Chống hàng giả

Chống hàng giả trên thương mại điện tử: Cần định danh người bán hàng

Gia Nguyễn 17/10/2024 03:30

Để giải quyết vi phạm trong kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ qua kênh thương mại điện tử, theo chuyên gia, cần định danh người bán hàng trên thương mại điện tử...

Theo đó, ngày 15/10/2024, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã ký công văn gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trong cả nước đề nghị kiểm tra, xử lý các đối tượng có dấu hiệu vi phạm trên môi trường thương mại điện tử.

Nội dung văn bản nêu rõ, qua rà soát, Tổng cục Quản lý thị trường phát hiện nhiều đối tượng có dấu hiệu vi phạm sử dụng website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc mạng xã hội để kinh doanh.

chong-hang-gia-tren-thuong-mai-dien-tu-24.2.1.1.jpg
Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã ký công văn gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trong cả nước đề nghị kiểm tra, xử lý các đối tượng có dấu hiệu vi phạm trên môi trường thương mại điện tử - Ảnh minh họa: ITN

Cụ thể, Tổng cục Quản lý thị trường đề nghị Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, khẩn trương tổ chức kiểm tra các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm theo danh sách 600 website đã được Tổng cục Quản lý thị trường cung cấp tới 63 Cục Quản lý thị trường địa phương; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi, vi phạm theo quy định của Luật (nếu có)…

Thực tế cho thấy, theo thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường, 9 tháng năm 2024 (từ 15/12/2023-14/9/2024), lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 54.673 vụ, phát hiện, xử lý 38.107 vụ vi phạm (giảm 6% so với cùng kỳ năm 2023), chuyển Cơ quan điều tra 138 vụ có dấu hiệu hình sự. Tổng số tiền xử lý là 715 tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 370 tỷ đồng (tăng 11%), trị giá hàng hóa tịch thu gần 169 tỷ đồng (tăng 12%), trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy trên 176 tỷ đồng (tăng 87%).

Đặc biệt, về lĩnh vực thương mại điện tử, trong 9 tháng năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 2.014 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 35,4 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 29,4 tỷ đồng.

Trong đó, vụ việc điển hình xảy ra mới đây là Tổ thương mại điện tử thuộc Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường kiểm tra kho hàng có dấu hiệu nhập lậu tại chung cư Eco Green do một hot TikToker với hơn 4 triệu lượt theo dõi thường xuyên livestream bán trên sàn thương mại điện tử TikTok, Facebook. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ hơn 10.000 chai nước hoa với các nhãn hiệu True Love, First Love, Mon Paris, Maiden, Karri… không rõ nguồn gốc xuất xứ.

chong-hang-gia-tren-thuong-mai-dien-tu-24.2.1.2.jpg
Để giải quyết vấn đề hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên thương mại điện tử, theo chuyên gia, cần định danh người bán hàng trên thương mại điện tử để nhận diện các đối tượng vi phạm - Ảnh minh họa

Nhìn nhận về thực tế đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, hiện nay có những nền tảng xã hội chưa bắt buộc phải định danh và cho đăng ký bằng các tài khoản gmail, hay trên cơ sở số điện thoại của cá nhân người sử dụng,… dẫn tới hiện tượng sử dụng tài khoản ảo và số điện thoại ảo thậm chí là tài khoản ngân hàng ảo… khiến việc điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng là cũng có gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, phải có sự định danh người bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử, đặc biệt định danh ở đây không chỉ phải định danh một cách đơn thuần, định danh điện tử, mà phải định danh về mặt địa lý thực tế sản xuất hàng hoá, định danh được số lượng hàng…

Theo ông Phan Minh Nhựt - Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cần định danh người bán hàng trên thương mại điện tử để nhận diện các đối tượng vi phạm.

“Về định danh người bán hàng, Việt Nam có lợi thế là đã bắt đầu có định danh cá nhân và việc tích hợp vào VNID sẽ giúp cho cơ quan Nhà nước quản lý được toàn bộ thông tin đó. Ví dụ như, một người khi có định danh, họ mở một tài khoản, một sàn thương mại điện tử và nếu như họ có hành vi buôn bán hàng giả trên mạng thì khi đó họ bị xử phạt, định danh của họ sẽ bị khoá và đồng thời các sàn khác họ cũng khoá định danh đó, điều đó có nghĩa là họ không thể nào trốn được hành vi vi phạm, đó là cái cơ bản nhất”, ông Nhựt bày tỏ.

Đồng quan điểm, liên quan đến vấn đề đã nêu, không ít ý kiến cũng cho rằng, hiện nay, tại một số quốc gia đã áp dụng việc định danh người bán qua thương mại điện tử khá thành công, nhất là khi có sự phối hợp giữa chủ thể quyền, các cơ quan thực thi, các sàn thương mại điện tử, để đánh giá quy mô, nguồn hàng, kho hàng, địa điểm sản xuất hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ để tập trung xử lý, ngăn chặn.

Vì vậy, theo các chuyên gia, để thực hiện quản lý hiệu quả với công tác này, cần có sự phối hợp của các lực lượng chức năng, doanh nghiệp và cả người dân.

Đáng nói, về giải pháp chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ căn cơ lâu dài, nhiều chuyên gia cho rằng, cần xem xét bổ sung chế tài xử lý vi phạm đủ sức răn đe đối với các hành vi, lưu chứa, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; xây dựng trung tâm giám định, kiểm nghiệm vùng để đảm bảo việc điều tra, kiểm tra xử lý được kịp thời.

Đồng thời, có nhiều hình thức tuyên truyền về cách thức nhận biết hàng giả, hàng bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, khuyến khích nhân dân tố cáo, tố giác tội phạm, đồng hành với cơ quan quản lý trong công tác chống hàng giả.

Gia Nguyễn