Phân tích - Bình luận

Vì sao khủng hoảng bao trùm Boeing?

Trương Khắc Trà 16/10/2024 04:00

Boeing liên tục mắc lỗi kỹ thuật sản phẩm, cạn dòng tiền, đặc biệt khả năng nghiên cứu sáng tạo của tập đoàn này đang bị nghi vấn...

boeing-strike-9550-1728965342.jpg
Công nhân Boeing biểu tình và đình công (Ảnh: Reuters)

Boeing - hãng sản xuất máy bay trứ danh của Mỹ, đang vật lộn với khủng hoảng trầm trọng. Cổ phiếu của Boeing đã giảm 1,3% xuống còn 148,99 đô la Mỹcp, sau một thông báo đột ngột sa thải nhân viên.

Khoảng 33.000 công nhân đã đình công kể từ ngày 13/9, yêu cầu tăng lương 40% trong bốn năm. Giới lãnh đạo cấp cao của Boeing đã quyết định sa thải 17.000 công nhân. Động thái này càng khiến người lao động lâu năm ở Boeing giận dữ.

Ông Brian Bryant, Chủ tịch Hiệp hội Kỹ sư chuyên nghiệp trong ngành Hàng không vũ trụ, đại diện cho các kỹ sư của Boeing cho rằng, kế hoạch cắt giảm lao động là “lòng tham của công ty ở mức tồi tệ nhất. “Boeing vừa quay lưng lại với 17.000 công nhân của chính mình - những người đã đưa Boeing vượt qua khủng hoảng này đến khủng hoảng khác, năm này qua năm khác”, ông Brian Bryant nhấn mạnh.

Dòng máy bay 777X bị trì hoãn giao hàng đến năm 2026 và thế hệ mini-jet 777 bị chậm trễ tới 6 năm. Boeing thậm chí đã không thể thực hiện các đơn hàng đã cam kết cách đây cả thập kỷ. Chủ tịch hãng hàng không Emirates Tim Clark, người đã đặt hàng 150 máy bay phản lực hai động cơ lớn nhất thế giới cách đây hơn 10 năm, nói “tôi không thấy Boeing có thể đưa ra bất kỳ dự báo có ý nghĩa nào về ngày giao hàng”.

Loạt rắc rối này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch huy động vốn sắp tới của hãng, dự kiến khoảng 15 tỷ đô la Mỹ. Nhưng nhận thức của các nhà đầu tư lớn đối với rủi ro tài chính của Boeing vẫn là một chủ đề nhạy cảm vì liên quan đến nhiều doanh nghiệp khác.

Kể từ năm 2019, công ty này lỗ thêm 28 tỷ đô la Mỹ, tổng mức nợ hiện nay của Boeing đã lên tới 60 tỷ đô la Mỹ. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's đã cảnh báo rằng, Boeing có thể thấy xếp hạng tín dụng của mình bị hạ xuống mức rác, điều này có thể dẫn đến lãi suất cao hơn đối với khoản nợ khổng lồ.

Các nhà cung cấp của Boeing đã mất khoảng 900 triệu đô la Mỹ trong bốn tuần đầu tiên của cuộc đình công ở Boeing. Các khách hàng của Boeing - các hãng hàng không đã phải chịu lỗ 285 triệu đô la Mỹ do các đơn hàng không thể giao đúng hạn.

22bft192_01_photosby_paulweatherman-_1_.jpg
Boeing không còn là chính mình (Ảnh: simpleflying)

Boeing đã không còn là chính mình như giai đoạn thống trị ngành công nghiệp hàng không vũ trụ toàn cầu. Gần đây, một loạt lỗi kỹ thuật nguy hiểm đã xảy ra với nhiều dòng máy bay nổi tiếng khiến uy tín của hãng mất mát trầm trọng - đây là điều tối kỵ với hàng không.

Nhưng cái chính là Boeing đã sai lầm khi mua lại đối thủ cạnh tranh McDonnell Douglas vào năm 1997. Kể từ đó, Boeing đã chi ra tổng cộng 63,5 tỷ USD để mua lại cổ phiếu của mình. Nợ nần của Boeing chồng chất, hãng không đủ chi phí nghiên cứu phát triển sản phẩm mới.

Trong khi đó, rất nhiều đối thủ kịp vươn lên tranh giành sòng phẳng với Boeing. Kỳ phùng địch thủ Airbus, đã trở thành nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới 5 năm liên tiếp vào năm ngoái. Năm nay, hãng cũng được dự báo sẽ giao nhiều máy bay hơn và nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn so với Boeing.

Bên cạnh đó còn có Comac (Trung Quốc) và Embraer (Brazil)- những cái tên đang vươn lên trong phân khúc máy bay dân dụng, sẵn sàng quật đổ “gã khổng lồ” Boeing bất cứ lúc nào.

Trương Khắc Trà