Nghiên cứu - Trao đổi

Quy định sàn TMĐT kê khai, nộp thuế thay người bán - Không hợp lý

Gia Nguyễn 18/10/2024 04:30

Theo chuyên gia, quy định các sàn thương mại điện tử phải khai thuế và nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là không hợp lý, cần phải được loại bỏ hoặc sửa đổi…

Tại Dự thảo Luật sửa đổi Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia (Một luật sửa 7 luật). Điều 6 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế sửa đổi khoản 4 Điều 42 quy định:

“Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc uỷ quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc các nền tảng số thì tổ chức là nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến (bao gồm cả tổ chức trong nước và nước ngoài) hoặc các tổ chức khác có trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số không thuộc đối tượng được khai thay, nộp thay thì có nghĩa vụ trực tiếp đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về các đối tượng, hồ sơ, thủ tục khai thuế, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số”.

san-thuong-mai-ke-khai-nop-thue-thay-nguoi-ban-24.2.1.1.jpg
Điều 6 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế sửa đổi khoản 4 Điều 42 quy định, sàn TMĐT kê khai, nộp thuế thay người bán - Ảnh minh họa: ITN

Theo đó, các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) phải khai thuế và nộp thuế thay cho các hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh (người bán) trên sàn TMĐT.

Nhìn nhận về quy định đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, quy định như Dự thảo đề xuất là không hợp lý, cần phải được loại bỏ hoặc sửa đổi.

Góp ý nội dung này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho hay, đối với quy định khai thuế thay, quy định như Dự thảo là trái các nguyên tắc cơ bản của pháp luật về thuế, không phù hợp thực tế và trái với thông lệ quốc tế.

Bởi, nghĩa vụ khai thuế, nộp thuế của từng chủ thể là vấn đề cơ bản, cốt lõi, đối với từng sắc thuế cần phải được quy định ở các luật thuế chuyên ngành tương ứng, không thể được tùy tiện quy định về việc kê khai, nộp thuế thay mọi loại thuế cho một chủ thể khác như quy định tại Dự thảo Luật;

san-thuong-mai-ke-khai-nop-thue-thay-nguoi-ban-24.2.1.2.jpg
Tuy nhiên, theo chuyên gia, quy định như cơ quan soạn thảo đề xuất là không hợp lý - Ảnh minh họa: ITN

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 17 Luật Quản lý thuế quy định Trách nhiệm của người nộp thuế là khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế…

Tương tự, đối với quy định nộp thuế thay, Luật sư Nguyễn Thanh Hà cũng cho hay, pháp luật thuế của Việt Nam tương đối phức tạp, với nhiều mức thuế suất khác nhau áp dụng cho các nhóm sản phẩm và dịch vụ khác nhau. Việc xác định mức thuế suất của từng mặt hàng phải dựa vào việc kê khai của chủ thể kinh doanh là đối tượng nộp thuế (người bán), còn sàn TMĐT không thể tự động xác định và áp dụng.

Bởi hiện tại, có 3 mức thuế suất khác nhau: Nhóm 1 - Đối với hàng hóa chịu thuế GTGT (GTGT 1%, TNCN 0.5%): 1.5%; Nhóm 2 - Đối với hàng hóa không chịu thuế GTGT (TNCN 0.5%): 0.5% (ví dụ nông sản, sách chính trị, giáo khoa, muối, phần mềm, hạt giống cây trồng...); Nhóm 3 - Dịch vụ khác không bao thầu nguyên vật liệu (GTGT 5%, TNCN 2%): 7% (ví dụ dịch vụ ăn uống, dịch vụ thú y, lao động giúp việc,…)

Đa phần người bán trên Sàn sẽ thuộc mức thuế suất nhóm 1, tuy nhiên, vẫn có các trường hợp người bán bán mặt hàng thuộc nhóm 2 và 3.

“Chưa kể, cùng một chiếc ví bán trên sàn TMĐT, nếu người bán tự sản xuất và bán hàng thì áp dụng mức thuế suất GTGT là 3%, thuế TNCN là 1,5%; tuy nhiên, nếu người bán chỉ là bên phân phối thì áp dụng mức thuế suất GTGT là 1%, thuế TNCN là 0,5%. Luật Thuế GTGT chưa cho phép áp dụng cơ chế khấu trừ, quyết toán, hoàn thuế GTGT đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Như vậy, quy định như trong Dự thảo Luật là không khả thi, đặc biệt sẽ dẫn đến thiệt thòi cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong trường hợp nộp thừa thuế…”, vị chuyên gia này bày tỏ.

Đồng quan điểm, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp lý, Viện Nhà nước và Pháp luật cũng cho hay, quy định các sàn giao dịch TMĐT phải khai thuế và nộp thuế thay cho người bán, kinh nghiệm quốc tế cho thấy có 2 điều kiện tiên quyết phải được xét đến đầu tiên để đảm bảo tính hợp lý và khả thi gồm: xác định rõ ràng sắc thuế, mức thuế và đối tượng nộp thuế khả thi đối với việc các sàn có thể khấu trừ và nộp hộ; xây dựng một hệ thống thuế đơn giản, quản lý tập trung, cùng với phần mềm tự động hóa các nghiệp vụ thuế.

Trong khi đó, nhìn lại hệ thống pháp luật về thuế của Việt Nam, có thể thấy rằng, việc tính toán mức thuế áp dụng và nghiệp vụ kê khai thuế tương đối phức tạp: Thuế thu nhập thường dựa trên lợi nhuận, tức là thu nhập sau khi trừ đi các chi phí hợp lệ. Việc xác định thu nhập chịu thuế phụ thuộc vào việc người bán tự kê khai các khoản chi phí này, điều mà các sàn TMĐT không có khả năng thực hiện thay.

Bên cạnh đó, việc kê khai thay và nộp thuế thay có thể tạo nhiều rủi ro cho bên thứ ba là sàn TMĐT, bởi, việc yêu cầu các sàn TMĐT thực hiện nghĩa vụ khai và nộp thuế thay cho người bán là nghiệp vụ chuyên sâu về thuế, không nằm trong lĩnh vực chuyên môn của các sàn. Điều này tất yếu dẫn đến sai sót, và những sai sót này có thể ảnh hưởng đến tất cả các bên liên quan, từ người bán cho đến cơ quan thuế, và có thể gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng…

“Để có thể đảm bảo tính hợp lý và khả thi của Dự thảo thì nhất thiết phải có sự chuẩn bị sẵn sàng trước khi ban hành quy định. Điều này bao gồm việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế để đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản cũng như tính khả thi cho việc tuân thủ… tránh tạo thêm gánh nặng không cần thiết cho các bên liên quan”, vị này góp ý.

Được biết, liên quan đến vấn đề này, trước đó, ngày 24/09/2024, Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) đã gửi Công văn số 634/VECOM-VP tới Uỷ ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội nêu một số kiến nghị quan trọng có tác động lớn tới hoạt động của ngành.

Gia Nguyễn