Miễn học phí cho con giáo viên - đừng “kính chẳng bõ phiền”
Nếu ưu tiên cho con giáo viên miễn học phí mà đổi lại sự kỳ thị, thiếu tôn trọng, thì lại là phản tác dụng - "kính chẳng bõ phiền".
Ngày bé, đi học, tôi hay được các bạn trong lớp thì thầm: "Nó là con giáo viên đấy, bố mẹ nó đều là giáo viên đấy". Và dù không có quy định nào, các bạn vẫn có chút phân biệt với con giáo viên.
Nhiều trò nghịch ngợm của học trò, kể cả việc bắt nạt nhau, con giáo viên cũng được “né” ra, kèm theo áp lực rằng con giáo viên phải có kết quả học tập tốt hơn các bạn. Nếu không, rất dễ bị nói: “Con giáo viên mà học đụt thế”.
Thầy cô giáo dù không nói ra, không tạo sự phân biệt, nhưng với con của đồng nghiệp, bao giờ cũng có sự quan tâm hơn ở mức nhất định. Ví dụ như được xếp ngồi bàn trên, hoặc nếu ốm đau, chạy ngã sẽ được thầy cô thông báo cho bố mẹ kịp thời, kèm theo sự chăm sóc chu đáo.
Có lẽ như thế cũng đã đủ, chứ việc Luật Nhà giáo đang có dự thảo đề xuất miễn học phí từ mầm non đến đại học cho con đẻ, con nuôi có chứng nhận hợp pháp của giáo viên sẽ gây nên sự bất bình đẳng và thiếu công bằng trong xã hội.
Luật Nhà giáo đưa ra để đảm bảo công bằng về chính sách, minh bạch về pháp lý với tất cả đối tượng, mang tính đại chúng trên phạm vi toàn quốc, chứ không thể là công cụ để chuyển đổi ưu tiên, ưu đãi cho ngành riêng của mình, cho dù đây là đề xuất có tính nhân văn, thể hiện sự thiện chí thu hút nhân tài cho ngành giáo dục.
Thực tế, xã hội tự phân công công việc, điều tiết mặt bằng lao động theo sự lựa chọn của mỗi người.
Nói nghề giáo viên vất vả là không sai, nhưng với nhiều ngành nghề khác, họ ước mơ có kỳ nghỉ hè hàng năm như giáo viên, ước mơ được đi du lịch nhờ công đoàn giáo dục hoạt động rất mạnh và tốt. Giáo viên còn được dạy thêm để nâng cao thu nhập, cũng như nhận được sự kính trọng từ học sinh, phụ huynh và mọi người trong xã hội.
Trong khi đó, công nhân làm việc trong hầm mỏ, người chiến sĩ biên phòng canh gác nơi đảo xa rừng thẳm, người công nhân vệ sinh làm việc dưới cống ngầm... cũng hết sức vất vả, cống hiến cho xã hội không kém.
Theo thống kê sơ bộ, nếu áp dụng chính sách này, ngân sách sẽ phải gánh thêm khoảng 9.212 tỷ đồng mỗi năm. Số tiền này không hề nhỏ, trong khi ngân sách luôn bội chi và thiếu hụt, nợ công còn nhiều, cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam còn nhiều việc phải làm.
Chính sách này không đảm bảo công bằng ngay cả đối với đối tượng hưởng chính sách. Nếu hai vợ chồng cùng làm giáo viên, thì con cũng chỉ được miễn như một người làm giáo viên. Nếu giáo viên không có con, họ sẽ tìm cách trục lợi chính sách bằng việc nhận con nuôi hợp pháp. Con cái giáo viên sẽ học theo kiểu "cứ học thôi, không phải lo học phí", mất động lực để phấn đấu, nỗ lực giành học bổng, đạt kết quả cao.
Rồi chính sách này sẽ áp dụng với giáo viên trường công hay ngân sách gánh cả cho giáo viên trường tư thục? Giáo viên nước ngoài thỉnh giảng sẽ hưởng chính sách này như thế nào? Rất nhiều vấn đề sẽ phát sinh liên quan đến việc quản lý, phân bổ nguồn lực tài chính.
Nếu ưu tiên chỉ cho con giáo viên, vậy có đánh đồng với chính sách dành cho con em thương binh, liệt sĩ - những người đã hy sinh, cống hiến máu xương cho Tổ quốc? Còn các hoàn cảnh khó khăn khác như người khuyết tật, người khó khăn thiếu thốn ở vùng sâu, vùng xa thì sao?
Người theo và yêu nghề giáo là người không quá mưu cầu về vật chất, kinh tế. Khi giáo viên lựa chọn theo nghề dạy học, họ xác định khó có thể giàu có xa hoa từ nghề dạy học.
Điều giáo viên cần là sự tôn trọng của xã hội, bởi nghề giáo viên là lao động trong môi trường sư phạm có tính đặc thù. Thành công không chỉ là mức lương hay ưu đãi về chính sách, mà là sự tiến bộ của học sinh và sự tôn trọng của mọi người.
Xét về tính thương mại, chẳng có nghề thương mại nào lại như ngành giáo dục khi giáo viên luôn muốn: truyền đạt thật nhiều kiến thức cho học sinh, giá càng rẻ càng muốn bán cho nhiều, trong khi sản phẩm lại hết sức quý giá - đó là tri thức và cả lối sống, đạo đức làm người.
Nếu ưu tiên cho con giáo viên miễn học phí mà đổi lại sự kỳ thị, thiếu tôn trọng, thì lại là phản tác dụng - "kính chẳng bõ phiền".
Thay vì luật hóa, hãy linh hoạt điều chỉnh với chuỗi chương trình hỗ trợ học phí, thành lập quỹ phúc lợi hướng tới nhóm nhà giáo có hoàn cảnh cần sự trợ giúp. Như thế sẽ tránh được tâm lý bất mãn, phân biệt ngành nghề và giữ được vị thế tôn nghiêm cho nghề giáo.
Nếu thực hiện linh hoạt, sẽ không gây thâm hụt cho ngân sách nhà nước mà lại đảm bảo tính công bằng cho hệ thống phúc lợi xã hội. Con em giáo viên sẽ tự tin hơn khi thấy mình bình đẳng, phấn đấu cùng bạn bè.
Đừng khoác bộ đồng phục khác màu lên con em giáo viên, mà hãy để chỉ có một màu đồng phục khi đến trường, tới lớp.