”Chìa khóa” cạnh tranh, phát triển bền vững của doanh nghiệp F&B
Xây dựng lộ trình phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội giúp nâng cao giá trị doanh nghiệp F&B, mở rộng thương hiệu, tạo ra tác động thực sự và lâu dài.
Ngành F&B (Food and Beverage) - công nghiệp thực phẩm và đồ uống có mối liên hệ, tác động tới 24 ngành nghề liên quan, theo Oxford Economics. Trong đó, có lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, du lịch... sử dụng nhiều nhân viên, người lao động với các hoạt động tương tác trực tiếp đến khách hàng.
Theo thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), doanh thu toàn cầu của ngành F&B vào năm 2022 đạt khoảng 2,7 nghìn tỷ đô la Mỹ (Auboin M. và Borino F, WTO). Đây là con số ấn tượng cho thấy sự quan trọng và phát triển của ngành F&B trong nền kinh tế thế giới.
Đến cuối năm 2023, thống kê của Global Index cho biết giao thương trong lĩnh vực F&B trên toàn cầu phát triển mạnh mẽ và chiếm 9% tổng giá trị giao dịch toàn cầu. Giao thương F&B theo đó, có thể nói, trực tiếp kéo theo và thúc đẩy giao thương, đóng góp tăng trưởng ở nhiều lĩnh vực.
Trong bức tranh chung của F&B, Việt Nam được đánh giá là một thị trường quan trọng. Báo cáo của Euromonitor cho biết, giá trị thị trường ngành F&B Việt Nam trong năm 2023 tăng 18% so với năm 2022, đạt mốc doanh thu khoảng 720.300 tỷ đồng, đã đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường F&B hấp dẫn nhất trên toàn cầu.
Ông Olivier Fages - Giám đốc điều hành Pernod Ricard Việt Nam và Campuchia - chia sẻ, trong 28 năm gắn bó với Tập đoàn toàn cầu, từ 2023- nay, ông vừa mới có năm đầu tiên sống và làm việc tại Việt Nam. Ông nhận thấy các thị trường thì sẽ có điểm khác biệt, nhưng trong đó nổi bật 2 yếu tố khác biệt là khách hàng và kênh phân phối. Và sự khác biệt lớn nhất là nếu doanh nghiệp kinh doanh ngành mà chưa có sẵn kênh phân phối, thì sẽ rất mất thời gian để khai phá.
Tại Việt Nam, Pernod Ricard được biết là doanh nghiệp có thị phần lớn nhất trong mảng cung cấp đồ uống có cồn. “Với 13 năm phát triển tại thị trường Việt Nam, phương châm của chúng tôi là “Khởi tạo niềm vui”, “Kinh doanh gắn chặt với giá trị tốt đẹp”. Trong những năm gần đây, khi các vấn đề về môi trường và xã hội được chú ý hơn trên toàn cầu, các doanh nghiệp cũng càng chú trọng và có trách nhiệm hơn với tác động của mình lên những vấn đề này. Chúng tôi thực hiện trách nhiệm này một cách chỉn chu và nghiêm túc, song hành cùng sự phát triển của công ty, thông qua Lộ trình Phát triển bền vững và Trách nhiệm xã hội (S&R)”, ông Olivier Fages cho biết.
Cụ thể, Giám đốc điều hành của Cty này chia sẻ Lộ trình S&R của Công ty, mở rộng cam kết này hơn nữa thông qua việc xoay quanh bốn trụ cột cốt lõi: Nuôi dưỡng thổ cư – bảo tồn và tái tạo tài nguyên thiên nhiên, Trân trọng con người, Sản xuất tuần hoàn và Tiếp đón có trách nhiệm.
Đáng chú ý trong đó, Giám đốc Pernod Ricard Việt Nam và Campuchia cho biết, trọng tâm của lộ trình là con người - nhân lực. Trước hết, đó là đầu tư phát triển đội ngũ nhân sự bởi họ là tài sản lớn nhất của công ty. Pernod Ricard đầu tư vào sự phát triển nghề nghiệp và phúc lợi của nhân viên thông qua các chương trình đào tạo toàn diện, không chỉ nâng cao kỹ năng mà còn truyền cảm hứng về trách nhiệm thực hành bền vững.
Cùng với đó, mở rộng phạm vi hỗ trợ của mình cho cộng đồng. Thông qua các sáng kiến như The Bar World of Tomorrow, công ty đã đào tạo hơn 250 nhân viên pha chế trẻ trên khắp Việt Nam, trang bị cho họ các kỹ năng và kiến thức cần thiết để phát triển trong ngành công nghiệp vốn ngày càng cạnh tranh. Chương trình này nhấn mạnh vào các hoạt động pha chế có trách nhiệm, đảm bảo rằng các nhà lãnh đạo tương lai của ngành được chuẩn bị tốt để tích hợp tính bền vững vào công việc của họ.
“Ngành F&B Việt Nam đang thay đổi tích cực và thay đổi rất nhanh. Bên cạnh mô hình F&B truyền thống, đã có các mô hình F&B có hơi hướng quốc tế, mang đến nhiều cảm nhận hơn cho khách hàng. Điều đó có nghĩa lực lượng lao động trong ngành cũng phải cập nhật kĩ năng, xu hướng để mang lại cho khách hàng cảm nhận quốc tế hóa thực sự.
Chỉ mới 1 năm ở Việt Nam nhưng tôi nhận thấy sự thích ứng của những người làm ngành F&B. Họ rất nhạy và sẵn sàng đáp ứng xu hướng thay đổi mới. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi thực hiện trách nhiệm xã hội bền vững, triển khai đào tạo, hỗ trợ nhân lực, giúp nhiều lao động áp dụng start up, việc làm, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường và trụ vững trong bối cảnh cạnh tranh chung”, ông Olivier Fages chia sẻ.
Đối với các lĩnh vực, ngành có liên quan, đơn cử như du lịch, ông Olivier Fages cho rằng dư địa phát triển từ thị trường F&B Việt Nam là rất tiềm năng. Tương tự, Việt Nam cũng là điểm đến có thể thúc đẩy du lịch rất tốt so với nhiều thị trường cùng khu vực. Tuy nhiên lưu ý rằng theo một báo cáo mới đây, giá cả sản phẩm đang được xem là một trong những yếu tố để du khách xem xét, cân nhắc chọn điểm đến.
Báo cáo được đề cập, của Oxford Economics cho biết, trung bình du khách đến Đông Nam Á sẵn sàng chi trả thêm 250 USD/người/ngày để đến những điểm du lịch cung cấp trải nghiệm ẩm thực cao cấp. 75% nhóm khách có mức thu nhập cao đặc biệt quan tâm đến trải nghiệm ẩm thực. Du khách cũng có xu hướng lựa chọn điểm đến cung cấp "trải nghiệm ẩm thực cao cấp" cao gấp 2,5 lần so với điểm đến chỉ có các dịch vụ thông thường.
Ông Liam Cordingley - chuyên gia của Oxford Economics nhấn mạnh: Trải nghiệm ẩm thực cao cấp bao gồm sản phẩm ẩm thực chất lượng cao, thực đơn phong phú với nhiều món ngon độc đáo do các đầu bếp nổi tiếng chế biến, các lựa chọn đồ uống đa dạng từ bình dân đến cao cấp. Các dịch vụ này cần được cá nhân hóa và chuyên nghiệp... Sự tương xứng giữa trải nghiệm và chi phí cũng rất quan trọng đối với du khách có thu nhập cao.
Từ phía doanh nghiệp cung cấp đồ uống, ông Olivier Fages khẳng định, thông qua áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, như với ngành đồ uống là thực hiện tái chế thủy tinh, giảm sử dụng hộp giấy... , công ty được lợi khi tiết giảm chi phí và khách hàng ngành hàng cũng được lợi từ giảm giá sản phẩm, rộng hơn là các tác động tới môi trường được giảm thiểu. Các ngành, lĩnh vực liên quan có điều kiện để gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.
“Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng của Việt Nam dẫn đến những thách thức về môi trường ngày càng tăng. Các sáng kiến của chúng tôi trong sản xuất tuần hoàn và nuôi dưỡng nguồn đất giải quyết trực tiếp những thách thức này, chứng minh rằng hoạt động kinh doanh bền vững có thể góp phần bảo tồn môi trường và tăng trưởng kinh tế”, Giám đốc điều hành Pernod Ricard Việt Nam và Campuchia chia sẻ.
Theo kết quả khảo sát Doanh nghiệp F&B của Vietnam Report, 66,7% số doanh nghiệp F&B tham gia khảo sát cho rằng việc thực thi và đáp ứng tiêu chí đánh giá tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Kết quả khảo sát cũng chỉ ra khoảng 71,2% số doanh nghiệp cho rằng việc triển khai chiến lược phát triển bền vững có thể nâng cao giá trị thương hiệu của mình.