Eximbank trong vòng xoáy thay đổi
Chuyển động quyền lực tại Eximbank (HoSE: EIB) tiếp tục có vòng xoáy mới khiến giới đầu tư đặc biệt quan tâm đến khả năng thay đổi của ngân hàng tới đây.
Đây cũng là một phần câu chuyện riêng tạo nhiệt đáng kể cho cổ phiếu của ngân hàng này.
Hàng loạt chuyển động mới
Trong 3 quý đầu năm, thị trường chứng kiến nhiều thay đổi về lãnh đạo cấp cao của các ngân hàng từ OCB, LPBank, PGBank, KienlongBank… và tất nhiên không thể thiếu Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank. Có thể nói, nếu tính trong 1 thập kỉ qua, Eximbank sẽ thuộc top ngân hàng dẫn đầu về biến động xoay quanh cổ đông lớn, đi cùng là thay đổi lãnh đạo nhà băng.
Thông tin tích cực là trong chuyển động kì này, thay đổi đầu tiên lại có tính lặp lại: Quyền Tổng Giám đốc ngân hàng ông Nguyễn Hoàng Hải tiếp tục được bổ nhiệm giữ chức vụ này thêm 3 năm kể từ ngày 3/10. Trước đó, ông Nguyễn Hoàng Hải được bổ nhiệm làm quyền Tổng Giám đốc vào tháng 10/2023, là một trong những lãnh đạo cấp cao trẻ tuổi của ngân hàng và được kì vọng mang đến những thay đổi mới mẻ về triển khai chiến lược ngân hàng theo hướng số hóa và đa năng sản phẩm dịch vụ, đưa ngân hàng sớm trở lại trên đường đua ngân hàng bán lẻ, tối ưu hóa tiềm năng từ phân khúc khách hàng cá nhân và tệp khách hàng doanh nghiệp MSMEs.
Ngoài ra, kể từ ngày 11/10 vừa qua, Eximbank chính thức bổ nhiệm ông Phạm Đăng Khoa làm Phó Tổng Giám đốc kể từ ngày 11/10/2024, thời hạn 3 năm. Cùng ông Hải, Ban Tổng giám đốc của Eximbank theo đó có 7 thành viên gồm quyền Tổng giám đốc và 5 Phó Tổng giám đốc là ông Đào Hồng Châu, ông Nguyễn Hướng Minh, bà Lê Thị Mai Loan, ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ, ông Phạm Đăng Khoa; một kế toán trưởng là ông Lã Quang Trung.
Sự xuất hiện của ông Phạm Đăng Khoa, được biết đến là Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Xây dựng Tracodi (Mã CK: TCD) - thành viên trong hệ sinh thái Bamboo Capital (BCG) của doanh nhân Nguyễn Hồ Nam, nâng nhân sự từ khối BCG và nhóm liên quan có mặt trong Ban điều hành lên 2 thành viên. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hồ Nam, nhà sáng lập BCG hiện cũng đang giữ vai trò Phó Chủ tịch HĐQT Eximbank.
Theo Danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của Eximbank do cổ đông cung cấp từ ngày 1/7/2024 được cập nhật đến ngày 10/10/2024 (nguồn: EIB), CTCP Tập đoàn Gelex hiện đang nắm giữ 174.695.614 cổ phần tương đương 10,00% tỷ lệ sở hữu cổ phần/ vốn điều lệ Eximbank, là cổ đông theo công bố đang nắm giữ quyền chi phối vốn lớn nhất. Thứ hai, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nắm 78.793.505 cổ phần tương đương 4,51%. Thứ ba, CTCP Chứng khoán VIX (cổ đông liên quan Tập đoàn Gelex) nắm 62.345.488 cổ phần tương đương 3,54%. Hai cá nhân cổ đông nắm trên 1% là bà Lương Thị Cẩm Tú và bà Lê Thị Mai Loan nắm lần lượt 1,12% và 1,03%.
Trước danh sách công bố cập nhật, thị trường còn nhắc đến Cty Thắng Phương (có Tracodi) là cổ đông, nắm hơn 3% vốn EIB, song Thắng Phương được biết đã thoái vốn rút khỏi danh sách cổ đông giữ trên 1%. Dù vậy, với sự hiện diện của ông Nguyễn Hồ Nam, ông Phạm Đăng Khoa và bà Mai Loan, đây vẫn được xem nhóm cổ đông có khả năng chi phối thứ 2 sau nhóm Gelex.
Điều thu hút sự chú ý của giới đầu tư kế tiếp, là kế hoạch ĐHĐCĐ bất thường của Eximbank (EGM). Theo Nghị quyết HĐQT Eximbank ngày 8/10, EGM dự kiến tổ chức tại Hà Nội, nội dung dự kiến họp là thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính của Eximbank và Nội dung khác thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ (nếu có).
Thị trường xuất hiện dự đoán Eximbank có khả năng đổi địa điểm đặt trụ sở chính từ TP HCM, nơi Eximbank gắn bó hơn 30 năm, chuyển ra thủ đô Hà Nội và thậm chí nhiều nhà đầu tư đã mạnh dạn dự đoán về khả năng đích đến sẽ là một điểm thuộc Gelex. Nếu điều này thực sự diễn ra, sẽ là một cột mốc rất đáng để theo dõi các chuyển động kế tiếp tại Eximbank.
Dòng tiền "canh" EIB
Về hoạt động kinh doanh, một trong những điểm khiến Eximbank bị đánh rơi vị trí hàng đầu và vẫn đang nỗ lực thiết lập lại, chính là sự thay đổi quá nhiều cổ đông với các cuộc chiến trong gần thập niên qua. Song điều đặc biệt ở Eximbank là nền tảng vững chắc, sức hấp dẫn của 1 ngân hàng có lợi thế riêng biệt trong vòng 30 năm qua không hề suy giảm. Đây hẳn cũng là lí do khiến “nhân duyên” của Eximbank được nhiều nhà đầu tư lớn mong muốn được tham gia chi phối, sở hữu.
Cũng nhờ đó, chỉ cần vượt qua bất ổn, được dẫn dắt, Eximbank lại có cơ hội sinh lợi.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, Eximbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.474,2 tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Khấu trừ chi phí, ngân hàng báo lãi sau thuế 1.170 tỷ đồng, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng tài sản Eximbank đạt mức 211.999,1 tỷ đồng, tăng 5,3% so với đầu năm. Trong đó, t iền gửi khách hàng tăng 4% so với đầu năm, lên 163.051 tỷ đồng,cho vay khách hàng tổng 151.327 tỷ đồng, tăng 8% so với cuối năm ngoái. Tổng số dư nợ xấu tăng thêm 7,4% so với đầu năm, ở mức 4.002 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tại cuối quý II là 2,64% giảm nhẹ so với đầu năm.
Ngân hàng này cũng vừa thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu (7%), và lần đầu tiên sau 10 năm chia cổ tức bằng tiền mặt 3%. Theo kế hoạch, vốn điều lệ Eximbank sẽ đạt 18.688 tỷ đồng.
Quý III/2024, tuy Eximbank chưa có BCTC, song theo dự báo của Chứng khoán MBS, EIB sẽ có tăng trưởng lợi nhuận ròng tới 70% so với cùng kỳ nhờ mức nền thấp của quý III/2024, trong khi NIM giữ tương đương quý II/2024. Theo chỉ tiêu ĐHĐCĐ giao, Eximbank dự kiến LNTT đạt 5.180 tỷ đồng, tăng 90% so với năm 2023. Tổng tài sản dự kiến tăng 11% lên 22.102 tỷ đồng. Nếu đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng hiệu quả, EIB có thể rút ngắn được khoảng cách kết quả lũy kế 6 tháng với chỉ tiêu, bù đắp bằng kết quả 2H2024 còn lại.
Thay đổi của Eximbank có thể được NĐT đặt ra những kỳ vọng thay đổi giá trị cơ bản và dĩ nhiên dòng tiền không ngại nhập cuộc với những cổ phiếu có câu chuyện riêng. Những diễn biến của EIB gần đây, với biến động giao dịch đột biến và "đi theo" đơn thư thông tin không được xác minh nội dung từ phía ngân hàng, càng cho thấy NĐT khá quan tâm đến cổ phiếu NH này cũng như cơ hội thu gom lượng cổ phiếu lớn.