“Chìa khoá” để du lịch Kiên Giang “cất cánh”
Ngành du lịch Kiên Giang đang tập trung khơi thông những rào cản thu hút nguồn lực đầu tư vào các dự án phát triển du lịch một cách đồng bộ.
Theo ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, hiện toàn tỉnh thu hút được 317 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng diện tích 9.754 ha với tổng vốn đầu tư 393.135 tỷ đồng. Tỉnh hiện có 967 cơ sở lưu trú với 33.955 phòng (trong đó: 1 - 3 sao là 26 cơ sở với 1.723 phòng; 4 - 5 sao là 27 cơ sở với 12.688 phòng); 119 doanh nghiệp lữ hành, trong đó 50 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 57 doanh nghiệp lữ hành nội địa và 12 chi nhánh, văn phòng đại diện...
Điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam
Với lợi thế tiềm năng du lịch phong phú, hạ tầng giao thông được TƯ và địa phương tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại tạo nên bước nhảy vọt trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, nhất là lĩnh vực du lịch. Đặc biệt, cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đưa vào khai thác đã kết nối Kiên Giang gần hơn với thị trường quốc tế và các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ…
Đáng chú ý, sản phẩm du lịch của tỉnh ngày càng được đầu tư phát triển đa dạng, chất lượng dịch vụ du lịch được củng cố và nâng cao, cơ bản đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của du khách như: Khu vui chơi giải trí Vinpearland, VinWonders; Khu bảo tồn, chăm sóc động vật hoang dã Safari Phú Quốc; Hệ thống cáp treo từ thị trấn An Thới ra xã đảo Hòn Thơm với chiều dài 7.899,9m là hệ thống cáp treo vượt biển dài nhất thế giới; Casino Phú Quốc; Đi bộ dưới biển (sea walking);...
Cùng với đó, ngành du lịch đang đẩy mạnh triển khai thực hiện các đề án về phát triển du lịch của tỉnh đã được phê duyệt và đẩy mạnh phát triển một số mô hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản tại các địa bàn du lịch trọng điểm, làm gia tăng sản phẩm du lịch, tăng lượng khách du lịch đến Kiên Giang.
Tính riêng 9 tháng đầu năm 2024, Kiên Giang ước đón 8.316.968 lượt khách (tăng 15,5% so với cùng kỳ, đạt 90,4% kế hoạch năm), trong đó khách quốc tế ước đón 736.728 lượt (tăng 57% so với cùng kỳ, vượt 8,3% kế hoạch năm), tổng thu đạt khoảng 19.787 tỷ đồng (tăng 35,7% so với cùng kỳ, đạt 98,9% kế hoạch năm).
“Có thể nói, hoạt động du lịch góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, thúc đẩy tiêu thụ tại chỗ các sản phẩm nông - lâm - thủy sản, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần tăng thu nhập cho người dân và tăng thu ngân sách. Đặc biệt, vị trí, vai trò, tỷ trọng ngành du lịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh ngày càng cao”, ông Thái khẳng định.
Hút nguồn lực đầu tư vùng du lịch trong điểm.
Theo quy hoạch phát triển du lịch tích hợp vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1289/QĐ-TTg ngày 03/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ xác định, Kiên Giang có 04 vùng du lịch trọng điểm: Vùng du lịch Phú Quốc, vùng du lịch Hà Tiên - Kiên Lương và phụ cận; vùng du lịch Rạch Giá - Kiên Hải - Hòn Đất và phụ cận; vùng du lịch U Minh Thượng.
Tuy nhiên, theo ông Thái, ngoài Phú Quốc thu hút phần lớn vốn đầu tư phát triển du lịch của cả tỉnh, chiếm trên 87% dự án đầu tư trong toàn tỉnh thì các vùng du lịch còn lại, mặc dù có nhiều lợi thế về tài nguyên và tiềm năng phát triển du lịch, nhưng công tác thu hút đầu tư du lịch còn gặp nhiều rào cản.
Cụ thể, việc phát triển các khu, điểm du lịch theo quy hoạch được phê duyệt còn chậm; chưa có chính sách cụ thể để thu hút đầu tư nâng cấp và phát triển hạ tầng kết nối; nhiều địa phương trong vùng trọng điểm du lịch chưa xác định rõ được quỹ đất cho phát triển du lịch, nên gặp khó khăn trong mời gọi đầu tư.
Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch chưa phong phú, đa dạng, phần lớn sản phẩm du lịch hiện nay chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên sẵn có. Kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ cho phát triển du lịch như giao thông, cấp điện, cấp nước sạch, khu xử lý rác,... ở khu vực đất liền và các đảo còn chậm. Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và lực lượng lao động trong các vùng này còn thấp, sự phối hợp trong quản lý hoạt động du lịch giữa các cấp, các ngành chưa chặt chẽ. Ngoài ra, vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng lớn.
Để hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch Kiên Giang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ông Thái cho rằng, tới đây ngành du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của phát triển du lịch; tạo quỹ đất cho phát triển du lịch để kêu gọi các dự án đầu tư phát triển du lịch tại các vùng du lịch trọng điểm của tỉnh.
Đồng thời, huy động nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại các vùng du lịch trong tỉnh; chú trọng đầu tư hệ thống giao thông, cầu tàu, bến cảng, cấp điện,.. tại các khu vực được xác định là trọng điểm du lịch của tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch... Song song đó, Sở phối hợp với các cấp, các ngành kiểm soát chất lượng tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch...