Kinh tế

Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu

Phương Thanh thực hiện 17/10/2024 05:00

Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn "Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu: Nhận diện xu hướng, thách thức và giải pháp cho Việt Nam", sáng 17/10 tại Hà Nội.

pwc.jpg
Ông Abhinav Goyal

Việt Nam vẫn cần nhanh chóng thực hiện quá trình chuyển dịch năng lượng khi sản lượng tiêu thụ điện dự kiến tăng khoảng 10% hàng năm đến năm 2030.

Đây là chia sẻ của ông Abhinav Goyal, Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Dự án Đầu tư và Cơ sở hạ tầng PwC Việt Nam với Diễn đàn Doanh nghiệp.

- Thưa ông, trong bối cảnh thực hiện chuyển dịch sang nguồn năng lượng sạch, Việt Nam có những lợi thế và cơ hội nào?

Chính phủ đã cam kết với sự chuyển dịch này thông qua các cam kết Net Zero tại COP26 và Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu từ 31-39% điện từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030 và 68-72% vào năm 2050. Quy hoạch điện VIII cũng xác nhận cho một bước tiến quan trọng thông qua kế hoạch thành lập hai trung tâm công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại miền Bắc, Nam Trung Bộ và miền Nam của Việt Nam.

Những mục tiêu này mang lại cơ hội lớn cho việc phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng bền vững, bao gồm các dự án năng lượng tái tạo, lưu trữ năng lượng và nâng cấp mạng lưới truyền tải. Chuyển đổi năng lượng cũng mở ra cơ hội tăng trưởng trong giao thông vận tải, đặc biệt là ngành xe điện (EV) ở trong nước.

Với quan điểm của nhà cung cấp, các nhà phát triển dự án và nhà cung cấp công nghệ tư nhân có cơ hội lớn trong các lĩnh vực mới như lưu trữ năng lượng, điện gió ngoài khơi, hệ thống xe điện (EV) và trạm sạc xe điện, hoặc hydro xanh, nhưng phải đối mặt với thách thức tài chính và quy định phê duyệt cho các dự án mới.

- Từ một đơn vị tư vấn độc lập về chiến lược và tài chính cho chuyển dịch năng lượng, ông nhận thấy Việt Nam còn gặp những vướng mắc và khó khăn nào?

Chúng tôi đánh giá, các dự án năng lượng mới sẽ gặp những khó khăn sau:

Thứ nhất thách thức về tài chính: Các dự án năng lượng lớn cần chi phí đầu tư ban đầu đáng kể, nhưng các sản phẩm tài chính hiện có không đủ đa dạng và dài hạn để phù hợp với nhu cầu. Các cơ chế tài chính mới như tài chính hỗn hợp, trái phiếu và khoản vay xanh hoặc liên kết bền vững và các công cụ nâng cao hiệu quả tín dụng chưa được sử dụng rộng rãi.

Thứ hai về chính sách: Quy trình ban hành chính sách mất nhiều thời gian, cấp phép phức tạp, thủ tục hành chính rườm rà, đây là những nguyên nhân chính, ảnh hưởng xấu đến tiến độ dự án. Ngoài ra các vấn đề liên quan đến tính khả thi của Hợp đồng Mua bán Điện (PPA) và khung pháp lý đặt ra nhiều rủi ro cho các dự án năng lượng tái tạo.

Thứ ba các khoảng trống trong chuỗi cung ứng nội địa trong ngành năng lượng mới, sản xuất năng lượng tái tạo. Với lĩnh vực năng lượng tái tạo, việc sản xuất các thành phần như tế bào quang điện và cánh quạt gió đòi hỏi sản xuất chuyên biệt, với gần 90% nguồn cung nhập khẩu từ Trung Quốc, Đức, Ấn Độ và Hoa Kỳ nên còn phụ thuộc vào nhập khẩu.

Tương tự với lĩnh vực điện mặt trời, Việt Nam chưa tự chủ được việc sản xuất pin. Việt Nam có trữ lượng khoáng sản quan trọng phong phú, nhưng chuỗi cung ứng thượng nguồn vẫn còn non trẻ, phụ thuộc đáng kể vào các nguyên liệu quan trọng nhập khẩu. Chuỗi cung ứng pin hạ nguồn, đặc biệt là trong lĩnh vực lưu trữ năng lượng và tái chế pin, cũng vẫn chưa phát triển.

- Để thực hiện chiến lược chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam được diễn ra thuận lợi, đạt tiến độ và mục tiêu đề ra, ông có những ý kiến nào cần đề xuất?

Một là, đối với thách thức tài chính, cần xây dựng cơ chế khuyến khích và mở rộng các sản phẩm tài chính: Nhà nước và các tổ chức liên quan có thể giới thiệu và thúc đẩy các sản phẩm tài chính phù hợp với các dự án năng lượng tái tạo, bao gồm tài chính ưu đãi, tài chính đa phương từ các ngân hàng phát triển đa phương, và tài chính hỗn hợp, cùng với sự bảo lãnh từ tín dụng xuất khẩu (ECA) và các cơ chế tài chính khí hậu sáng tạo. Bên cạnh đó, nhà nước có thể cân nhắc tính phù hợp của các cơ chế khuyến khích khác nhau, chẳng hạn như miễn giảm thuế, trợ giá hoặc tài trợ, miễn thuế nhập khẩu, ưu đãi thuê đất hoặc các biện pháp khuyến khích dựa trên hiệu suất cho sự phát triển chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, cần phát triển Đối tác Công-Tư: Thúc đẩy quan hệ đối tác để tạo ra các mô hình tài chính cung cấp các tùy chọn đầu tư dài hạn và giảm rủi ro tài chính cho dự án.

Ngoài ra, cần tận dụng các chương trình tài trợ quốc tế, ví dụ như chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) và hợp tác với các tổ chức tài chính toàn cầu để thu hút chuyên môn và vốn vào thị trường năng lượng sạch của Việt Nam.

Hai là, đối với thủ tục hành chính, cần đẩy nhanh quá trình thẩm định cho vay từ ngân hàng, đối với dự án mới: Đơn giản hóa và đẩy nhanh quy trình cấp phép dự án, đặc biệt trong lĩnh vực mới như điện gió ngoài khơi và lưu trữ năng lượng. Đối với một số lĩnh vực mới có thể có những quy định đặc thù để thử nghiệm với các dự án quy mô hợp lý nhằm nâng cao năng lực trong nước trước khi nhân rộng quy mô lớn.

Ba là về chính sách, với các dự án thuộc cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA): Tăng cường khung pháp lý để hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh, các quy định về DPPA và khuyến khích sự tham gia với các bên liên quan để giải quyết các thắc mắc và đơn giản hóa việc tham gia mô hình DPPA của các nhà phát triển dự án và các đơn vị sử dụng điện lớn.

Bốn là đối với chuỗi cung ứng và dịch vụ phụ trợ, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất trong nước: Cung cấp các gói ưu đãi cho các công ty đầu tư, sản xuất vào năng lượng tái tạo, thúc đẩy liên doanh và phát triển chuỗi cung ứng năng lượng mới. Ví dụ như trong ngành lưu trữ năng lượng, cần đầu tư phát triển năng lực địa phương để khai thác và chế biến các khoáng sản quan trọng nhằm khuyến khích phát triển chuỗi cung ứng lưu trữ năng lượng và các cơ sở tái chế pin.

Với việc cân nhắc các phương án trên, Việt Nam có thể vượt qua các thách thức tài chính, quy định chính sách và chuỗi cung ứng, đảm bảo xây dựng chuỗi giá trị chuyển dịch năng lượng thành công và bền vững.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Dưới sự chỉ đạo của VCCI, sáng ngày 17/10/2024 tại Khách sạn du Parc Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu: Nhận diện xu hướng, thách thức và giải pháp cho Việt Nam. Chương trình có sự đồng hành của Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Dầu Việt Nam – CTCP.

Phương Thanh thực hiện