Cố vấn - huấn luyện

Phát triển Doanh nghiệp xanh để kích cầu các sản phẩm thân thiện với môi trường

Ngọc Tú 16/10/2024 14:33

Trung tâm Quốc tế Khoa học, ICISE và The Asia Foundation tổ chức các khóa đào tạo lý thuyết và chuyên sâu dành cho DN và cá nhân có định hướng khởi nghiệp xanh.

khoinghiepxanh1.jpg

Tại Việt Nam khái niệm doanh nghiệp xanh vẫn còn hết sức mới mẻ, đòi hỏi phải có những nghiên cứu và phổ biến rộng rãi kiến thức trong tầng lớp lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và người dân.

Chính phủ, Nhà nước đã đưa ra chính sách phát triển sạch hướng tới sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thân thiện với môi trường, mặt khác đóng vai trò người tiêu dùng lớn có tác động đến thị hiếu mua sắm và tiêu dùng sản phẩm, kích cầu các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Khi Nhà nước triển khai chương trình, sẽ thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ bền vững, tạo điều kiện cho nhà sản xuất đầu tư vào hoạt động bảo vệ môi trường, giúp giảm thiểu phát thải ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; giảm chi phí xử lý ô nhiễm môi trường; định hướng phát triển các ngành kinh tế xanh gắn với sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu và năng lượng, bảo tồn và gia tăng giá trị vốn tự nhiên, nâng cao chất lượng sống.

khoinghiepxanh2.jpg

Trong khuôn khổ dự án “Phát triển Doanh nghiệp xanh tại Việt Nam”, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) phối hợp với Quỹ Châu Á (The Asia Foundation) tổ chức các khóa đào tạo lý thuyết và chuyên sâu dành cho 20 doanh nghiệp và cá nhân có định hướng khởi nghiệp xanh.

Khóa đào tạo đầu tiên với chủ đề “Hoàn thiện mô hình kinh doanh sáng tạo xanh” sẽ khai giảng vào sáng ngày 15/10/2024 và diễn ra từ 15-19/10/2024. Tiếp theo là khóa đào tạo thứ hai với chủ đề “Tiếp cận thị trường”, diễn ra từ 24-28/10/2024.

Dự án “Phát triển Doanh nghiệp xanh tại Việt Nam” là một hoạt động hợp tác giữa Quỹ Châu Á (TAF) và Trung tâm ICISE, được triển khai đến tháng 3/2025 tại tỉnh Bình Định. Chương trình nhằm tận dụng cam kết của khu vực về sự phát triển xanh và cơ sở hạ tầng khởi nghiệp hiện có để nâng cao năng lực địa phương trong việc phát triển mô hình kinh doanh xanh.

Dự án nhằm mục tiêu đến 40 startups xanh ở giai đoạn sớm, 20 doanh nhân, 05 chuyên gia địa phương và các cơ quan chính phủ liên quan. Các mục tiêu bao gồm nâng cao năng lực của các startups xanh thông qua một chương trình đào tạo toàn diện và cung cấp cơ hội tiếp cận nguồn vốn và thị trường. Các hoạt động bao gồm việc đánh giá nhu cầu năng lực, một chương trình đào tạo được tùy chỉnh và một giai đoạn ủy thác liên quan đến dịch vụ hướng dẫn và tư vấn.

Chương trình cũng đặt ra mục tiêu tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn thông qua nghiên cứu toàn diện, kết nối startups với các nhà đầu tư tiềm năng và thúc đẩy cơ hội thị trường thông qua các sự kiện mạng lưới, bao gồm một Hội chợ Thương mại Xanh. Phương pháp này nhấn mạnh tính bền vững, tập trung vào việc chuyển giao kiến thức, việc đào tạo năng lực liên tục và thiết lập các đối tác để đảm bảo tác động và tính khả thi lâu dài của dự án.

Ngọc Tú