Thách thức mới với các siêu đô thị ở Đông Nam Á
Theo nhiều chuyên gia, các chính phủ trong khu vực Đông Nam Á nên xem xét lại cơ sở hạ tầng đô thị để xây dựng các thành phố bền vững.
Đông Nam Á đang đứng trước ngưỡng cửa của kỷ nguyên siêu đô thị. Đến năm 2050, hơn 65% dân số trong khu vực dự kiến sẽ sống ở các khu vực thành thị, do sự tăng trưởng nhanh chóng và sự tập trung của các cơ hội đa dạng trong không gian nhỏ.
Các thành phố lớn là động lực chính của nền kinh tế khu vực, nhưng nhiều thành phố đã vượt quá khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng. Khi các thành phố tiếp tục mở rộng, chính quyền các quốc gia cần đảm bảo sự phát triển bền vững và tập trung vào con người.
Trong quá trình xây dựng các thành phố mới, các nước cần phải cải tạo cơ sở hạ tầng hiện có để đáp ứng nhu cầu trong tương lai, ưu tiên "lấy con người làm trọng tâm" trong các dự án phát triển mới, tận dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng và công nghệ mới nổi.
Giống như các thành phố khác trên thế giới, nhiều thành phố ở các nước ASEAN ưu tiên cơ sở hạ tầng giao thông cá nhân, chủ yếu là đường bộ trong các mô hình quy hoạch đô thị của họ. Trong một thế giới hiện đại hóa, cách tiếp cận này đặt ra những thách thức đáng kể.
Ví dụ, Philippines đang trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, điều này sẽ được thúc đẩy bởi sự gia tăng năng suất và lực lượng lao động đang mở rộng. Thủ đô Manila dự kiến sẽ tăng gấp đôi quy mô vào năm 2050, mang đến những cơ hội kinh tế đáng kể bên cạnh thách thức đảm bảo phát triển bền vững.
Tuy nhiên, theo ông Jaime Urquijo, Giám đốc phụ trách phát triển bền vững tại Ayala Corp, tốc độ di cư đô thị nhanh chóng, cơ sở hạ tầng tập trung vào ô tô và tình trạng thiếu nhà ở giá rẻ gần các trung tâm đô thị đã làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn kéo dài.
Việc hạn chế đầu tư vào hệ thống giao thông công cộng gây thêm căng thẳng cho người dân, cũng như làm thiệt hại đến các doanh nghiệp và giảm năng suất lao động.
Để đáp ứng những nhu cầu đang thay đổi này, ông Urquijo cho rằng các thành phố phải điều chỉnh giải pháp phù hợp và ưu tiên các dự án mang lại hiệu quả cao nhất. Đôi khi, điều này có nghĩa là tối ưu hóa và tái sử dụng cơ sở hạ tầng hiện có, chẳng hạn như mạng lưới đường bộ.
Ông Jaime Urquijo chỉ ra, tại Singapore, trung bình có 7,2 triệu lượt sử dụng phương tiện công cộng mỗi ngày vào năm ngoái, mặc dù dân số chưa đến 6 triệu người. Mức sử dụng phương tiện công cộng cao này được thúc đảy bởi các chính sách hạn chế sở hữu ô tô, làm nổi bật hiệu quả của hệ thống giao thông trong việc giảm tắc nghẽn đường bộ.
Khi các thành phố lớn tiếp tục phát triển, ông Urquijo nhận định, các nhà quy hoạch và nhà phát triển sẽ cần tận dụng các công nghệ pin và năng lượng mặt trời mới để đáp ứng nhu cầu năng lượng đô thị trong thập kỷ tới.
Theo BloombergNEF, kể từ năm 2012, giá mô-đun năng lượng mặt trời đã giảm 89%, trong khi giá pin lithium-ion đã giảm từ 10% đến 20% mỗi năm. Nếu những xu hướng này tiếp tục, có thể thấy sự thay đổi lớn hướng tới an ninh năng lượng và tự cung tự cấp, với sự nhấn mạnh hơn vào năng lượng do người tiêu dùng tạo ra.
Những tiến bộ này sẽ thúc đẩy các nhà phát triển mở rộng việc sử dụng các công nghệ năng lượng mới, giảm bớt căng thẳng cho lưới điện và tăng cường an ninh năng lượng nói chung.
Hiệu quả năng lượng cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các thành phố trong ASEAN. Đầu tư vào cải thiện hiệu quả năng lượng là giải pháp thay thế rẻ hơn và nhanh hơn cho các nhà máy năng lượng mới và cơ sở hạ tầng truyền tải.
Các quốc gia như Philippines và Việt Nam đã và đang đối mặt với áp lực lên hệ thống năng lượng của mình, và tình trạng này sẽ càng trở nên trầm trọng hơn khi họ tiếp tục phát triển.
Bằng cách kết hợp hiệu quả thiết kế tòa nhà ngay từ đầu như sử dụng bộ điều nhiệt thông minh, hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng và vật liệu tốt hơn, và thông qua việc nâng cấp các công trình hiện có bằng hệ thống giám sát năng lượng, cải thiện cách nhiệt và hệ thống điều hòa không khí, các thành phố có thể sở hữu nhiều tòa nhà thông minh hơn, tiết kiệm năng lượng hơn.
Các biện pháp như vậy không chỉ làm giảm áp lực lên các nguồn năng lượng mà còn góp phần tiết kiệm chi phí.
Hiện nay, xu hướng phát triển các dự án đa chức năng ngày càng tăng ở Manila và trên khắp Đông Nam Á là một bước tiến đáng hoan nghênh. Khi các thành phố ASEAN đối mặt với kỷ nguyên tăng trưởng chưa từng có, quy hoạch đô thị bền vững và lấy con người làm trung tâm sẽ là điều cần thiết.
Bằng cách áp dụng các công nghệ tiên tiến, ưu tiên giao thông công cộng và tích hợp tính đa dạng, linh hoạt vào thiết kế đô thị, các thành phố này có thể cân bằng giữa sự mở rộng nhanh chóng với tính bền vững.
Cách tiếp cận toàn diện này sẽ đảm bảo rằng các siêu đô thị trong tương lai không chỉ kiên cường mà còn công bằng, mang lại lợi ích cho cả cư dân hiện tại và các thế hệ tương lai.