Kinh tế

TÁI ĐỊNH HÌNH CHUỖI NĂNG LƯỢNG: Xu hướng chính và những thách thức trong chuyển dịch năng lượng

Bài: Hạnh Lê, Ảnh: Tuấn Ngọc 17/10/2024 09:45

EVN đang tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng, đường dây truyền tải, phân phối góp phần đảm bảo cung ứng điện cho nền kinh tế, phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng.

Tại diễn đàn “Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu: Nhận diện xu hướng, thách thức và giải pháp cho Việt Nam”, ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thông tin chung về hoạt động đầu tư hạ tầng, những thách thức trong phát triển năng lượng tái tạo góp phần chuyển dịch năng lượng.

onglamevn(1).jpg
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Theo ông Võ Quang Lâm, từ năm 2015 đến nay, hệ thống điện tăng trưởng 2,1 lần, đưa Việt Nam đứng vị trí số 1 ở Đông Nam Á và vị trí thứ 22 trên thế giới về công suất lắp đặt. Về truyền tải, lưới điện 500kV và 220kV hiện Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á; còn lưới điện 110 kV hiện đứng thứ 2 khu vực.

Trong công suất lắp đặt hiện nay là 80.500 MW có sự đóng góp lớn của năng lượng tái tạo. Từ năm 2017 đến nay với chính sách khuyến khích của Đảng, Chính phủ, năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã phát triển nhanh. Hiện, điện gió và mặt trời chiếm 27% công suất lắp đặt, đây là tỷ trọng cao trên thế giới.

Trong đó, EVN và các doanh nghiệp tập đoàn năng lượng khác như PVN, TKV chiếm khoảng 48% công suất lắp đặt, 52% còn lại là các nhà máy BOT, nhà máy điện độc lập (bao gồm cả điện gió, điện mặt trời…).

Về tình hình cung ứng, qua giai đoạn ảnh hưởng COVID - 19, từ năm 2023 đến nay, tăng trưởng điện tại Việt Nam đã hồi phục. Đến hết tháng 9 năm nay, tăng trưởng điện đạt 11,21%, cao hơn mức tăng trưởng hơn 10% được duy trì trong giai đoạn 2011 - 2019 và cao hơn mức tăng trưởng được đề ra tại 2 kịch bản trong Kế hoạch vận hành hệ thống điện và thị trường điện do Bộ Công Thương ban hành vào tháng 11 năm 2023.

Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết thêm, chuyển dịch năng lượng đang diễn ra trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. 3 xu hướng chính trong quá trình này là phi tập trung hoá, phi carbon hoá và số hoá. Việc áp dụng công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 góp phần nâng cao độ khả dụng, độ tin cậy và nâng cao chỉ tiêu kỹ thuật của hệ thống điện, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ điện tốt hơn...

chutoa.jpg
Diễn đàn “Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu: Nhận diện xu hướng, thách thức và giải pháp cho Việt Nam” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 17/10 tại Hà Nội

Tại Việt Nam, chuyển dịch năng lượng thực hiện theo các Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Quy hoạch điện VIII. Cụ thể là Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 262/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ.

Nhận định chuyển dịch năng lượng là thách thức không chỉ của Việt Nam, ông Võ Quang Lâm cũng chỉ ra một số thách thức và các giải pháp tập đoàn đã thực hiện.

Thứ nhất, việc đầu tư đường dây truyền tải, phân phối để giải toả công suất là áp lực lớn cho EVN, nhất là trong bối cảnh năng lượng tái tạo phát triển nhanh những năm qua.

Theo ông Võ Quang Lâm, ngày 29/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã khánh thành đường trục mạch 3 - mảnh ghép cuối cùng của hệ thống truyền dẫn 500kV toàn quốc, góp phần đảm bảo điện áp, tần số ở khu vực phía Bắc và đảm bảo cung ứng điện. Trong Quy hoạch điện VIII, từ nay đến năm 2030 sẽ nghiên cứu chuyển dịch thay cho việc vận hành điện xoay chiều sang điện một chiều theo xu thế chung của các nước trên thế giới với điện áp hiệu quả hơn, cao hơn.

Thứ hai, thách thức trong phát triển năng lượng tái tạo. Hiện nay điện gió và mặt trời cung cấp cho nền kinh tế khoảng 35 tỷ kWh, chiếm 12% trong tổng nhu cầu sử dụng điện cả nước.

Tuy nhiên, năng lượng tái tạo phụ thuộc vào thời tiết như điện mặt trời theo giờ trong ngày; điện gió lại theo mùa. Qua theo dõi của Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia, có những ngày chỉ huy động được 1% công suất lắp đặt do không có gió. Đây là thách thức khi năng lượng tái tạo phát triển nhanh mà không có hệ thống lưu trữ điện hợp lý.

toancanh5(1).jpg
Diễn đàn thu hút sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia, các doanh nghiệp, tập đoàn trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang trở thành xu thế toàn cầu

Theo sự phân công của Chính phủ, hiện nay EVN đang xây dựng các nhà máy thuỷ điện mở rộng trên cơ sở nhà máy điện hiện hữu như Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình được xây dựng thêm 2 tổ nâng tổng số tổ máy tại nhà máy lên con số 10, dự kiến 2 tổ máy xây dựng thêm sẽ được khánh thành vào quý 4 năm sau. Sớm nhất là nhà máy thuỷ điện Yaly mở rộng được khánh thành vào tháng 11 năm nay.

Các tổ máy mở rộng góp phần đảm bảo công suất cho hệ thống điện, nhất là ở những thời điểm không thuận lợi cho năng lượng tái tạo từ điện mặt trời và điện gió. Bên cạnh đó, EVN đang triển khai xây dựng Nhà máy thuỷ điện tích năng Bác Ái với công suất 1200MW thực hiện nhiệm vụ lưu trữ điện.

Với các bộ lưu trữ công nghệ mới như các nước đã thực hiện, EVN đề nghị trong Quy hoạch điện VIII được lắp đặt luôn 300MW tại những khu vực sẵn sàng cho điều áp, điều tần khi cần thiết.

Tại diễn đàn, đại diện lãnh đạo EVN đề nghị, với doanh nghiệp vừa là khách hàng vừa là đối tác của EVN có kế hoạch sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, thông minh, phù hợp giúp giảm công suất đầu tư cho hệ thống điện, quan trọng hơn góp phần giảm giá thành sản xuất, nâng cao chỉ số năng lượng tái tạo và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Ngoài ra, xu hướng sử dụng xe điện dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới nhưng hiện chúng ta chưa chuẩn hoá các trạm sạc. EVN đề nghị các cơ quan chức năng sớm ban hành các quy chuẩn này để không chỉ thuận tiện cho người dân mà các nhà đầu tư có kế hoạch bố trí, sắp xếp thời gian sạc, tránh tình trạng quá tải.

Bài: Hạnh Lê, Ảnh: Tuấn Ngọc