Kinh tế

TÁI ĐỊNH HÌNH CHUỖI NĂNG LƯỢNG: Đảm bảo tự chủ về công nghệ

Gia Nguyễn 17/10/2024 11:12

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Sĩ Đăng - Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Thông tin tại Diễn đàn: “Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu: Nhận diện xu hướng, thách thức và giải pháp cho Việt Nam” do VCCI chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức sáng 17/10, ông Nguyễn Sĩ Đăng cho biết, trong chuyển dịch chuỗi năng lượng toàn cầu, Việt Nam không nằm ngoài chuỗi cung ứng về năng lượng.

ongdang.jpg
Ông Nguyễn Sĩ Đăng - Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ tại Diễn đàn.

Theo ông Đăng, việc chuyển dịch sang năng lượng tái tạo không chỉ đem đến cơ hội tốt cho Việt Nam bởi những tiềm năng đang có, mà còn có thể biến Việt Nam trở thành trung tâm về chuyển đổi năng lượng ít nhất là khu vực Đông Nam Á. Và một trong những yêu cầu để Việt Nam có thể đạt được những mục tiêu này là phải đảm bảo tự chủ công nghệ. Sự tự chủ về năng lượng không chỉ là vấn đề kinh tế mà vấn đề an ninh năng lượng.

toancanh5.jpg
Diễn đàn thu hút sự quan tâm đông đảo của các diễn giả, các doanh nghiệp

Cũng theo ông Đăng, trong quá trình chuyển đổi cần dựa vào những ưu thế Việt Nam đang có. Các nguồn điện đã làm chủ về công nghệ cần duy trì, không nên thay đổi một cách quá chóng vánh. Bởi, trong Quy hoạch điện VIII vẫn nói đến vai trò của thủy điện, chưa kể, trong những năm qua, Việt Nam đã làm chủ được công nghệ của nguồn năng lượng này và tạo ra được nguồn cung dồi dào, điển hình là thủy điện Sơn La, vì vậy, không nên từ bỏ nguồn năng lượng này mà cần có lộ trình chuyển đổi phù hợp.

Ông Đăng cũng lưu ý, đông lực chuyển đổi năng lượng xuất phát từ tiềm năng và tạo ra các cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tuy nhiên, chuỗi cung ứng này gồm 4 khâu: sản xuất, truyền tải, phân phối, tiêu thụ. Trong đó, các doanh nghiệp nên tập trung vào các khâu tiềm năng, tạo ra lợi nhuận nhất như sản xuất, phân phối, còn lại những khâu như truyền tải, tiêu thụ nên là các doanh nghiệp Nhà nước…

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên tìm kiếm cơ hội từ chuyển dịch năng lượng để làm chủ công nghệ tiên tiến thông qua việc chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài…

“Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ cũng không nằm ngoài vòng phát triển, hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ đang triển khai các chương trình quốc gia liên quan đến năng lượng, nghiên cứu và triển khai các chương trình công nghệ để phát triển các nguồn năng lượng,… vì vậy, rất mong sự đồng hành của các doanh nghiệp cùng tham gia vào những chương trình này nhằm góp phần đưa Việt Nam sớm làm chủ công nghệ…”, ông Nguyễn Sĩ Đăng chia sẻ.

Gia Nguyễn