầng giao thông còn chậm. Huy động nguồn lực ngoài xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu (16,65% tổng các nguồn vốn), chủ yếu tập trung vào nguồn lực công; Khó khăn khi huy động nguồn vốn đầu tư, do kinh phí đầu tư thường cao hơn so với các vùng khác bởi, địa hình khó khăn, đi qua nhiều sông ngòi, khu vực sình lầy, nền đất yếu, điều kiện địa chất, địa hình, thủy vǎn phức tạp, nguồn vật liệu khan hiếm; Việc triển khai dự án giao thông, chủ đầu tư thực hiện chủ quản trong công tác GPMB (đối với các dự án nhóm B chưa tách thành phần GPMB thành 1 dự án thành phần để giao địa phương chủ quản), nên việc chủ động thực hiện còn khó khăn.

Để huy động các nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi thu hút đầu tư ông Bắc cho rằng, ngoài nguồn vốn ngân sách, Sở sẽ đẩy mạnh huy động nguồn lực ngoài ngân sách tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là triển khai các biện pháp thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách TƯ, nguồn vốn ODA và các nguồn vốn khác.

Cùng với đó, Sở rà soát, hoàn thiện về cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; công khai, minh bạch các chính sách ưu đãi đến người dân, doanh nghiệp để kêu gọi thu hút đầu tư. Cải cách triệt để các TTHC về đầu tư, đất đai, xây dựng, giao thông; nâng cao trách nhiệm thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, bình đẳng và thuận lợi.

Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của người dân ủng hộ và chia sẽ trách nhiệm với nhà nước trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Tăng cường công tác phối hợp của các ngành, các cấp chính quyền đẩy nhanh công tác bồi thường GPMB các công trình, dự án. Có cơ chế, biện pháp tập trung ưu tiên thực hiện công tác GPMB nhất là thực hiện tốt công tác tái định cư để sớm bàn giao mặt bằng thực hiện dự án...

Nguyên Vũ