Kinh tế địa phương

Cao Bằng thu hút đầu tư từ lợi thế cạnh tranh

Thùy Linh 19/10/2024 8:27

Cao Bằng phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh đặc thù, riêng biệt của tỉnh; đẩy mạnh CCHC, cải thiện thứ hạng Chỉ số PCI…

luu cong huu 3

Chia sẻ với DĐDN, ông Lưu Công Hữu - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cao Bằng cho biết, Cao Bằng sẽ phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh đặc thù, riêng biệt của tỉnh; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện thứ hạng Chỉ số PCI… tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

- Theo ông, đâu là lợi thế của tỉnh Cao Bằng trong thu hút đầu tư?

Cao Bằng có vị trí chiến lược trọng yếu, là phên dậu biên cương phía Bắc, nơi khởi nguồn của cách mạng Việt Nam. Với ưu thế đường biên giới dài trên 333km, giáp Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, tỉnh có mạng lưới các cửa khẩu quan trọng và nhiều lối mở, đường mòn qua lại biên giới hai nước.

Thêm vào đó, tỉnh còn có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, nhiều mỏ có trữ lượng lớn như sắt, chì, kẽm, vật liệu xây dựng, và nổi tiếng với các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu như lê, thạch đen, hạt dẻ, gạo nếp, quýt, trà…

Cao Bằng được thiên nhiên ưu đãi với nhiều nét đẹp hoang sơ, với điều kiện tự nhiên đặc thù của vùng miền núi phía Bắc. Cao Bằng có nhiều tiểu vùng sinh thái, nhiều danh lam thắng cảnh kỳ vĩ không chỉ mang giá trị đa dạng sinh học, di sản, địa chất, địa mạo độc đáo mà còn có nhiều di tích lịch sử khảo cổ học nổi tiếng như thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Thang Hen, Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, Vườn quốc gia Phia Oắc-Phia Đén…

Bên cạnh đó, Cao Bằng còn có nền văn hóa đa dạng, đặc sắc với 27 dân tộc anh em, chiếm khoảng 95% dân số toàn tỉnh, với những phong tục, tập quán, nét sinh hoạt văn hóa độc đáo, phong phú, ẩm thực đa dạng, tạo nên sự giao thoa, hình thành văn hóa dân tộc bản địa, trở thành nét đặc trưng của vùng đất Cao Bằng.

Những điều kiện thuận lợi trên giúp tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong việc thu hút đầu tư, triển khai những trọng tâm đột phá, đưa kinh tế -xã hội Cao Bằng phát triển bền vững.

Lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng ký Bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM)
Lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng ký Bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM)

- Ông có thể chia sẻ đôi nét về kết quả thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Thời gian qua, các cấp, các ngành tỉnh Cao Bằng đã đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ tối đa, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và tổ chức đến khảo sát các lĩnh vực mà tỉnh đang tập trung kêu gọi đầu tư, qua đó thu hút được nhiều nguồn lực để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nâng cao năng lực phối hợp, triển khai các cam kết đã ký trên cơ sở phát triển bền vững, giúp Cao Bằng trở thành điểm đến, kết nối và phát triển.

Để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn, tỉnh cũng đã ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư đặc thù như hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, miễn giảm tiền thuê đất, sử dụng đất…, thành lập các và duy trì các tổ công tác tiếp nhận và hỗ trợ triển khai các dự án đầu tư.

Năm 2023 và 8 tháng đầu năm 2024, các cấp, các ngành của tỉnh đã tập trung triển khai quyết liệt, thực hiện nhất quán chủ trương của tỉnh là “Chính quyền đồng hành, gắn bó, chia sẻ” cùng cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã. Các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn hoạt động tương đối ổn định, có dấu hiệu phục hồi tích cực.

Năm 2023, toàn tỉnh có 129 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng số vốn đăng ký 1.320 tỷ đồng; có 66 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, đóng góp ngân sách của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2023 là 677,510 tỷ đồng, chiếm 51,12% tổng thu nội địa trên địa bàn tỉnh.

Trong 8 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh thành lập mới 91 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 623 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2.070 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 24.893 tỷ đồng, trong đó đang hoạt động là 1.325 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 18.051 tỷ đồng..

- Cao Bằng sẽ ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực nào trong thời gian tới, thưa ông?

UBND tỉnh Cao Bằng đã có Quyết định số 1452/QĐ-UBND ban hành danh mục dự án kêu gọi, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2022-2025, với 102 dự án trong các lĩnh vực phát triển đô thị, giao thông, kinh tế cửa khẩu, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ… Tỉnh tập trung vào phát triển bền vững trong các lĩnh vực ưu tiên, bao gồm phát triển du lịch bền vững, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển kinh tế cửa khẩu…nhằm đưa Cao Bằng phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Trong thời gian tới, Cao Bằng sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, theo hướng công khai minh bạch; rà soát sửa đổi cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp đến với Cao Bằng đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.

- Trân trọng cảm ơn ông.

Thùy Linh