Chính sách - Quy hoạch

Người Hà Nội có thể mua nhà ở xã hội tại TP HCM

Vi Anh 17/10/2024 03:10

Luật Nhà ở mới đã cho phép người ở Hà Nội được mua nhà ở xã hội tại TP HCM và chỉ cần xác nhận chưa có nhà tại đây.

Thông tin này được bà Phạm Thị Thu Hà - Phó trưởng phòng Nhà xã hội, Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) nêu tại hội nghị phổ biến về Luật đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản mới đây.

Phân khúc nhà ở xã hội đã thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp địa ốc lớn.
Người dân được phép mua nhà ở xã hội tại nơi khác mình sinh sống.

Theo bà Hà, các điều kiện để người dân thuê, mua nhà ở xã hội đã được nới lỏng hơn so với quy định tại luật cũ. Trong đó, điều kiện về cư trú để được hướng chính sách về nhà ở xã hội đã được bãi bỏ. Theo quy định cũ, ngoài đáp ứng tiêu chí về thu nhập, người dân còn phải có hộ khẩu hay đăng ký tạm trú khi đăng ký thuê, mua nhà ở xã hội tại địa phương đó.

"Trước đây, người ở Hà Nội chỉ mua được nhà ở xã hội tại Hà Nội. Còn hiện muốn mua nhà ở xã hội tại TP HCM thì chỉ cần chứng minh chưa có nhà ở thành phố này là có thể mua được", bà Hà nêu ví dụ.

Thủ tục để chứng minh cũng đơn giản hơn khi chỉ cần xin xác nhận vợ, chồng không có tên trong sổ đỏ tại nơi có dự án nhà ở xã hội thay vì phải xác minh rất nhiều thông tin như trước đây… Luật mới cũng lấy mốc thu nhập hàng tháng dưới hoặc bằng 15 triệu đồng hoặc tổng thu nhập 2 vợ chồng dưới hoặc bằng 30 triệu đồng là đủ điều kiện mua nhà ở xã hội.

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết trình tự thủ tục phát triển nhà ở xã hội theo luật mới cũng đã được rút gọn chỉ gồm 3 bước. Ở giai đoạn ban đầu, chủ đầu tư dự án được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ dự án nhà ở xã hội.

Việc điều chỉnh bảng giá đất sẽ không làm tăng giá nhà ở xã hội.
Các điều kiện để người dân thuê, mua nhà ở xã hội đã được nới lỏng hơn so với quy định tại luật cũ.

Đồng thời, doanh nghiệp không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cũng như thủ tục đề nghị miễn. Hai bước ở giai đoạn thực hiện dự án và giai đoạn kết thúc dự án không có sự khác biệt nhiều so với dự án nhà ở thương mại.

Ở giai đoạn chuẩn bị dự án, bước quy hoạch có sự khác biệt trong đó có yêu cầu về quy hoạch khi đấu thầu dự án là có quy hoạch phân khu 1/2000 hoặc chi tiết tỷ lệ 1/500. Đặc biệt, chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ dự án; không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cũng như thủ tục đề nghị miễn. Bên cạnh đó, trường hợp chủ đầu tư xây dựng trong phạm vi dự án nhà ở xã hội thì việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất phải nộp thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

Hai bước ở giai đoạn thực hiện dự án và giai đoạn kết thúc dự án không có sự khác biệt nhiều so với dự án nhà ở thương mại.

"Đất để phát triển nhà ở xã hội là vấn đề mà hầu hết các doanh nghiệp đều đang rất quan tâm. Với luật mới, UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội theo nhu cầu của chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, bao gồm: Quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội độc lập; quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại. Quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội phải bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực, phù hợp với nhu cầu sinh sống, làm việc của các đối tượng nhà ở xã hội", bà Hà nói.

Mặc dù nhiều quy định để sở hữu hay xây dựng nhà ở xã hội đã được nới lỏng, song việc phát triển loại hình nhà ở này lại vẫn chưa được như kỳ vọng.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, từ năm 2021 đến tháng 8/2024, cả nước đã khởi động triển khai 619 dự án nhà ở xã hội, tương đương cung cấp hơn 560.000 căn hộ cho thị trường. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện còn chậm, chỉ có 79 dự án đã hoàn thành với 40.600 căn hộ; 128 dự án đang được xây dựng và 412 dự án khác đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Cả nước đạt gần 36% chỉ tiêu đến 2025, nếu tính cả dự án đã khởi công, hoàn thành. Tuy nhiên, tại hai đô thị loại đặc biệt - nhu cầu về nhà ở cao nhất là Hà Nội, TP HCM, việc xây nhà ở xã hội còn chậm, chưa tới 40% chỉ tiêu. Cụ thể, Hà Nội phải xây 18.700 căn đến 2025, nhưng mới có 3 dự án được khởi công (1.700 căn) và 5 dự án xây dựng xong, với 5.200 căn, đạt gần 37% mục tiêu.

Đáng chú ý, một số địa phương có nhu cầu nhà ở xã hội lớn như Thái Nguyên, Ninh Bình, Nam Định… vẫn chưa có dự án nào hoàn thành, gây khó khăn cho người dân có thu nhập thấp trong việc tiếp cận nhà ở. Như vậy, tính đến cuối tháng 8, số căn nhà ở xã hội đã khởi công và hoàn thành mới đạt khoảng 35,6% mục tiêu đến năm 2025 của Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội.

Với tiến độ thực hiện như hiện tại, mục tiêu hoàn thành 130.000 căn được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 để giải quyết nhu cầu cấp thiết về nhà ở cho người dân đang trở thành một “bài toán” khó.

Để đạt được mục tiêu của Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030", Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và các địa phương tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ, quyết tâm triển khai và hoàn thành các mục tiêu của Đề án trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Vi Anh