Xã hội

Hàng tiêu dùng - dùng “đoản binh chế trường trận”

Phạm Tuấn 20/10/2024 03:18

Để có thể nâng sức cạnh tranh với hàng Trung Quốc không phải là câu chuyện một sớm một chiều.

Cái quạt bàn cắm USB của tôi bị kêu lạch cạch, nhờ cô em cùng phòng mua cái mới. Quên đi một hai ngày, chẳng thấy cô ấy ra ngoài mua bán gì, mà tôi đã có ngay cái quạt mới khá xinh xắn. Để ý ra, từ cái chân gá điện thoại đến cái bình giữ nhiệt nho nhỏ để ở bàn của tôi cũng đều là đội hình này mua cho và được ship đến nơi.

Nói chuyện cùng mới biết, cứ đặt hàng trên các trang thương mại điện tử thì cái gì cũng có. Không chỉ có Shopee, Lazada, Amazon... những trang mới nổi như 1688 (có cả trang tiếng Việt), Taobao, Temu… đang hút khách Việt Nam khi mua sắm hàng tiêu dùng, từ quần áo, giày dép, túi xách, đồ điện tử, nội thất đến cả đồ ăn, đồ trang trí, gia dụng, vật dụng văn phòng.

hàng tq
Nhiều quốc gia đang bày tỏ lo ngại hàng hóa giá rẻ Trung Quốc ngập tràn thị trường

Tốc độ tăng trưởng năm ngoái của TMĐT lên tới 25%/năm, thì năm nay, tuy chưa hết năm, nhưng có lẽ mức tăng trưởng còn cao hơn năm ngoái, đưa Việt Nam vào nhóm đầu những nước tăng trưởng về TMĐT. Thị trường hàng hoá tiêu dùng bây giờ tràn ngập hàng Trung Quốc, sản phẩm "made in Việt Nam" ngoài mấy sản phẩm hàng nhựa như ghế ngồi, đĩa nhựa... còn lại vắng bóng hẳn.

Trung Quốc với năng lực sản xuất mạnh mẽ, ứng dụng tốt tự động hoá, khoa học kỹ thuật, sáng tạo trong mẫu mã, tạo sức cạnh tranh ghê gớm chiếm lĩnh thị trường. Mô hình sản xuất từ nhà máy đến tổng kho, tới tay người tiêu dùng, được hỗ trợ bởi hệ thống vận tải vận chuyển liên hoàn nhanh chóng, tạo lợi thế cực lớn về giá thành sản phẩm, tốc độ giao hàng. Họ không cần tốn chi phí cho hệ thống phân phối trung gian hay quảng cáo, khi tự sản xuất, tự lập chợ rồi phân phối hàng đi từ gốc tới ngọn.

Kinh doanh truyền thống bị ép chặt dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống phân phối bán lẻ như chợ truyền thống, các cửa hàng, cửa hiệu bám theo trục mặt đường. Khách hàng được hưởng lợi khi ngồi nhà ôm điện thoại, chọn hàng ưa thích, bấm chọn và đợi giao hàng (ship) đến tận cửa, giá lại rẻ, đổi trả cũng thuận lợi dễ dàng. Trung Quốc để đủ loại hàng hoá được tập trung tại tổng kho quy mô lớn ngay sát biên giới Việt - Trung. Có những mặt hàng mà nhân công lao động là tù nhân tham gia sản xuất, làm giá nhân công trở nên cực rẻ, gom đủ chuyến là xuất đi thẳng vào Việt Nam. Nửa đầu năm nay, trung bình hàng ngày có gần 5 triệu đơn hàng/ngày với trị giá khoảng 50 triệu đô la Mỹ từ Trung Quốc chuyển vào Việt Nam.

Theo Quyết định 78/2010/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 1-2-2011, hàng hoá nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có trị giá dưới 1 triệu đồng được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng, như chắp cánh cho hổ thêm lợi thế.

Việt Nam đang thua trên sân nhà với thị trường bị lấn át, tràn ngập. Đến hệ thống trung gian là cửa hàng, cửa hiệu cũng không còn đất dụng võ khi phải chịu chi phí thuê mặt bằng, tiền vốn đọng do nhập hàng, nhân công, điện nước, quảng cáo và thuế phí... sẽ cộng vào giá bán, đẩy giá sản phẩm tương đồng cõng thêm nhiều chi phí, dẫn đến thua hoàn toàn hệ thống phân phối trực tiếp từ Trung Quốc. Thực tế, việc đầu mối chợ truyền thống cũng nhập hàng từ Trung Quốc về, nhưng rồi không chịu đựng nổi sự cạnh tranh nên đành phải trả mặt bằng, chuyển nghề hoặc chấp nhận làm lao động dôi dư.

Không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng gặp tình trạng tương tự và họ đã dựng hàng rào để ngăn chặn. Từ năm 2021, Thái Lan tiến hành thu thuế giá trị gia tăng 7%, áp dụng toàn bộ đối tượng hàng hoá nhập khẩu, không tính đến giá trị sản phẩm. Năm 2023, đến lượt Singapore cũng áp dụng thuế này. Tuy mặt trái của chính sách này là người tiêu dùng không còn được hưởng lợi về giá, nhưng về lâu dài, đó chính là hàng rào để ngăn chặn nguy cơ bị biến thành thị trường tiêu thụ bị động.

Để có thể nâng sức cạnh tranh với hàng Trung Quốc không phải là câu chuyện một sớm một chiều. Phải có năng lực sản xuất mạnh cùng hệ thống phân phối chuyên nghiệp, chính xác và hạ tầng cơ sở đảm bảo việc vận chuyển nhanh chóng, hiệu quả. Trong khi Việt Nam hội nhập thương mại toàn cầu, tham gia cuộc chơi sòng phẳng, nhưng nếu không có cách dùng “đoản binh” là hàng rào thuế quan và bảo hộ sản xuất thế mạnh như hải sản, hoa quả nhiệt đới, sản phẩm nông nghiệp… sở trường của Việt Nam để chống “trường trận” đại quy mô của Trung Quốc, thì nguy cơ nền sản xuất trong nước bị thoái hoá, hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài là hiện hữu.

Cái lợi giá rẻ có thể nhìn thấy trước mắt, nhưng sau đó, khi đã bị độc quyền và thao túng, thì lúc đó còn nguy hiểm hơn. Họ sẽ bán cho chúng ta với giá họ thích, chất lượng họ muốn, vì chúng ta không có sự lựa chọn.

Ở thời điểm hiện tại, khi kinh tế còn khó khăn, việc thắt chặt chi tiêu, lựa chọn hàng thiết yếu với chi phí thấp nhất là việc không thể đặng đừng. Nhưng về tương lai, nhà nước phải hoạch định chính sách, lập hàng rào thuế quan bảo hộ cho sản xuất trong nước phát triển song song với hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở. Lựa chọn loại hàng hoá có lợi thế cạnh tranh, ưu tiên tập trung hỗ trợ sản xuất, chứ tham rẻ để chịu lệ thuộc, thì sẽ đến ngày có tiền cũng không có hàng để mua.

Phạm Tuấn