VCCI

Thúc đẩy hơn nữa quan hệ doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc

Quân Bảo 17/10/2024 11:12

“Doanh nghiệp 2 nước không thể thiếu được nhau và cần phải cộng tác chặt chẽ hơn nữa”, ông Trần Ngọc Liêm, giám đốc VCCI HCM đánh giá.

Phát biểu tại “Hội nghị giao ban hiệp hội, gặp gỡ, giao lưu hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc” chủ đề “Tăng cường hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp phát triển đầu tư, kinh doanh tại thị trường Trung Quốc – Việt Nam” ngày 16/10/2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Ngọc Liêm, giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Hồ Chí Minh (VCCI HCM) nhận định Việt Nam và Trung Quốc có rất nhiều cơ hội để phát triển thương mại song phương.

img_1846.jpg
Ông Trần Ngọc Liêm: "Mối quan hệ doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc chưa tương xứng với quan hệ 2 nước nói chung"

Theo ông Liêm, cộng đồng doanh nghiệp 2 nước có một nền tảng quan hệ hữu nghị rất gắn bó. Đối với doanh nghiệp Việt Nam thì Trung Quốc là một thị trường rất gần về mặt địa lý, tiết giảm được chi phí về tiếp vận. Đó cũng là một thị trường rất quan trọng đối với doanh nghiệp Việt Nam. Nếu xuất khẩu là một mũi nhọn của nền kinh tế Việt Nam thì nền tảng cho xuất khẩu chính là nguồn nguyên liệu. Trung Quốc chính là nơi cung cấp 33%, rồi mới tăng lên 36% nguyên liệu, máy móc sử dụng trong sản xuất của Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng là thị trường trọng điểm cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đang đặt chính sách tập trung vào các mũi nhọn sản xuất công nghệ cao. Thành thử các ngành công nghiệp nhẹ có xu hướng chuyển dịch sang các quốc gia khác. Việt Nam là một nước ngay bên cạnh, có quan hệ hữu nghị nên Việt Nam cũng là một thị trường rất tiềm năng cho đầu tư của Trung Quốc.

Tuy vậy, ông Liêm đánh giá mối quan hệ doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc chưa tương xứng với quan hệ 2 nước nói chung. Vai trò của doanh nghiệp Trung Quốc tại thị trường Việt Nam còn mờ nhạt. Số doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động tại Việt Nam là khoảng 10 ngàn, vẫn còn khiêm tốn so với quy mô, tầm ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc trên thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, Trung Quốc là một quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ cao, từ vũ trụ cho tới trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, sự hiện diện của những doanh nghiệp như vậy ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế.

Theo ông Liêm, hoạt động của doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam vẫn còn mang tính tự phát, thời vụ cao nên ít tính bền vững. Cùng với đó là vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp 2 bên vẫn còn thấp. Tiếng nói của doanh nghiệp trong việc xây dựng cơ chế cụ thể trong thương mại, đầu tư giữa 2 nước còn rất hạn chế. Còn rất nhiều hàng hóa chưa có quy định cụ thể để các doanh nghiệp có thể yên tâm xuất khẩu hàng với nhau cũng như đầu tư vào thị trường của nhau. Trong câu chuyện này, vai trò của các hiệp hội rất quan trọng.

Từ những thực trạng đó, VCCI HCM đã đề xuất một số giải pháp. Trước hết là tăng cường vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc trong việc hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp. Ông Liêm nêu đề xuất 2 bên sẽ tổ chức các buổi gặp gỡ hằng năm để hiệp hội doanh nghiệp 2 nước nói lên các nhu cầu, nguyện vọng của mình đối với thị trường bên kia.

Khi hai bên đã có sự liên hệ như vậy thì sẽ cần một đơn vị phụ trách kết nối. VCCI HCM đề xuất thành lập một ban thư ký làm đầu mối liên hệ, khảo sát nhu cầu doanh nghiệp, gặp gỡ giao lưu định kỳ và tham mưu ban lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp các chương trình, kế hoạch hợp tác. Ông Liêm đề xuất buổi gặp gỡ hằng năm sẽ diễn ra vào tháng 9 hoặc tháng 10, là 2 tháng có quốc khánh của 2 nước.

Tiếp theo, VCCI đề xuất thành lập Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc – ASEAN cùng trung tâm kinh tế phía Nam của Việt Nam. Hội đồng này sẽ góp ý, xây chính sách quan hệ kinh tế Việt Nam – Trung Quốc, Trung Quốc ASEAN, xúc tiến hỗ trợ theo từng ngành hàng, lĩnh vực cụ thể giữa các bên.

“Chúng ta sẽ chung tay để việc kinh doanh của doanh nghiệp hai bên có được một sự phát triển đột phá đúng tầm với quy mô kinh tế của Trung Quốc cũng như quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và Việt Nam”, ông Liêm nói.

Quân Bảo