Kiến nghị

Dự thảo Nghị định Điện mặt trời mái nhà: Một số điểm còn chồng chéo, bất nhất

Phương Thanh 16/10/2024 11:00

Dự thảo số 262/BC-BCT của Bộ Công Thương về Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự sử dụng cần sửa đổi, bổ sung cho rõ ràng, nhất quán để doanh nghiệp dễ triển khai, áp dụng.

Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ báo cáo số 262/BC-BCT về dự thảo nghị định quy định chính sách, khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ (Dự thảo) sau khi đã lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Dự thảo này đã có nhiều điểm mới tích cực hơn đáp ứng được các nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp, mong muốn của khu kinh tế, khu công nghiệp và khu công nghệ cao trên cả nước.

a2.jpg
Dự thảo nghị định quy định chính sách, khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ đã có nhiều điểm mới tích cực hơn đáp ứng được các nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp.

Dự thảo mới nhất vẫn đưa ra hai hình thức phát triển. Bao gồm điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản xuất, tự tiêu thụ không đấu nối với hệ thống điện quốc gia và ĐMTMN có đấu nối với hệ thống điện quốc gia.

Với hai phương thức này đại diện các doanh nghiệp phát triển ĐMTMN cho biết vẫn còn nhiều điểm chồng chéo, bất nhất và chưa được quy định rõ ràng giữa nội dung cho phát triển không giới hạn, nhưng vẫn đảm bảo an toàn và trong giới hạn quy hoạch quy định.

Chẳng hạn như nội dung tại khoản 3 Điều 8 và khoản 3 Điều 4 và khoản 5 Điều 7 không có sự thống nhất. Do đó các doanh nghiệp thuộc Diễn đàn Solar technology Việt Nam đề nghị cần bổ sung, chỉnh sửa dự thảo số 262/BC-BCT về Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất tự sử dụng như sau:

Dự thảo tạo điều kiện phát triển không giới hạn đối với Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất tự tiêu thụ nhưng vẫn đảm bảo an ninh, an toàn đối với hệ thống điện quốc gia bằng cách lắp đặt hệ thống thiết bị chống phát ngược vào hệ thống điện quốc gia và nâng cao tính ổn định của hệ thống phân phối điện khu vực bằng yêu cầu lắp đặt hệ thống lưu trữ điện năng đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà có đấu nối với hệ thống điện quốc gia có công suất từ 100kW trở lên.

Cụ thể, tại khoản 3 Điều 4 của Dự thảo có nêu: “Tổng công suất phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia tại mỗi địa phương phải phù hợp với công suất được phê duyệt trong kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và quy định tại Nghị định này, không bao gồm điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ tại các huyện, xã hải đảo có lưới điện nhưng chưa đấu nối, liên kết với hệ thống điện quốc gia”.

Doanh nghiệp kiến nghị cần sửa đổi thành: Tổng công suất phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia tại mỗi địa phương phải phù hợp với công suất được phê duyệt trong kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và quy định tại nghị định này, không bao gồm: Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ tại các huyện, xã hải đảo có lưới điện nhưng chưa đấu nối, liên kết với hệ thống điện quốc gia.

Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất tự tiêu thụ để tự sử dụng có đấu nối với hệ thống điện quốc gia, không bán điện dư lên hệ thống điện quốc gia và có lắp đặt hệ thống thiết bị chống phát ngược điện vào hệ thống điện quốc gia và hệ thống lưu trữ điện năng theo điểm b khoản 4 Điều 7 và khoản 3 Điều 8 của Nghị định này. Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất tự tiêu thụ có công suất dưới 100kW theo khoản 5 Điều 7 Nghị định này.

a1.jpg
Doanh nghiệp đề xuất có thêm hệ thống lưu trữ cho hệ thống điện mặt trời mái nhà

Tại khoản 4 Điều 7, Dự thảo mới đây có nêu: “Đối với điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có công suất đặt từ 100kw trở lên, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thỏa thuận, thống nhất với bên mua điện dư về trang thiết bị, phương tiện kết nối với hệ thống thu thập, giám sát, điều khiển của cấp điều độ phân phối để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia”.

Nội dung này doanh nghiệp đề xuất bổ sung là: Đối với điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có công suất đặt từ 100kw trở lên có đăng ký bán điện dư lên hệ thống điện quốc gia, tổ chức cá nhân có trách nhiệm thỏa thuận, thống nhất với bên mua điện dư về trang thiết bị, phương tiện kết nối với hệ thống thu thập giám sát, điều khiển của cấp điều độ phân phối để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia.

Đối với điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có công suất đặt từ 100kw trở lên không bán điện dư lên hệ thống điện quốc gia, tổ chức cá nhân có trách nhiệm trang bị hệ thống lưu trữ điện có công suất không nhỏ hơn 60% công suất lắp đặt của hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ và thời gian lưu trữ thiết kế từ 2 giờ trở lên.

Còn với khoản 3 Điều 8 Dự thảo có đưa ra: “Tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ để tự sử dụng có đấu nối với hệ thống điện quốc gia, có lắp đặt hệ thống thiết bị chống phát ngược điện vào hệ thống điện quốc gia được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất theo quy định tại Nghị định này”.

Điều này các doanh nghiệp kiến nghị cần bổ sung như sau: Tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ để tự sử dụng có đấu nối với hệ thống điện quốc gia, có lắp đặt hệ thống thiết bị chống phát ngược diện vào hệ thống điện quốc gia và có hệ thống lưu trữ điện đảm bảo có thể lưu trữ không dưới 60% công suất lắp đặt của hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ, có thời gian lưu trữ điện năng thiết kế từ 2 giờ trở lên được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất theo quy định tại Nghị định này.

Như vậy có thể thấy để ban hành Nghị định quy định cho một lĩnh vực phát triển bền vững thì cần có giải pháp tổng thể, trong đó các yếu tố cần liên kết chặt chẽ và bổ trợ cho nhau, để có kết quả cao khi sử dụng.

Với lĩnh vực ĐMTMN để phát triển bền vững trong dài hạn không thể thiếu hệ thống lưu trữ (Bess) cùng song hành trợ lực, giúp người sử dụng tối ưu hóa sản lượng điện, tránh lãng phí nguồn lực xã hội.

Phương Thanh