“Bước ngoặt” lớn tăng nguồn cung nhà ở
Theo các chuyên gia, Nghị quyết thí điểm "đất khác" làm nhà ở thương mại được thông qua có thể giải phóng cho gần 500 dự án "mắc kẹt", tăng nguồn cung góp phần kéo giảm giá nhà.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, Chính phủ vừa trình Quốc hội đề xuất dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cho phép nhà đầu tư qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại.
Hàng trăm dự án sẽ được khơi thông
Trong một thống kê gần đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có tổng cộng 579 dự án nhà ở thương mại đang triển khai theo cơ chế thỏa thuận hoặc đã có quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, trong số này có đến 493 dự án được xác định có dấu hiệu vướng quy định tại Điều 23 - Luật Nhà ở 2014 về loại đất thực hiện dự án. Bởi các dự án nhà ở thương mại thường được triển khai thông qua việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc đã có quyền sử dụng đất, đặc biệt tập trung tại các địa phương có kinh tế phát triển và nhu cầu về đất ở cao.
Trong khi đó, số liệu từ 48 tỉnh, thành phố cho thấy, phần lớn các dự án nhà ở thương mại đều đang vướng 2 vấn đề chính. Một là, nhiều doanh nghiệp cố gắng tạo lập quỹ đất để lập dự án nhà ở thương mại bằng cách nhận chuyển nhượng “đất ở và đất khác” hoặc “đất khác”, thay vì chỉ nhận chuyển nhượng “đất ở” như quy định tại Luật Nhà ở 2014. Hai là, việc chuyển mục đích sử dụng đất đối với “đất khác” để triển khai dự án nhà ở thương mại cũng gây ra nhiều rắc rối khi theo quy định, dự án phải có sẵn “đất ở” hoặc “đất ở và đất khác”.
Theo thống kê từ Hiệp hội Bất động sản TP HCM, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn có đến 126 dự án nhà ở thương mại không đáp ứng được yêu cầu về loại đất, trong đó hơn 100 dự án chỉ có “đất ở và đất khác” và hơn 20 trường hợp có “đất khác không phải là đất ở”, dẫn đến doanh nghiệp không được công nhận chủ đầu tư.
Góp ý về dự thảo nghị quyết, trước đó TP Hà Nội cho biết thống nhất ban hành nghị quyết thí điểm để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên địa bàn với khoảng 191 dự án, quy mô 1.700 ha. Tương tự, TP HCM thông tin đã có quy hoạch sử dụng khoảng 600.000 ha đất nông nghiệp sang mục đích ở.
Tăng cung, kéo giảm giá nhà
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, nếu được Quốc hội thông qua sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp được tiếp cận đất đai thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác không phải là đất ở để thực hiện dự án nhà ở thương mại trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện, “thuận mua vừa bán” giữa người dân và doanh nghiệp, không xảy ra tranh chấp, khiếu kiện.
Đặc biệt, HoREA cũng kỳ vọng Nghị quyết sẽ giúp làm tăng nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở thương mại để góp phần kéo giảm giá nhà.
Đồng quan điểm, TS Trần Xuân Lượng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam cũng cho rằng nếu những dự án trên được giải phóng thì nguồn cung ra thị trường sẽ rất lớn và giúp cân bằng cung - cầu, qua đó góp phần giảm giá nhà.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP.Invest cũng chia sẻ, pháp luật quy định việc phải có "đất ở hoặc đất ở và đất khác" mới được chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại cũng chính là lý do khiến cả trăm dự án tồn đọng, không chuyển đổi được.
Theo đó, ông cho rằng thí điểm cho phép nhà đầu tư được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất ở và đất khác hoặc đất khác không phải là đất ở với điều kiện phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là tín hiệu vui, giúp doanh nghiệp có thể tính toán đường hướng phát triển cho giai đoạn mới.