Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt rượu bia dự kiến giảm 0,03% GDP
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt rượu bia không chỉ tác động đến 21 ngành kinh tế trong chuỗi giá trị mà còn làm giảm 0,01 - 0,03% GDP ngay trong năm 2026.
TS Nguyễn Minh Thảo -Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đã nhấn mạnh như vậy tại phiên thảo luận chuyên đề “Cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn” trong khuôn khổ đối thoại chính sách với chủ đề “Phục hồi tăng trưởng - triển vọng và thách thức”.
TS Nguyễn Minh Thảo đang cùng một nhóm chuyên gia kinh tế xây dựng báo cáo đánh giá tác động của tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia. Hiện, dự thảo Thuế Tiêu thụ đặc biệt đề xuất 2 phương án tăng thuế đối với bia và rượu trên 20 độ. Trong đó, phương án 1 tăng từ 65% hiện tại lên 70% vào năm 2026 và tăng đều 5% mỗi năm sau đó để đạt 90% vào 2030; phương án 2 tăng từ 65% hiện tại lên 80% từ 2026 và tăng đều 5% mỗi năm sau đó để đạt 100% vào 2030.
Theo TS Nguyễn Minh Thảo, mỗi phương án tăng thuế được tính toán trong tổng thể 21 ngành kinh tế trong chuỗi giá trị của ngành rượu bia, từ đó xác định tác động đến tăng trưởng GDP, giá trị tăng thêm của ngành và thu nhập của người lao động trong chuỗi. Theo đó, cả 2 phương án tăng thuế được đề xuất trên sẽ ngay lập tức tác động nhiều chiều đến cả chuỗi, GDP và thu nhập của người lao động.
Cụ thể, TS Nguyễn Minh Thảo cho biết, giá trị tăng thêm của nền kinh tế giảm 0,082%, tương đương với hơn 6.000 tỷ đồng giá trị gia tăng; GDP của nền kinh tế giảm 0,01-0,03% với từng phương án tăng thuế. Với doanh nghiệp, lợi nhuận trước thuế có thể giảm 510-1.530 tỷ đồng tương ứng với từng phương án; thu nhập của người lao động trong nền kinh tế cũng giảm gần 2.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia còn khiến thuế thu nhập doanh nghiệp chịu tác động, không chỉ với các doanh nghiệp sản xuất bia mà còn ảnh hưởng kéo theo các ngành nghề phụ trợ như bao bì, đóng gói, logistics… Do đó, với ngân sách Nhà nước, ngay tại thời điểm áp thuế, thuế gián thu sẽ tăng nhưng có thể ảnh hưởng đến thuế trực thu và thuế từ doanh nghiệp. Trong bối cảnh cần nuôi dưỡng doanh nghiệp, việc này không chỉ ảnh hưởng đến ngành rượu bia mà còn tác động đến nhiều ngành liên quan khác.
Các chuyên gia kinh tế bày tỏ ý kiến đồng tình với đề xuất tăng thuế của Chính phủ song, trong bối cảnh khó khăn của doanh nghiệp rượu bia, phương án 2 - tăng ngay 15% trong năm đầu tiên là ngoài sức chịu đựng của doanh nghiệp, có thể gây ra các tác động ngược. Do đó, cần tính toán kỹ lưỡng một lộ trình tăng thuế phù hợp, không quá đột ngột để doanh nghiệp có thể chuyển đổi kịp và người tiêu dùng có thể thích nghi dần, từ đó nuôi dưỡng nguồn thu bền vững cho ngân sách Nhà nước.
Tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt rượu bia tại một số nước như Bỉ, Anh và Australia, ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam cho biết, ở các quốc gia này, việc điều chỉnh thuế được thực hiện một cách từ từ với mức tăng nhỏ mỗi năm nhằm đảm bảo người tiêu dùng không cảm thấy quá sốc.
Tại Australia, từ năm 2010 đã tăng thuế tiêu thụ đặc biệt rượu bia hàng năm nhưng mức điều chỉnh với tỷ trọng rất nhỏ. Căn cứ để điều chỉnh thuế này dựa trên chỉ số giá tiêu dùng sẽ giúp giảm thiểu phản ứng tiêu cực từ người tiêu dùng. Khi mức giá tăng dần theo chỉ số giá tiêu dùng, người tiêu dùng sẽ có xu hướng chấp nhận hơn, thay vì bị sốc bởi những đợt tăng giá đột ngột. Cuối cùng vẫn đảm bảo mục tiêu vẫn định hướng được hành vi người tiêu dùng và thu ngân sách.