Làm rõ khả năng nội địa hoá, làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao
Bộ Giao thông Vận tải cần làm rõ phương án đầu tư, hiệu quả cũng như khả năng nội địa hoá, làm chủ công nghệ của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Đây là một trong những nội dung được đề cập tại kết luận phiên họp Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (phiên họp lần thứ 2).
Theo hồ sơ dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (theo phương thức đầu tư công) được Bộ Giao thông Vận tải gửi tới cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định Nhà nước, nhiều nội dung thay đổi cơ bản sau phiên họp lần thứ nhất.
Cụ thể, dự báo nhu cầu vận tải được điều chỉnh tăng; phương thức vận tải chuyển từ vận tải hành khách sang vừa vận tải hành khách vừa chở hàng hóa; tải trọng trục nâng từ 17 tấn/trục thành 22,5 tấn/trục. Tổng mức đầu tư nâng từ 58 tỷ USD thành 67,34 tỷ USD; thay đổi mô hình quản lý vận hành khai thác; phương thức đầu tư chuyển từ đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư công; tiến độ đầu tư giảm 10 năm; bổ sung các cơ chế đặc biệt…
Ở phiên họp thứ 2, Hội đồng thẩm định Nhà nước đề nghị Bộ Giao thông Vận tải lưu ý làm rõ một số nội dung cụ thể.
Về phương án đầu tư, cần làm rõ các thông số về quy mô đầu tư các hạng mục dự án trên cơ sở phân tích, đánh giá sự tuân thủ khung tiêu chuẩn áp dụng cho dự án, thực tiễn các dự án tương đồng trên thế giới và phù hợp với hoàn cảnh, các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội hiện nay của nước ta. Đồng thời, làm rõ phương án huy động và khả năng cân đối vốn cho dự án bảo đảm khả thi và đúng quy định pháp luật.
Liên quan đến các cơ chế chính sách đặc biệt, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước yêu cầu rà soát tổng thể các nhóm cơ chế chính sách đặc biệt nêu trong hồ sơ, tài liệu dự án; làm rõ các cơ chế, chính sách thật sự cần thiết để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm hiệu lực pháp lý và tính khả thi thực hiện.
Cùng với đó, làm rõ các đề xuất cơ chế chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao công nghệ; tìm kiếm vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài có chi phí thấp; nghiên cứu, xem xét các đề xuất cơ chế, chính sách đặc biệt cho phép trong bước tiếp theo điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan....
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được xem là tiền đề, động lực phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ; góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, hiện đại, thân thiện góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Với ý nghĩa như vậy, dự án cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, hiện đại, đồng bộ vừa tạo không gian phát triển mới vừa có phương án kết nối phù hợp, thuận tiện để kết nối ngắn nhất đến các cảng biển, sân bay; kết nối các đầu mối giao thông lớn, các khu kinh tế... Đồng thời, thuận tiện liên kết hành lang Đông - Tây và kết nối với các tuyến đường sắt Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước yêu cầu về hướng tuyến phải bám sát các chỉ đạo của Thường trực Chính phủ. Đó là hướng tuyến phải thẳng nhất có thể, nhằm giảm chi phí, bảo đảm tốc độ khai thác, tạo ra không gian phát triển mới, tiết kiệm chi phí… Các ga phải tính toán, xác định diện tích đủ lớn phù hợp, bảo đảm tầm nhìn chiến lược lâu dài để phát triển đầy đủ dịch vụ, hiện đại, khai thác hiệu quả tối đa nguồn lực đất đai và không gian phát triển mới.