Cú huých nào tăng nguồn cung nhà ở xã hội?
Giấc mơ sở hữu một căn nhà của đại đa số người dân đang bị bỏ ngỏ khi nguồn cung nhà ở xã hội chưa đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng tăng hiện nay.
Bài toán nan giải
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, từ năm 2021 đến tháng 8/2024, cả nước đã khởi động triển khai 619 dự án nhà ở xã hội, tương đương cung cấp hơn 560.000 căn hộ cho thị trường. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện còn chậm, chỉ có 79 dự án đã hoàn thành với 40.600 căn hộ; 128 dự án đang được xây dựng và 412 dự án khác đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Đáng chú ý, một số địa phương có nhu cầu nhà ở xã hội lớn như Thái Nguyên, Ninh Bình, Nam Định… vẫn chưa có dự án nào hoàn thành, gây khó khăn cho người dân có thu nhập thấp trong việc tiếp cận nhà ở. Như vậy, tính đến cuối tháng 8, số căn nhà ở xã hội đã khởi công và hoàn thành mới đạt khoảng 35,6% mục tiêu đến năm 2025 của Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội.
Với tiến độ thực hiện như hiện tại, mục tiêu hoàn thành 130.000 căn được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 để giải quyết nhu cầu cấp thiết về nhà ở cho người dân đang trở thành một “bài toán” khó.
Trước tình trạng trên, đại diện Bộ Xây dựng đã từng cho biết về những khó khăn trong quá trình phát triển nhà ở xã hội. Đầu tiên, các doanh nghiệp và nhà đầu tư gặp trở ngại trong việc tiếp cận quỹ đất. Thứ hai, việc tiếp cận nguồn vốn vẫn còn nhiều hạn chế. Thủ tục hành chính, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, lựa chọn chủ đầu tư và phê duyệt giá còn mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến quá trình đầu tư của doanh nghiệp.
Ngoài ra, hiệu quả đầu tư nhà ở xã hội còn thấp, chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư. Nhiều tỉnh, thành phố có nhu cầu lớn về nhà ở xã hội do có nhiều khu công nghiệp, nhưng số dự án thực hiện lại rất ít. Việc giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cũng chưa đạt kết quả như mong đợi do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc một số dự án chưa đáp ứng được yêu cầu và một số doanh nghiệp chưa đủ điều kiện về tín dụng.
Bà Đặng Thị Kim Oanh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Địa ốc Kim Oanh chia sẻ, nhu cầu nhà ở xã hội tại các địa phương phát triển công nghiệp mạnh mẽ như Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đang rất cao. Các tỉnh này thu hút hàng trăm ngàn lao động nhập cư đến làm việc nhưng nguồn cung hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Kỳ vọng sớm gia tăng nguồn cung
Để thu hẹp khoảng cách giữa nhu cầu và nguồn cung của thị trường, Chính phủ gần đây đã có thêm nhiều nỗ lực thúc đẩy, hứa hẹn sẽ giúp công tác xây dựng nhà ở xã hội sớm khởi sắc.
Tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết doanh nghiệp đã đăng ký xây dựng 500.000 căn nhà ở xã hội. Hay như kế hoạch phát triển các dự án nhà ở xã hội chất lượng cao của Tập đoàn Kim Oanh trong thời gian tới, bà Oanh cho biết, Tập đoàn sẽ phát triển 26 dự án nhà ở xã hội với tổng cộng 40.000 căn hộ. Tổng diện tích quỹ đất dành cho nhà ở xã hội là 107ha. Trong tháng 11 tới, Kim Oanh Group sẽ ra mắt dự án nhà ở xã hội đầu tiên tại TP Mới Bình Dương với quy mô 26,69 ha. Giá bán tại dự án này chỉ bằng khoảng 50% so với các dự án cùng phân khúc trên thị trường.
Tuy nhiên, để đạt tiến độ, các doanh nghiệp đề xuất Chính phủ đẩy mạnh việc đơn giản hóa và rút ngắn thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng cách áp dụng cơ chế chỉ định nhà đầu tư, giúp đẩy nhanh quá trình phê duyệt dự án; nâng cấp các tiêu chuẩn của nhà ở xã hội hiện hành, không chỉ phục vụ cho người có thu nhập thấp mà còn mở rộng cho cả những người chưa giàu nhằm tạo điều kiện sống tốt hơn cho người dân.
Các tiện ích như hầm để xe, khu vui chơi cho trẻ em và các tiện ích cho người cao tuổi cần được xem xét để đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đề nghị dành riêng một phần nhà ở xã hội cho cán bộ viên chức, lực lượng vũ trang, quân đội và công an, nhằm nâng cao an sinh xã hội.